“Dịch này không có việc nên tôi tranh thủ chuyển qua chạy xe để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình”, anh Hùng - tài xế grab chia sẻ với người viết bài trên chuyến xe từ công ty về nhà. Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, anh là lái xe đưa đón khách nước ngoài cho một công ty lữ hành tại Hà Nội.
Không chỉ cánh tài xế như anh Hùng, những người làm công việc khác trong ngành du lịch như kế toán, nhân viên marketing, dẫn tour… cũng đã và đang cố gắng tìm cho mình một công việc khác để mưu sinh. Cơn đại dịch đã làm cho toàn xã hội đảo lộn. “Riết rồi không biết còn ai làm du lịch nữa…”, người tài xế chạc 40 tuổi thở dài.
Kịch bản tươi sáng
Đó là câu chuyện của hiện tại, nhưng nhìn xa hơn, nhiều người vẫn tin tưởng vào một kịch bản tươi sáng cho ngành du lịch Việt Nam khi nước ta đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch COVID-19. Đợt dịch gần đây nhất về cơ bản đã được kiềm chế, việc tiêm chủng vắc xin cho người dân đang được chính phủ triển khai. Các chính sách mở cửa và hỗ trợ phát triển du lịch đã và đang được áp dụng ở nhiều địa phương.
Việt Nam sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch kết thúc
Theo các chuyên gia quốc tế, bên cạnh những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra thì sự kiện này cũng mở ra cơ hội để cho ngành du lịch cùng nhìn lại và xây dựng một chiến lược thực tế hơn và bền vững hơn.
Ông Ahmed Eiweida, Điều phối viên toàn cầu về Di sản văn hóa và Du lịch bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, thời điểm hiện tại, du lịch nội địa chắc chắn sẽ là chìa khóa để làm sống lại ngành du lịch Việt Nam bởi ngay trước khi có COVID-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế.
Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc khống chế đại dịch nên ngành du lịch dù có bị ảnh hưởng (giảm 25% ở thời điểm cao nhất) nhưng bây giờ vẫn tiếp tục phát triển trở lại. Du lịch trong nước đóng góp cho GDP của cả nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm nên đây là lĩnh vực có thể hỗ trợ cho toàn bộ ngành du lịch nói chung.
Mô hình phục hồi du lịch Việt Nam của McKinsey
Đồng tình với quan điểm trên, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam đánh giá đúng mực thị trường du lịch trong nước sau thời gian dài chỉ tập trung vào đối tượng là khách du lịch quốc tế.
Theo Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp thì ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024 nhờ du lịch trong nước. Để khai thác triệt để hơn cơ hội này, các công ty du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm dịch vụ phù hợp, duy trì các sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao và đặc biệt chuẩn bị thật tốt đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
Vai trò của đào tạo ngành du lịch
Không ít bậc phụ huynh nắm bắt được xu hướng này nên đã định hướng con em mình lựa chọn ngành du lịch sau khi kết thúc bậc trung học phổ thông. “Mẹ em đã phân tích cho em rất rõ về nhu cầu lớn của ngành du lịch khoảng 5 năm nữa. Nếu bắt đầu học từ năm nay thì khi ra trường, em sẽ bắt kịp đúng nhịp hồi sinh mạnh mẽ của thị trường”, Nguyễn Lan Nhi, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.
Cô chọn học chuyên ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch tại Khoa Quốc Tế - ĐH Quốc gia HN vì mong muốn được trải nghiệm nền giáo dục chất lượng quốc tế ngay tại Việt Nam, từ đó trau dồi những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để có thể tự tin làm việc sau khi ra trường.
Sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch tại Khoa Quốc Tế - ĐH Quốc gia HN trong một buổi học thực hành.
TS. Trần Anh Hào, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia HN cho biết thời điểm hiện tại, ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch tại trường đang rất được các bạn trẻ và phụ huynh quan tâm. “Trước tới nay, các vị trí quản lý tại khách sạn và các công ty lữ hành lớn trong nước đều do người nước ngoài đảm nhiệm. Đây là một điều đáng tiếc mà chúng tôi muốn được thay đổi theo hướng tích cực hơn bằng cách đầu tư vào chương trình đào tạo đội ngũ nhân sự ngành này”, thầy Hào chia sẻ.
Tại Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia HN, khung chương trình đào tạo ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch được thiết kế rất gọn nhẹ, tối giản để sinh viên có cơ hội thực hành nghề trong thời gian ngắn nhất. “Sau khi kết thúc chương trình, sinh viên sẽ được nhận bằng cử nhân trường đại học uy tín của Hoa kỳ tại Việt Nam, giúp các em có thể tự tin làm việc cả ở môi trường trong nước lẫn quốc tế”, thầy Hào cho biết.
Có thể thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất tới ngành du lịch. Nhưng với sự chuẩn bị sẵn sàng về con người, cơ sở vật chất cùng định hướng rõ ràng, chúng ta có thể tin tưởng vào sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói này tại Việt Nam.