Đăng ký nội trú
 

RECAP CHỦ ĐỀ SỐ 6: HỌC SONG BẰNG MARKETING VỚI ĐẠI HỌC “5 SAO” ĐẦU TIÊN TẠI ĐÔNG NAM Á

 

Recap livestream chủ đề số 6 của Khoa Quốc tế

Chương trình VNU-IS LIVE TALK 2020 của Khoa Quốc tế đã quay trở lại với chủ đề số 6: “ Học song bằng Marketing với đại học “5 SAO” đầu tiên tại Đông Nam Á”và hai khách mời: Sumathi Paramasivam – Giảng viên cao cấp ĐH HELP (Malaysia) và TS. Nguyễn Trung Hiển - Trưởng phòng CTHSSV Khoa Quốc tế đã mang đến nhiều thông tin bổ ích đặc biệt đối với các sĩ tử 2k2 yêu thích lĩnh vực Marketing. Nếu chưa có thời gian theo dõi livestream thì các sĩ tử hãy đọc bản recap chương trình, ghi lại những nội dung tiêu biểu trong suốt buổi livestream: Marketing là gì? Chương trình đào tạo song bằng ngành Marketing có gì đặc biệt? Hình thức tuyển sinh như thế nào?…

1. Marketing đang là lĩnh vực hot nhưng không phải thí sinh nào cũng hiểu tường tận, có nhiều em hiểu Marketing là quảng cáo hay là truyền thông. Xin thầy cô hãy giải thích giúp các em học ngành Marketing là học về gì ạ?

Cô Sumathi Paramasivam: Marketing là lĩnh vực liên quan đến tất cả những gì các bạn làm trong kinh doanh. Đã có những thời điểm, khi nói về kinh doanh mọi người thường chỉ nói về tài chính, kế toán và họ từng nghĩ kinh doanh chỉ cần như vậy là đủ. Nhưng bây giờ họ đã hiểu có những thứ còn hơn cả thế, có những thứ sẽ giúp ta “lắp ráp” mọi công đoạn và khía cạnh của công việc kinh doanh với nhau. Đó là khi chúng ta cần đến Marketing.

Vậy Marketing là gì? Trong kinh doanh chúng ta cần lập ra kế hoạch: Bạn muốn làm gì? Bạn muốn kinh doanh trong lĩnh vực nào gì? Sản phẩm bạn muốn bán là gì? Khách hàng của bạn là ai? Nếu khách hàng là trẻ nhỏ, cách bán hàng cho họ sẽ khác so với cách bán hàng khi khách hàng của bạn là người 40 tuổi. Và nếu khách hàng của bạn là người 75 tuổi thì cách bạn hàng của bạn cũng phải phù hợp với họ. Nếu khách hàng của bạn là người Malaysia hoặc người Việt Nam thì bạn cũng cần có chiến lược bán hàng riêng. 

Trong Marketing, bạn sẽ phải lập kế hoạch từ trước khi bắt đầu kinh doanh. Bạn sẽ phải suy nghĩ xem đối tượng khách hàng của mình sẽ là ai, họ thích gì và không thích gì. Ngày nay không chỉ đơn giản là tôi thích kinh doanh gì thì tôi sẽ làm điều đó. Ví dụ như tôi thích nước hoa thì tôi kinh doanh sản phẩm đó, đây không phải là cách làm. Để bắt đầu kinh doanh thì chúng ta cần tìm hiểu thị trường và hiểu mọi người muốn gì. Tôi có thể lấy ví dụ như ngày nay rất nhiều người mua tinh dầu. Đây chỉ là một loại tinh dầu nhưng nó khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, thư giãn, khiến họ cảm thấy đây là điều họ cần. Khi ta hiểu được điều khách hàng muốn, thì ta mới có thể kinh doanh được. Đó chính là lập kế hoạch. Khi bạn bắt đầu kinh doanh bạn không muốn phá sản sau 1 tháng phải không? Khi bạn bán sản phẩm mà thị trường có nhu cầu thì việc kinh doanh của bạn mới bền lâu được.

Sau khi lập kế hoạch chúng ta phải thiết kế sản phẩm, ví dụ như bề ngoài sản phẩm sẽ ra sao, sản phẩm sẽ được bán ở đâu? Địa điểm bán sẽ giúp ta xác định được giá sản phẩm ra sao, rẻ hơn hay đắt hơn. Chúng ta sẽ quảng bá sản phẩm tới khách hàng như thế nào? Chúng ta không thể chỉ nói “Hey, chúng tôi có sản phẩm mới ra mắt” mà phải suy nghĩ về cách quảng bá tới số đông.

