Đăng ký nội trú
 

TALK CÙNG GIẢNG VIÊN NGÀNH KỸ SƯ TỰ ĐỘNG HÓA VÀ TIN HỌC

Để tìm hiểu kỹ hơn về chương trình đào tạo Kỹ sư Tự động hóa và Tin học, chúng ta sẽ có dịp được tìm hiểu thông tin về chương trình đang rất "hot" này cùng TS. Nguyễn Văn Tính - Giảng viên Bộ môn Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, chuyên gia nghiên cứu các giao thức điều khiển cho các hệ thống mạng đa trạm, các giải pháp điều khiển cho các hệ thống chịu lỗi động cơ trong quá trình vận hành, …

Xin thầy có thể chia sẻ về lịch sử phát triển của lĩnh vực Tự động hóa và Tin học?

Tự động hóa hay Điều khiển tự động mô tả một loạt các công nghệ được vận hành một cách tự động làm giảm sự can thiệp của con người vào các quy trình sản xuất. Nhờ đó, không những chất lượng sản phẩm, năng suất được nâng cao mà tự động hóa còn giúp người vận hành còn tránh được những rủi ro của lao động như môi trường độc hại, tai nạn lao động, đảm bảo tiệt trùng cho các sản phẩm dinh dưỡng, ... Từ đầu thế XVIII, cơ sở toán học của lý thuyết điều khiển tự động đã bắt đầu hình thành cho hệ thống điều khiển vòng kín đơn giản nhất mà bộ điều khiển bên trong đó là một phép trừ số học giữa giá trị mong muốn được đặt trước với giá trị đầu ra được phản hồi về.

Trải qua hai cuộc cách mạng công nghiệp thứ 2 và thứ 3 trong thế kỷ XX, các cấu trúc của các hệ thống điều khiển tự động đã được phát triển vừa đa dạng vừa tinh vi. Cụ thể, các hệ thống điều khiển tự động được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực từ tự động hóa dây truyền công nghệ lắp giáp ô tô, đóng tàu thủy cho đến khai thác mỏ quặng, ...; các hệ thống điều khiển rất tinh vi vì chúng đã ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến như kỹ thuật điều khiển mờ, tận dụng khả năng xấp xỉ hàm số của các mạng nơ ron nhân tạo,....

Ngày nay, trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hệ thống điều khiển tự động cũng đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất công nghiệp như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT), ... để nâng cao độ linh hoạt cho các hệ thống công nghiệp.

Sinh viên sẽ được cung cấp những kỹ năng và kiến thức gì khi học lĩnh vực này?

Khi theo học chương trình, sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng:

- Có đủ kiến thức về Tiếng Anh để phục vụ cho việc tra cứu tài liệu; Có khả năng giao tiếp tốt các vấn đề trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

- Có kiến thức về nguyên lý và phân tích các mạch điện điều khiển tự động khống chế, các mạch điện tử tương tự và số, mạch điện tử công suất, mạch đo lường và xử lý tín hiệu.

- Có kiến thức về cấu tạo, nguyên lý và tính năng của các thiết bị điện trong công nghiệp và dân dụng để tính toán thiết kế, sửa chữa đảm bảo tính năng vận hành tối ưu của thiết bị trong hệ thống và tiết kiệm năng lượng điện.

- Có kiến thức về nguyên lý và các phương pháp phân tích hoạt động của các hệ truyền động điện, các hệ thống truyền động tự động công nghiệp vừa và nhỏ, các dây chuyền sản xuất tự động trong công nghiệp.

Sinh viên được thực hành những gì khi học ngành này?

Sinh viên sẽ được thực hành và vận dụng rất nhiều về:

- Thiết kế, lắp đặt, chỉnh định và vận hành được các các hệ thống điều khiển tự động công nghiệp vừa và nhỏ, các hệ thống dân dụng: PLC, vi điều khiển, mini SCADA.

- Thiết kế và xây dựng được các hệ hống truyền động điện tự động cho các máy và dây chuyền sản xuất, các truyền động của robot công nghiệp, máy CNC.

- Kiểm tra, sửa chữa, cài đặt, các thiết bị điện, các loại máy điện điện xoay chiều và một chiều. Cải tiến nâng cấp các hệ thống truyền động điện tự động trong các máy và dây chuyền sản xuất công nghiệp và dân dụng.

