Đăng ký nội trú
 

RECAP CHỦ ĐỀ SỐ 7: HỌC CỬ NHÂN QUẢN LÝ VỚI ĐẠI HỌC MỸ

Sinh viên sẽ được học gì khi lựa chọn chuyên ngành quản lý?

TS. Đỗ Phương Huyền: Có 2 định nghĩa nổi tiếng về ngành quản lý. Theo bà Mary Parker Follet - được xem là người đã đưa ra khái niệm về quản trị hiện đại: “Quản lý là nghệ thuật khiến công việc được thực hiện thông qua người khác.” Bên cạnh đó một cặp đôi 2 nhà nghiên cứu khác Harolk Kootz & Cyryl O’Donell thì cho rằng: “Quản lý là việc thiết lập và duy trì môi trường nơi mà cá nhân làm việc với nhau trong từng nhóm có thể hoạt động hữu hiệu và có kết quả, nhằm đạt được các kết quả, mục tiêu của nhóm.

Trong khuôn khổ của một chương trình đào tạo, quản lý là việc thực hiện các hành vi quản lý quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm việc cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa hiệu suất, quản lý hoạt động kinh doanh bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý.

Một chương trình quản lý sẽ được chia ra làm 3 mảng lớn. Thứ nhất là kiến thức đại cương về nhiều lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên, kinh tế xã hội, chính trị thế giới, nghệ thuật - nhân văn, tâm lý học. Thứ hai là mảng kiến thức chuyên sâu bao gồm kiến thức về kinh doanh và quản lý liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cuối cùng là khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh (tương đương IELTS 6.0 trở lên) để làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Về khung chương trình đào tạo, chuyên ngành Quản lý sẽ được chia thành 4 khối kiến thức bao gồm: Khối kiến thức cơ sở; Khối kiến thức chung; Kiến thức chuyên ngành; Khối kiến thức Marketing/Khởi nghiệp. Bởi vì Quản lý là một ngành rất rộng nên các bạn sinh viên sẽ được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng ở nhiều lĩnh vực từ kinh tế vi mô, vĩ mô đến quản trị chiến lược, quản trị tài chính quốc tế. 

Ngoài ra, sau khi hoàn thành chương trình các bạn sinh viên sẽ nắm được thêm các kỹ năng như sau: khả năng phân tích, đánh giá các hoạt động kinh doanh, tạo lập doanh nghiệp, tổ chức cũng như tham gia đề xuất và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp; Trải nghiệm các chương trình thực tập, thực tiễn tại doanh nghiệp từ đó định hướng được mục tiêu và lộ trình phát triển nghề nghiệp của bạn thân; khả năng làm việc độc lập, tự học hỏi và tìm tòi, làm việc có kế hoạch và khoa học; kỹ năng quản lý thời gian, phân bổ công việc hợp lý và các kỹ năng thuyết phục, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng trao quyền, …

Tại sao chương trình Quản lý của Khoa Quốc tế lại chia thành 2 nhánh Marketing và Khởi nghiệp? Sinh viên sẽ lựa chọn ngay khi đăng kí đúng không ạ?

Thầy Gary Giss: Sinh viên có cơ hội lựa chọn ngành học chuyên sâu. Tôi sẽ giải thích về điều này. Chương trình cử nhân Quản lý đã mang đến cho người học một cách rất tổng quan về quản lý trong kinh doanh ví dụ như khả năng lãnh đạo hay các kỹ năng khác. Tất cả các sinh viên theo học chương trình Quản lý đều sẽ học các khối kiến thức chung như kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược, hay ứng dụng máy tính trong kinh doanh, kinh tế và nhiều kinh vực khác. Sau khi học xong khối kiến thức chung về ngành quản lý, sinh viên có cơ hội lựa chọn học sâu hơn về chuyên ngành Marketing hoặc Khởi nghiệp. Nhánh chuyên ngành mà các em lựa chọn sẽ được học theo chương trình được thiết kế riêng và chuyên sâu về ngành mà các em lựa chọn. Ví dụ như các em chọn nhánh Marketing sẽ được học các kiến thức chuyên sâu như: lập kế hoạch Marketing, nguyên lý quảng cáo, internet Marketing, Marketing toàn cầu, Marketing cho tổ chức phi lợi nhuận,... Nếu như các em lựa chọn học Khởi nghiệp thì đương nhiên các em sẽ được học Khởi nghiệp kinh doanh, hạch toán, thiết kế Web Page, Marketing bán lẻ... Như vậy để các em có thể sẵn sàng khởi nghiệp với mô hình kinh doanh của riêng mình. Đây chính là lý do để chúng tôi chia nhỏ chương trình, giúp các em đưa ra lựa chọn phù hợp cho tương lai của mình.