Mọi việc không dừng lại ở đó. Bạn phải thuê bao nhiêu nhân viên? Quá trình đưa sản phẩm đến với khách hàng ra sao? Tất cả những việc này đều là Marketing. Marketing không phải là 1 hoạt động riêng lẻ mà Marketing nằm ở tất cả các quy trình trong việc kinh doanh.

Bây giờ để tôi so sánh giữa Marketing và quảng cáo. Quảng cáo là cách ta giao tiếp với quần chúng. Để mọi người biết đến sản phẩm của ta, ta cần quảng cáo. Chúng ta sử dụng bảng biển, chạy quảng cáo trên TV, báo đài,... Mục đích ở đây là để nói với mọi người sản phẩm của tôi có tồn tại trên thị trường. Đó là quảng cáo, là cung cấp thông tin cho mọi người. Còn khi chúng ta nói về PR (Quan hệ công chúng) là khi chúng ta muốn tạo dựng hình ảnh. Hãy tưởng tượng bạn đến một bữa tiệc: Bạn trang điểm, bạn làm tóc, bạn mặc đẹp, bạn cười tươi, cách bạn đi lại... Đó là PR, là cách bạn tạo dựng hình ảnh với mọi người. Quan hệ công chúng là khi khách hàng nhìn vào công ty và sản phẩm của bạn, họ sẽ nghĩ ngay: “Đó là sản phẩm của công ty nào vậy, mình sẽ mua nó.” 

2. Điều gì làm cho chương trình cử nhân Marketing của ĐH HELP khác biệt, nổi trội?

Cô Sumathi Paramasivam: Có rất nhiều lý do để minh chứng chương trình cử nhân Marketing của ĐH HELP có chất lượng nổi bật, nhưng tôi sẽ chỉ tập chung vào 4 khía cạnh: Đội ngũ giảng viên, cấu trúc chương trình đào tạo, tỉ lệ việc làm và quan hệ hợp tác quốc tế. Đây là 4 yếu tố quan trọng. 

Đội ngũ giảng viên hiện nay giảng dạy chương trình Marketing của chúng tôi đều có 10-15-30 năm kinh nghiệm. Mọi người có thể lo lắng rằng những năm kinh nghiệm này có hoàn toàn chuyên sâu trong lĩnh vực Marketing không. Tất cả các thầy cô hiện giảng dạy Marketing tại ĐH HELP đều đang làm chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Marketing. Điều này thể hiện họ có kiến thức thực tế và họ sẽ mang những kiến thức thực tế đó vào giảng dạy và truyền đạt lại cho sinh viên. Điều này có nghĩa các sinh viên không chỉ học kiến thức từ sách giáo khoa mà họ được học những kiến thức thực tế về những gì đang xảy ra trong nền công nghiệp Marketing. Sinh viên được học trong bối cảnh thực tiễn. Đồng thời, ngoài công tác giảng dạy, giảng viên còn đưa những gì thực tế nhất vào trong công tác đánh giá và thi cử. Tôi đã từng đưa thương hiệu xe của Malaysia vào bài tập và yêu cầu sinh viên đến gặp nhãn hàng để họ đưa ra đề bài kiểm tra. Ví dụ như sinh viên phải thiết kế biển bảng quảng cáo cho nhãn hàng chẳng hạn. Đây chính là trải nghiệm thực tế. Sinh viên phải học cách xử lý vấn đề, làm việc với khách hàng, tìm hiểu về những vấn đề pháp lý, tôn giáo, văn hóa,... trong bối cảnh quốc tế. Trên đây là những gì mà đội ngũ giảng viên của chúng tôi có thể làm cho sinh viên. Thầy cô không chỉ dạy từ sách vở, họ mang thực tế vào lớp học, đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế. Bằng cách này khi các em tốt nghiệp, các em đã biết thực tế có lĩnh vực này ra sao.

recap livestream chủ đề số 6 của Khoa Quốc tế

 