- Xây dựng, tổ chức, điều hành và quản lý các dự án thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa có hiệu quả.

- Lập trình, thiết kế, mô phỏng được các hệ thống truyền động điện tự đông trên các phần mềm tin học chuyên ngành như: phần mềm Matlab, C, C++, CAD, Labview...

- Lập trình và cài đặt các hệ thống PLC, Biến tần công nghiệp, hệ vi điều khiển, Hệ thống Đo lường và cảm biến.

- Lập kế hoạch, tổ chức sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ đảm bảo quy định trong sản xuất kinh doanh của ngành nghề.

Yêu cầu của một sinh viên khi tốt nghiệp và hành nghề trong lĩnh vực này?

Sinh viên là kỹ sư phải nắm vững được các nguyên lý cơ bản của cơ sở toán học trong lý thuyết điều khiển tự động. Biết cách phân thích và thiết kế các hệ thống tự động một cách thuần thục và chuyên nghiệp. Ngoài ra, sinh viên phải có khả năng tư duy độc lập và khả năng làm việc theo nhóm để thúc đẩy mục tiêu chung tiến xa.

Vậy những việc làm cụ thể của sinh viên khi ra trường là gì?

Sinh viên có thể trở thành Kỹ sư Tự động hóa làm việc với vai trò của cán bộ kỹ thuật tại các nhà máy công nghiệp với các nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì, điều phối, quản lý các công việc Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Các công ty tư vấn thiết kế cũng tuyển dụng nhân sự với vai trò tư vấn thiết kế các hệ thống điều khiển và tự động hóa, thi công lắp đặt các dây chuyền sản xuất, các hệ truyền động tự động tại các nhà máy, các khu công nghiệp và các khu chế xuất. Đối với sinh viên yêu thích nghiên cứu, sinh viên có thể thử sức tại các sở Khoa học công nghệ, các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực Tự động hóa, với vai trò là các chuyên viên kỹ thuật.  Với sinh viên yêu thích tự lập và khởi nghiệp, sinh viên có thể tự thành lập, quản lý và phát triển doanh nghiệp tư nhân của mình.

Những môn học hấp dẫn đối với sinh viên ngành này?

Ngành học có rất nhiều môn học hấp dẫn để  sinh viên trải nghiệm như: Điện tử tương tự/số và lắp mạch điện tử ; Lập trình vi điều khiển; Lập trình PLC; Lý thuyết điều khiển tự động, Điều khiển tối ưu và thích nghi; Mạng noron và điều khiển mờ; Mô hình hóa và mô phỏng; Lắp đặt mạch điều ĐK động cơ dùng công tắc tơ và rơle; Truyền động điện tự động; Thiết kế điều khiển nhúng ; Kết nối mạng truyền thông công nghiệp; Hệ thống thông tin công nghiệp; Điều khiển quá trình.

Những điều nhắn nhủ của thầy tới sinh viên tương lai?

Thầy chúc các em luôn giữ được ngọn lửa đam mê trong nghiên cứu khoa học và chinh phục các thử thách trong môi trường học thuật tiên tiến của Khoa Quốc tế - ĐHQGHN.
Chúc các em sẽ thành tài để sau này đóng góp vào quá trình đổi mới sáng tạo của đất nước.

TS. Nguyễn Văn Tính tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2008, chuyên ngành Điều Khiển Tự Động, hệ chính quy. Sau đó, thầy có 12 năm nghiên cứu và học tập chuyên sâu tại Phòng Công nghệ Tự động hóa, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VHLKHCNVN).Từ năm 2020 đến nay, TS. Nguyễn Văn Tính đang theo đuổi khóa nghiên cứu Sau tiến sĩ – Postdoc -  tại Đại học Quốc gia Thành Công của Đài Loan. Chủ đề nghiên cứu của anh tập trung vào các giao thức điều khiển cho các hệ thống mạng đa trạm, các giải pháp điều khiển cho các hệ thống chịu lỗi động cơ trong quá trình vận hành, … TS. Nguyễn Văn Tính đã công bố nhiều bài báo, báo cáo, công trình khoa học ở các tạp chí xuất bản ở nước ngoài và các hội nghị quốc tế.

Facebook Chat Widget by CAIT