Điểm khác biệt giữa chương trình quản lý và chương trình song bằng quản lý là gì? 

ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Cả hai chương trình đều có những điểm giống nhau là: Được học hoàn toàn bằng tiếng Anh, Học theo phương pháp “trải nghiệm”; Giảng viên nước ngoài chiếm 30% môn học cốt lõi; Có cơ hội chuyển tiếp; Có các loại học bổng dài hạn, học bổng ngắn hạn và học bổng của trường ĐH Keuka. 

Điểm khác biệt đầu tiên giữa hai chương trình đó là tiêu chí “Học kỳ nước ngoài”. Với chương trình Quản lý song bằng thì các bạn sinh viên sẽ bắt buộc có một kỳ học ở nước ngoài cụ thể là một kỳ học (dự kiến là ký học thứ 5) ở bên trường Keuka (Hoa Kỳ), sẽ học tập và sinh hoạt giống như các bạn sinh viên tại Mỹ. Tiếp theo đó là sự khác biệt về học phí. Một cách logic chúng ta có thể suy luận ra vì chương trình đào tạo song bằng các bạn sinh viên có một kỳ học bắt buộc ở Mỹ vì vậy tổng học phí của toàn chương trình đào tạo song bằng sẽ lớn hơn học phí chương trình đào tạo liên kết quốc tế đơn thuần. Và điểm khác biệt nổi bật nhất giữa hai chương trình chính là bằng cử nhân, tấm bằng nhận được sau khi tốt nghiệp. Khi các bạn theo học chương trình Quản lý liên kết quốc tế với đại học Keuka, sau khi tốt nghiệp các bạn sẽ nhận được 01 tấm bằng cử nhân Quản lý (Bachelor of Science in Management) do đại học Keuka cấp bằng (Văn bằng được Ủy ban các bang miền Trung Hoa Kỳ về Giáo dục đại học kiểm định - Cục Khảo thí Bộ GD&ĐT Việt Nam công nhận). Trong khi đó, khi các bạn theo học chương trình cử nhân Quản lý song bằng, các bạn sinh viên sẽ nhận được 02 bằng cử nhân gồm 01 tấm bằng cử nhân Quản lý do Đại học Keuka cấp (Bachelor of Science in Management) và 01 bằng cử nhân Quản lý do ĐHQGHN cấp bằng. Đây là chương trình đầu tiên và cũng là duy nhất của ĐHQGHN cho đến nay cho phép sinh viên cùng lúc nhận được 2 tấm bằng cử nhân từ ĐHQGHN và một trường quốc tế uy tín như ĐH Keuka.

Hình thức xét tuyển của hai chương trình cũng có một số những khác biệt nhất định. Theo phương án xét tuyển dự kiến của Khoa Quốc tế:

Phương án xét tuyển dự kiến Khoa Quốc tế - ĐHQGHN

TS. Đỗ Phương Huyền: Về khung chương trình đào tạo, với chương trình cử nhân Quản lý song bằng các bạn sinh viên sẽ học thêm một số học phần ví dụ như giáo dục thể chất, chính trị, các khối kiến thức cơ sở chung của ĐHQGHN, đảm bảo yêu cầu cơ bản để nhận được bằng của ĐHQGHN. Ngoài ra khung chương trình cũng được bổ sung thêm một môn học, là một điểm rất mới đối với các chương trình đào tạo do ĐHQGHN cấp bằng nói chung và các chương trình liên kết nói riêng đó là môn học “Định hướng Đại học”. Môn này sẽ cung cấp cho các em sinh viên những cái nhìn cơ bản nhất cũng như chuẩn bị cho các em các kỹ năng, tâm lý để các thể bước vào bậc học đại học với tư thế rất vững vàng để học tập 4 năm tại trường Đại học. 

Sinh viên tham gia Học kỳ nước ngoài sẽ được học những gì tại ĐH KEUKA Hoa Kỳ ạ? Thầy có thể giới thiệu thêm về Đại học Keuka được không ạ?

Thầy Gary Giss: Đây là một câu hỏi rất thú vị và thầy sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu ĐH Keuka. Đại học Keuka được thành lập từ năm 1890 tính đến nay đã được hơn 130 tuổi. Keuka là trường đại học nằm cạnh ngay bên hồ tại thành phố New York. Khuôn trường thoáng đãng với không khí mát mẻ, nơi đây là vùng đất nổi tiếng với những vườn nho được trồng để làm rượu vang. Để đến được ĐH Keuka các em sẽ mất khoảng 5h đi xe hoặc 1h đi máy bay từ trung tâm TP. New York. Đây là khu vực ngoại thành có an ninh tốt. Các em cũng chỉ mất 2.5 tiếng đi xe để đến thăm thác nước Niagara - tuyệt tác của thiên nhiên.

