Ngành Lưu trữ học cung cấp các kiến thức chuyên môn về văn bản học; soạn thảo và ban hành văn bản; quản lý văn bản; quản lý hồ sơ; các nghiệp vụ lưu trữ; lưu trữ các tài liệu chuyên môn, kỹ thuật, đặc thù. Bên cạnh đó, ngành học còn cung cấp các kiến thức bổ trợ như quản trị thông tin, quản trị văn phòng, quản trị nhân sự, marketing trong lưu trữ…; các kỹ năng chuyên môn cần thiết, kỹ năng bổ trợ như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lễ tân, kỹ năng hành chính, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin…để sinh viên có thể thích nghi với các vị trí công tác của nhiều môi trường làm việc.
Cơ hội nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc tại các vị trí như chuyên viên lưu trữ, cán bộ văn thư - lưu trữ, là nguồn nhân lực tiềm năng cho các vị trí Trưởng/phó phòng Hành chính, Lưu trữ; Chánh/phó Văn phòng các cơ quan, doanh nghiệp; Giám đốc/phó giám đốc các Trung tâm lưu trữ; Giảng viên các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về Lưu trữ. Các đơn vị tuyển dụng chủ yếu gồm: các cơ quan quản lý công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ; các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương (Bộ, sở, UBND); các tổ chức chính trị xã hội (Đảng, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội); các doanh nghiệp (công ty, tập đoàn); các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán); các cơ sở sự nghiệp (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu).