Chương trình đào tạo cử nhân ngành Lịch sử trang bị cho sinh viên hệ thống những kiến thức cơ bản, hệ thống về tiến trình lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, về một số học phần bổ trợ, về một chuyên ngành của khoa học lịch sử và các phương pháp nghiên cứu lịch sử để có thể học tiếp lên bậc cao hơn và tự học để hoàn thiện và nâng cao năng lực làm việc.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có kiến thức cơ bản lí luận sử học bao gồm những diễn giải bản thể lịch sử với tư cách là đối tượng của sử học, lí thuyết về con đường tiếp cận lịch sử và khai thác thông tin lịch sử, các thời đại và khuynh hướng sử học thế giới và Việt Nam; có hiểu biết cơ bản về khoa học khảo cổ như một lĩnh vực liên ngành nghiên cứu quá khứ nhân loại dựa trên những tài liệu vật thật; có kiến thức cơ bản và hệ thống về tiến trình lịch sử Việt Nam và lịch sử Thế giới thời kì cổ trung đại, thời kì cận đại, thời kì hiện đại; có tri thức về một số vấn đề của lịch sử Việt Nam và lịch sử Thế giới như Làng xã Việt Nam trong lịch sử, Sự phát triển kinh tế-xã hội các nước Đông Nam Á, Sự phát triển kinh tế-xã hội các nước Đông Bắc Á...; hiểu biết cơ bản quá trình hình thành và phát triển của chữ Hán, chữ Nôm trong lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Có khả năng phiên âm và dịch nghĩa một số loại hình văn bản Hán nôm cơ bản về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, tùy thuộc theo từng hướng chuyên ngành, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức chuyên sâu theo từng lĩnh vực của khoa học lịch sử gồm: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn hóa học, Khảo cổ học, Lịch sử đô thị, đồng thời vận dụng các kiến thức này vào quá trình học tập và nghiên cứu.
Cơ hội nghề nghiệp: Làm công tác nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội có yêu cầu chuyên môn liên quan trực tiếp đến kiến thức lịch sử; Làm công tác giảng dạy lịch sử tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học; Làm công tác quản lí tư liệu lịch sử, quản lí bảo tàng, di tích lịch sử,…; Làm công tác lịch sử, văn hoá ở các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội; Làm những công việc liên quan đến những vấn đề khác nhau thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn;
Các loại hình cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có khả năng và cơ hội làm việc phù hợp: Các trường đại học, cao đẳng, phổ thông có giảng dạy lịch sử và học phần Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Các Viện Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng…; Các cơ quan Nhà nước và đoàn thể có sử dụng kiến thức lịch sử (các cơ quan trung ương của hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, UBND các cấp, bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu lịch sử-văn hoá, các đơn vị quản lí di tích lịch sử, các nhà xuất bản, tạp chí chuyên ngành lịch sử… ).