Chúng tôi cũng có nhiều đối tác tại Việt Nam ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Chúng tôi cũng có đối tác tại Trung Quốc nữa. Một thế mạnh của chúng tôi là chúng tôi có giới hạn số lượng sinh viên. Không giống như các trường ĐH mà chúng ta thường thấy số lượng sinh viên của một lớp có thể lên đến 150 sinh viên. Tại Keuka, sĩ số sinh viên của một lớp nhỏ, điều này làm cho giảng viên và sinh viên của Keuka giống như một gia định vậy. Các em có cơ hội đưa ra ý kiến và bày tỏ các quan điểm cá nhân. Tại Keuka chúng tôi khuyến khích các em đưa ra ý kiến để nâng cao khả năng phản biện. Điều này để thực hiện hơn với lớp học có sĩ số nhỏ. Thầy cũng từng học đại học với hơn 150 sinh viên một lớp. Thầy cảm thấy như giảng viên không quan tâm trực tiếp đến sinh viên. Ngồi trong lớp mà thầy cảm giác như đi “concert” vậy. Học ở một lớp học nhỏ các em sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, được tương tác, học tập nhiều hơn với thầy cô, bạn bè. 

Năm 21-22 tuổi thầy có cơ hội đi du học, để thầy kể cho các em nghe về trải nghiệm học tại nước ngoài của thầy để các em có thể hình dung được những gì đang chờ các em khi đến học tập tại ĐH Keuka nhé. 

Đầu tiên, khi các em đến học tập ở một môi trường mới, các em sẽ có những trải nghiệm “độc nhất vô nhị”. Điều này sẽ kéo các em ra khỏi vùng an toàn của mình. Với thầy đó là một điều tốt. Tuy sẽ có những lo sợ lúc đầu, nhưng dần dần sẽ trở nên lý thú vì các em được học cách nhìn nhận thế giới với những điều mới mẻ. Nếu chỉ ở nhà và lặp đi lặp những điều mà các em làm hàng ngày thì các em sẽ giống như robot vậy. Đến một vùng đất mới em sẽ thấy bản thân mình thức tỉnh, em sẽ trải qua những gì em chưa từng nghĩ đến. Hơn thế nữa, du học chính là cơ hội để các em trau dồi khả năng ngôn ngữ, kỹ năng kinh doanh toàn cầu. Và đây cũng là cơ hội du lịch vô cùng thú vị nữa. Sẽ có rất nhiều các bạn sinh viên đến từ nhiều nơi, ngay ở tại Việt Nam chúng tôi cũng có nhiều đối tác vì thế cũng sẽ có những bạn sinh viên Việt Nam đến từ Hà Nội hoặc Tp Hồ Chí Minh. Có rất nhiều hoạt động các em có thể trải nghiệm, như các em cũng biết, trường có khuôn viên rất đẹp, trường nằm ngay cạnh bờ hồ Keuka vì vậy trải nghiệm sẽ vô cùng tuyệt vời các em nhé. Sinh viên có thể chèo thuyền, bơi, tắm nắng trên cầu cảng và mùa đông ở đây sẽ có tuyết rơi, nếu các em chưa được thấy tuyết rơi thì đến đây các em sẽ được nhìn ngắm tuyết rơi bao phủ trắng cả khuôn viên trường. Khi đến vùng đất mới, được trải nghiệm ẩm thực, lắng nghe những câu chuyện mới, kết giao bạn bè sẽ thay đổi các em. Thầy nhớ khi thầy trở về, mẹ thầy đã rất ngạc nhiên khi thầy ăn những món ăn mà trước đây thầy không bao giờ động vào. Thầy muốn khẳng định một điều rằng con người ta sẽ thay đổi rất nhiều sau khi đi du học về. 

Thầy Gary Giss chia sẻ về kỳ học nước ngoài

Có rất nhiều sinh viên chuyển đến học tại ĐH Keuka, vậy trong trường hợp gặp khó khăn các em sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Thầy Gary Giss: Tại Keuka, chúng tôi có trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế. Chúng tôi có những nhân viên để hỗ trợ sinh viên, bản thân họ cũng từng là du học sinh nên hiểu được những vấn đề mà các em từng gặp phải. Các em sang nước ngoài học, không có người thân, bạn bè, phương tiện đi lại, môi trường học tập hoàn toàn mới, không thể nào chỉ nói mới các em “Good luck” vì vậy trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế sẽ giúp các em giải quyết các vấn đề, những lỗi lo. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên trực tiếp tại văn phòng, qua điện thoại hoặc qua email. Chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều hoạt động cho sinh viên quốc tế như tổ chức tour thăm quan trường, sắp xếp chỗ ở cho sinh viên, đưa sinh viên đến các điểm du lịch. Hiện nay trung tâm đang thúc tiến các sinh viên đại sứ kết nối sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế, kết bạn và hỗ trợ nhau sâu sắc hơn. Từ kinh nghiệm bản thân thầy, sinh viên có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ với các bạn sinh viên bản xứ là một điều rất tuyệt vời. Thầy có thể liên lạc và gặp lại các bạn khi đi công tác hay đi du lịch. Sau này, đó sẽ là những kỉ niệm đẹp, khoảng thời gian đi du học là khoảng thời gian đáng nhớ.

Thế mạnh đặc trưng của ĐH Keuka là phương pháp giáo dục trải nghiệm. Đây là phương pháp như thế nào và lợi ích mà nó đem lại cho người học là gì?

Thầy Gary Giss: Lý do quan trọng vì sao bạn nên chọn chương trình đào tạo đại học của Đại học Keuka tại Khoa Quốc tế. Các em hãy nghĩ theo cách cân bằng hai cực âm dương nhé! Ở phương Đông, phương pháp giáo dục chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục của Nho giáo, giáo viên sẽ nói học sinh sẽ nghe, chép và học thuộc những gì được dạy. Tuy nhiên tại phương Tây thì chúng tôi nhấn mạnh vào nhu cầu cá nhân. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến người học, chúng tôi tập trung vào việc khuyến khích sinh viên tư duy phản biện và đặt câu hỏi ngược lại cho những gì các em được học. Phương pháp giáo dục như vậy sẽ giúp cho sinh viên trau dồi khả năng lãnh đạo sức sáng tạo cũng như tính độc lập. Từ đó các em trở nên tự tin và xuất sắc trong mọi lĩnh vực sau này. Sinh viên của chúng tôi không ngại bất cứ điều gì, các em sẵn sàng thách thức với những rủi ro, sẵn sàng thử cách tiếp cận mới và sáng tạo, đặt câu hỏi và không ngần ngại trong giao tiếp. Những điều thầy vừa nói là những điều sẽ làm nên thành công của các em sau này. Đây là cách đại học Keuka đào tạo sinh viên, đây cũng là cách sử dụng trong kinh doanh. Phương pháp này có sự khác biệt so với cách tiếp cận của Nho giáo, khuyến khích sự sáng tạo, tư duy và kích thích sự đổi mới. Ở đây, thay vì chỉ học lý thuyết, chúng tôi cho các em được trải nghiệm thực tế, các em được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, tìm hiểu cách vận hành quy trình sản xuất. Điển hình như chúng tôi đã đưa các sinh viên của mình tới tham quan doanh nghiệp tại Canada, ở đó, các em được biết quá trình vận hành, sản xuất diễn ra như thế nào, các em được đặt câu hỏi cho người đại diện doanh nghiệp, sinh viên trải nghiệm và nhận ra rằng thì ra đây là cách quy trình được vận hành. Chúng tôi cũng cho sinh viên học về cách xây dựng thương hiệu, cách marketing và sản xuất sản phẩm. Chúng tôi có môn học trải nghiệm thực tế, các em sẽ làm việc trong môi trường giả lập của các tổ chức phi lợi nhuận, trong đó sinh viên sẽ đóng những vai trò khác nhau như marketing, kỹ thuật, phụ trách nhân sự… các sinh viên phải vận dụng kiến thức và tạo dựng các dự án cho cộng đồng. Có sinh viên đến trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, có sinh viên tới các vùng xa xôi… các em đã thành công gây quỹ từ các hoạt động mà các em triển khai. Từ đó nâng cao ý thức cộng đồng và các em cũng rất tự hào về những gì mình đã làm được. 

Thầy cô có thể gợi ý một số cơ hội nghề nghiệp dành cho cử nhân chương trình quản lý được không ạ? 

TS. Đỗ Phương Huyền: đây là một câu hỏi rất hay và cũng là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh cũng như học sinh quan tâm. Rất nhiều người lầm tưởng rằng học quản lý thì ra trường chỉ quản lý kinh doanh hay chỉ để làm nhà quản lý. Có rất là ít ngành nghề mà chúng ta ra trường có thể làm quản lý ngày đúng không nào, chúng ta bắt buộc phải trải qua những nấc thang của nghề nghiệp, từng bước vận hành và tích lũy kinh nghiệm chúng ta mới đến các việc quản lý phía sau. Trước mắt về nhu cầu nhân lực, ngành nghề này vẫn có nhu cầu rất hot. Theo một nghiên cứu gần đây từ năm 2020 đến năm 2025, riêng thành phố HCM, mỗi năm cần có khoảng 270,000 vị trí việc làm liên quan đến ngành quản trị kinh doanh. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành quản lý theo chuẩn Hoa Kỳ có thể tự học các bậc cao hơn hoặc hướng tới các vị trí làm việc trong hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc mọi lĩnh vực trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và quản lý, các tổ chức xã hội và phi chính phủ. Chúng ta sẽ chia ra làm 3 nhóm ngành:

Nhóm 1: Chuyên viên quản trị hoạch định chiến lược: có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các tổ chức khác, có thể đảm nhận các công việc như bán hàng, marketing, tài chính, nhân sự… triển  vọng phát triển trong tương lai có thể trở thành trưởng phòng, ban, giám đốc bộ phận, dự án và giám đốc doanh nghiệp.

Nhóm 2: Chuyên viên phân tích, tư vấn quản lý: có khả năng làm việc tại các công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp, các bộ, sở, ban ngành liên quan, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh, kế hoạch nhân sự, sản xuất… của doanh nghiệp, triển vọng trong tương lai có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo của doanh nghiệp và tổ chức.

Nhóm 3: Giảng viên, nghiên cứu viên: có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu, có thể đảm nhận công việc, tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan tới khoa học quản lý, trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các học phần về quản trị nguồn nhân lực, marketing, chiến lược, tài chính… triển vọng tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học quản lý.

Đặc trưng khung chương trình của ngành khoa học quản lý là sinh viên được học khối kiến thức khá rộng, vì vậy cơ hội nghề nghiệp của ngành này là rất lớn. Chúng ta có rất nhiều mảng như marketing, nhân sự, khởi nghiệp… sau 1 tới 2 năm làm việc sẽ có thể chuyên môn hóa hơn, chúng ta có thể tự học để đào sâu nghiên cứu, tham gia các bậc học cao hơn, chuyên sâu hơn. Có thể nói, sinh viên ngành quản lý có cơ hội việc làm không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực quản trị kinh doanh mà có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Thầy Gary Giss chia sẻ về triển vọng nghề nghiệp ngành Quản lý

Thầy Gary Giss: Tôi sẽ chia sẻ với các em nghề nghiệp của cả 2 nhánh khởi nghiệp và Marketing. Nếu các em đam mê Marketing các em hoàn toàn có thể trở thành CEO Marketing, vận hành doanh nghiệp của chính mình. Khởi nghiệp nghĩa là em không làm cho người khác, các em cũng có thể làm giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, đó chính là khởi nghiệp. Các em hay nghĩ đến Bill Gates, Steve Job… là những nhà lãnh đạo tài ba, khi các em khởi nghiệp, chính các em là người quyết định vị trí của mình chứ không phải ai khác. Khi các em học quản lý thì các em muốn trở thành nhà quản lý đúng không? Vậy thì các em hãy trở thành các nhà quản lý, các em có thể làm trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế từ sales, marketing, nhân sự, tài chính, cơ hội là rất rộng mở, các doanh nghiệp đều cần có người quản lý. Khi các em có bằng quản lý là các em đã nắm được các nguyên lý về quản trị rồi, văn hóa doanh nghiệp, quản trị nhân sự… Chương trình cử nhân quản lý cung cấp cho các em rất nhiều nền tảng đa dạng, điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các em khi tham gia vào thị trường lao động. Với ngành quản lý, các em có rất nhiều lựa chọn, đừng tự gò bó mình trong một ngành nghề nào. Không có bất kỳ giới hạn nào, chỉ có giới hạn trong chính suy nghĩ của chúng ta thôi. 

Cơ hội học bổng dành cho những bạn sinh viên chương trình quản lý là gì ạ?

ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Đúng là rất nhiều bạn quan tâm đến chương trình học bổng của chương trình này. Chúng ta chia ra là học bổng dài hạn và học bổng ngắn hạn. 

Học bổng dài hạn là học bổng trong toàn bộ thời gian học tập tại Khoa Quốc tế. Chương trình này xét điểm đầu vào của các bạn và căn cứ theo điểm trung bình học kỳ của sinh viên để xét duy trì vào học kỳ sau. Chúng ta có những mức sau:

Học bổng phát triển tài năng tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN

Học bổng ngắn hạn dành cho những bạn không được dành học bổng ngay từ đầu vào nhưng trong quá trình học có thành tích nổi bật. Chương trình xét tuyển học bổng của Khoa Quốc tế khá là toàn diện, dựa theo thành tích học tập và rèn luyện của sinh viên. Học bổng ngắn hạn có 2 mức độ là học bổng xuất sắc và học bổng giỏi:

Học bổng ngắn hạn tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN

Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội nhận học bổng của ĐH Keuka. Từ sau năm thứ 2 các bạn sẽ được xét học bổng với hội đồng xét duyệt đến từ đại diện Khoa Quốc tế và trường ĐH Keuka. Học bổng sẽ xét tuyển dựa theo điểm số của sinh viên và một vòng phỏng vấn với đại diện ĐH Keuka. Giá trị học bổng là miễn phí một kỳ học tại ĐH keuka, lên tới hơn $16.000. Đây là một lợi thế rất lớn cho sinh viên có thể được học tập, trải nghiệm tại ĐH Keuka. Học bổng này không giới hạn, khi bạn đạt được học bổng ở kỳ học đầu tiên khi chuyển tiếp sang ĐH Keuka có thể xin cấp tiếp học bổng. Theo tôi được biết thì có rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên ở Khoa quốc tế được cấp học bổng ở học kỳ tiếp theo, có bạn còn được cấp tới chương trình thạc sỹ và tiếp tục học chương trình MBA tại ĐH Keuka. 

Ngoài những loại học bổng trên cũng có học bổng dành cho chương trình tiếng Anh dự bị. Chắc hẳn là các sinh viên học chương trình Quản lý (marketing/ khởi nghiệp) hay chương trình quản lý song bằng sẽ có những bạn phải học chương trình tiếng anh dự bị trước khi vào học chuyên ngành. Vì thế nên các em yên tâm là vẫn sẽ có học bổng cho giai đoạn này. Học bổng của chương trình tiếng anh dự bị là 5.000.000đ/level. 

Thêm đó là học bổng dành cho sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học trị giá từ 1.000.000 đến 10.000.000đ/ kỳ và học bổng thủ Khoa xuất sắc kỳ tuyển sinh mùa thu (miễn 100% học phí). 

Quản trị và quản lý có phải 2 chuyên ngành đào tạo khác nhau. Nếu có thì khác ở những điểm nào?

TS. Đỗ Phương Huyền: Một câu hỏi rất hay và thú vị. Tiếng việt chúng ta hay gọi là quản lý và quản trị, trong tiếng anh thì chúng ta hay biết đến là administration hay management. Administration thì thiên về quản trị hành chính, một văn bằng rất quen thuộc đó là bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), ngoài ra từ management có nghĩa là cả quản lý và quản trị. Vậy 2 ngành này khác nhau như thế nào? Quản trị được coi là cấp độ cao hơn của quản lý. Quản trị bao gồm các hoạt động đưa ra các quyết định về chính sách, quy tắc và mục tiêu. Quản lý là tiếp nhận, kết nối, thi hành, điều phối để hướng tới hoạt động quản trị. Quản lý bao gồm một nhóm người có kỹ năng và chuyên môn có chức năng thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp. Trong thực tế thì 2 thuật ngữ quản lý và quản trị vẫn được dùng ở những hoàn cảnh khác nhau với những nội dung khác nhau. Nhưng theo thói quen chúng ta vẫn dùng quản lý để chỉ quản lý nhà nước, quản lý công cộng, tức là quản lý ở tầm vĩ mô. Còn dùng quản trị ở phạm vi quy mô nhỏ hơn trong tổ chức, doanh nghiệp. Xét về văn bằng thì văn bằng ngành quản lý phổ biến hơn, tuy nhiên xét về khung chương trình thì 2 ngành này khá là tương đồng nhau. Sinh viên vẫn được trang bị những kiến thức về toán, xã hội, sau đó sẽ học các môn chuyên ngành. 

Giảng viên ĐH Keuka có trực tiếp giảng dạy trong chương trình Quản lý hay không?

Thầy Gary Giss: Tất nhiên rồi, đây là thế mạnh của chúng tôi, các sinh viên học tập tại Việt Nam sẽ được học các môn chuyên ngành với giảng viên của ĐH Keuka. Còn đối với chương trình song bằng Quản lý, các em sẽ học 7 học kỳ tại Khoa Quốc tế với giảng viên ĐH Keuka cùng Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và 1 học kỳ nước ngoài tại Mỹ. Dù là chương trình học toàn phần tại Việt Nam hay chương trình song bằng thì các em đề sẽ được trải nghiệm nền giáo dục của ĐH nước ngoài, chúng tôi sẽ mang ĐH Keuka đến với các em. Đây cũng là cơ hội để sinh viên tại Khoa Quốc tế được tiếp xúc với môi trường học tập quốc tế ngay tại Hà Nội.

Em học tiếng Anh kém, có cơ hội nào cho em học chương trình quản lý tại Khoa Quốc tế không ạ?

ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Các bạn có thể yên tâm là nếu các bạn chưa có đủ trình độ tiếng Anh để theo học chuyên ngành thì Khoa có chương trình tiếng Anh dự bị gồm 5 cấp độ cho các bạn, mỗi cấp độ là khoảng 10 tuần. Mục tiêu của chương trình là nâng dần năng lực ngoại ngữ của các bạn lên và để các bạn có thể thi được chứng chỉ B2 hoặc IELTS 5.5. Đặc điểm của chương trình này là các bạn sẽ được rèn luyện toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, khác với chương trình các bạn vẫn học ở bậc THPT tập trung nhiều vào ngữ pháp. Các bạn đừng nghĩ mình học lại tiếng Anh dẫn đến chán nản, mục tiêu học tập là chúng ta có vốn tiếng Anh để làm ngôn ngữ học tập, để trình bày quan điểm của bản thân qua cách nói, thuyết trình hay các bài tập lớn. Các bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều thầy cô khác nhau, tôi tin rằng quá trình học tiếng Anh dự bị sẽ rất thú vị đối với các bạn.

Những tố chất phù hợp để sinh viên có thể theo học chương trình Quản lý là gì thầy cô có thể chia sẻ cho chúng em được không ạ?

TS. Đỗ Phương Huyền: Trả lời câu hỏi này thì tôi sẽ đưa ra 8 tố chất, những tố chất này thì cũng phần nào liên quan đến nhau. 

Niềm say mê trong công việc: Điều này sẽ tạo động lực làm cho các nhà quản lý có thể cống hiến và đóng góp nhiều hơn. Khi chúng ta có một khát khao nào đó sẽ giúp ích cho bản thân và cho doanh nghiệp, giúp chúng ta đưa ra những quyết định táo bạo và sáng tạo hơn trong quá trình điều hành tổ chức.

Khả năng làm việc nhóm: Khi làm một nhà quản lý, chúng ta không thể làm việc một mình. Vì thế sinh viên cần phải biết cách làm việc trong một nhóm. các em cần phải biết cách lắng nghe, phân tích và sắp xếp các ý kiến một cách khoa học và hợp lý, giải quyết, dàn xếp các kỹ năng nội bộ. Với kỹ năng này thì môn học trải nghiệm đặc trưng của chương trình sẽ giúp ích cho các em rất nhiều, các em sẽ làm việc cùng nhau trong 1 dự án và từ đó phát triển và trau dồi thêm kỹ năng làm việc với người khác. 

Sự tự tin: Tự tin là một tố chất quan trọng của một nhà quản lý, chúng ta cần có sự tự tin, luôn trau dồi các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, luôn học hỏi kiến thức mỗi ngày. Việc tích lũy kiến thức sẽ giúp bạn có dự tự tin trước nhân viên, nhận được sự tín nhiệm từ người khác. 

Ham học hỏi: Chúng ta cần có kiến thức sâu rộng đối với lĩnh vực mà chúng ta đang làm. Khung chương trình của chương trình quản lý cũng cung cấp một cái nền rất rộng cho sinh viên tuy nhiên để có thể áp dụng những kiến thức này vào trong thực tế thì việc đào sâu kiến thức từ sách vở và thực tế sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Một tầm nhìn sâu rộng: Đối với chương trình quản lý thì luôn hướng đến tầm nhìn xa cho sinh viên. các bạn không chỉ vận hành hoạt động đơn giản mà sau này trong lộ trình công việc của mình sinh viên sẽ ra trường và đạt được những vị trí quản lý trong tương lai. Chính vì thế nên cần có tầm nhìn sâu rộng, điều này liên quan đến kỹ năng thứ nhất mà tôi nói đó là niềm đam mê. Sinh viên cần có tầm nhìn sâu rộng để lập ra những kế hoạch và mục tiêu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng ta cũng cần có 1 thời gian dài để học tập và mở rộng tầm nhìn của mình. 

Khả năng sáng tạo: Một người quản lý thì cần phải biết đưa ra những chiến lược mới có tính sáng tạo và đột phá. Đây cũng là tố chất quan trọng để rèn luyện khả năng lãnh đạo quản lý một cách linh hoạt hơn.

Diễn đạt thông tin một cách dễ hiểu và chính xác: là một người quản lý, chúng la luôn phải truyền đạt thông tin đến với nhân viên. Nếu chúng ta truyền đạt không rõ ràng và chính xác tới đối tượng cụ thể thì chúng ta rất khó tạo được sự tin cậy và tính thuyết phục với họ.

Khả năng lập kế hoạch tổ chức và dự án: Một nhà quản lý có tầm nhìn sâu rộng cần phải biết công việc sẽ được thực hiện như thế nào, bắt đầu từ đâu, trai qua bước tiếp theo ra sao và cần có khả năng lập kế hoạch, đưa ra những nhiệm vụ cụ thể, phân bổ đúng công việc cho mỗi một nhân viên để họ có thể phát huy được những thế mạnh của mình. 

Ngoài ra thì người quản lý cũng cần có tư duy nhạy bén giúp xoay sở tốt trong các tình huống phát sinh, có nhiều phương án dự phòng.

Vậy cô có nghĩ là chương trình đào tạo ngành Quản lý tại Khoa Quốc tế có thể giúp các em phát triển được những kỹ năng này không ạ?

TS. Đỗ Phương Huyền: Khi chúng tôi xây dựng khung chương trình đào tạo, chúng tôi cũng xem xét và phân tích để đưa ra một khung chương trình toàn diện nhất với chuẩn đầu ra chất lượng nhất. Với phương diện là một giảng viên, tôi rất là tự tin là chương trình này cũng cấp rất toàn diện các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Cô đã thấy có những bạn sinh viên lúc mới vào rất bỡ ngỡ, tiếng Anh còn chưa tốt nhưng sau khi ra trường, các bạn rất tự tin, được thị trường lao động rất tốt.

Bằng cử nhân quản lý cấp bởi ĐH Keuka có giá trị toàn cầu không?

Thầy Gary Giss: Câu trả lời của tôi là có, bằng cử nhân của ĐH Keuka được hội đồng kiểm định chương trình kinh doanh quốc tế công nhận, các em có thể lên website của ĐH Keuka để xem các chứng nhận chương trình, các cơ quan kiểm định là những cơ quan nào và các tiêu chí đạt được ra sao.

Em muốn đăng ký vào chương trình Quản lý song bằng thì em phải làm như thế nào và khi nào em có thể xét tuyển?

ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Phương thức xét tuyển của chương trình rất là đa dạng tùy theo nguyện vọng xét tuyển của các bạn học sinh. Nếu bạn đủ điều kiện xét tuyển thẳng theo quy chế của bộ giáo dục và đào tạo thì các bạn sẽ nộp hồ sơ theo hướng dẫn đến sở giáo dục sau đó sở sẽ chuyển hồ sơ cho Khoa Quốc tế. Nếu bạn là học sinh trường chuyên, đạt tiêu chí về đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, học lực trung bình 3 năm đạt từ 8,0 trung bình chung trở lên và 3 môn thi THPT Quốc gia trung bình 8,5 trở lên các bạn có thể làm hồ sơ xin xét tuyển thẳng và nộp về các địa chỉ của Khoa Quốc tế đã được công bố trên website. Trường hợp các bạn xét tuyển bằng kết quả A-LEVEL/ SAT/ IELTS/ TOEFL thì ngay sau khi Khoa Quốc tế công bố đề án tuyển sinh chính thức vào tháng 5, các bạn có thể sử dụng mẫu đơn qua website và nộp hồ sơ về Khoa. Cuối cùng, nếu bạn xét tuyển bằng điểm thi THPT năm 2020 thì phương án cụ thể các bạn có thể theo dõi đề án tuyển sinh mà Khoa sẽ công bố sau ngày 10/5. Tôi khuyến nghị tất cả các bạn thí sinh nên chọn phương thức phù hợp nhất với mình để nhận được sự tư vấn sát nhất đến từ thầy cô, sinh viên Khoa Quốc tế. Các bạn có thể truy cập vào website: student.isvnu.vn hoặc vào Link đăng ký tư vấn hay hotline của Khoa Quốc tế để được tư vấn.

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN cũng duy trì các đường dây hotline 024 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 để hỗ trợ tư vấn các thí sinh đăng ký dự thi cũng như giải đáp các thông tin tuyển sinh.

Thông tin chương trình:

Chương trình Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp)

Chương trình Quản lý (Song bằng VNU-Keuka)

Facebook Chat Widget by CAIT