Điều thứ hai tôi muốn nói là cấu trúc chương trình đào tạo. Cấu trúc chương trình ở đây có thể hiểu đơn giản là các môn học mà sinh viên sẽ được học trong chương trình cử nhân Marketing. Những môn này không có môn nào có tuổi đời 20 năm cả. Giáo trình của tất cả các môn học đều được cập nhật liên tục. Chúng tôi cập nhật như thế nào? Chúng tôi kết hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực Marketing. Chúng tôi đặt ra câu hỏi cho họ rằng khi sinh viên tốt nghiệp chương trình Marketing cần biết những gì, họ trả lời và dựa trên những gì họ cung cấp chúng tôi sẽ xây dựng chương trình đào tạo. Chúng tôi cũng nghiên cứu những xu hướng mới. Ví dụ như Marketing số (Digital Marketing) hiện nay đang thịnh hành, phân tích dữ liệu Marketing, trí tuệ nhân tạo và cách mạng 4.0 đang là xu hướng. Chúng tôi đưa hết các xu hướng thực tế của lĩnh vực vào chương trình giảng dạy để đảm bảo sinh viên sẽ bắt kịp mọi xu hướng và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Chúng tôi tự hào vì những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp về chất lượng sinh viên tốt nghiệp đến làm việc cho họ. Đó là 2 lý do chương trình Marketing của ĐH HELP rất được yêu thích.

Lý do thứ 3 là tỉ lệ việc làm của sinh viên. Chúng tôi nhận thấy rằng sinh viên tốt nghiệp từ chương trình cử nhân Marketing của chúng tôi có tỉ lệ việc làm rất tốt. Chúng tôi có thể đảm bảo không nói quá về điều này. Lý do rất đơn giản vì doanh nghiệp biết được sinh viên của chúng tôi không chỉ học từ sách vở mà còn học từ thực tế. Vì vậy khi sinh viên tốt nghiệp có rất nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng các em. Doanh nghiệp không cần “cầm tay chỉ việc” từ đầu cho các em nữa bởi vì các em đã có kinh nghiệm và kiến thức thực tế rồi. Chúng tôi nhận thấy rằng cách chúng tôi chúng tôi đào tạo sinh viên và cách chúng tôi phối hợp sâu với các doanh nghiệp là hoàn toàn quan trọng. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho sinh viên khi ra nhập thị trường lao động. 

Và lý do cuối cùng khiến chương trình cử nhân Marketing của Đại học HELP nổi bật là quan hệ hợp tác doanh nghiệp. Khi sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ kết nối doanh nghiệp và sinh viên. Nhà tuyển dụng sẽ trực tiếp phỏng vấn sinh viên của chúng tôi. Sau khi sinh viên hoàn thành phỏng vấn thì nhà tuyển dụng sẽ phản hồi lại với chúng tôi để chúng tôi điều chỉnh lại chương trình đào tạo dựa trên những phản hồi của họ. 

Như vậy có thể tóm tắt lại. Thứ nhất đội ngũ giảng viên của chúng tôi có khả năng đào tạo sinh viên thành những nhân viên tốt. Sinh viên có khả năng làm việc, có hiểu được thực tế ngành, có khả năng đặt ra câu hỏi và xử lý vấn đề. Điều thứ hai, nội dung đào tạo rất cập nhật và thực tế, sát với nhu cầu thị trường lao động. Thứ ba, chính vì lý do thứ nhất và thứ hai mà doanh nghiệp rất ưu tiên sinh viên của chúng tôi. Điều thứ tư, hợp tác doanh nghiệp. Điều này hỗ trợ chúng tôi cả trong việc xây dựng nội dung đào tạo và từ đó góp phần làm gia tăng tỷ lệ việc làm cho sinh viên. 

3. Liệu những lý do này có liên quan đến xếp hạng 5 sao mà gần đây ĐH HELP nhận được từ QS hay không?

Cô Sumathi Paramasivam: Tôi sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu ĐH HELP. ĐH HELP được thành lập từ năm 1986. Từ khi thành lập chúng tôi có 2 địa điểm: 1 ở trung tâm thành phố, 1 ở ngoại thành. Hiện nay trường đang có hơn 12.000 sinh viên đang theo học. Chúng tôi cũng có sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Maldives,  Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Bên cạnh đó chúng tôi cũng có nhiều quan hệ hợp tác tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Nepal, Trung Quốc, Myanmar... ĐH HELP đã nhận được nhiều giải thưởng bởi nhiều cơ quan. Sinh viên của chúng tôi cũng thắng nhiều giải thưởng quốc tế. Có những sinh viên đạt học bổng toàn phần sang các nước Úc, Anh, Mỹ,... Đó là đôi nét về ĐH HELP.

Bây giờ tôi sẽ nói về bảng xếp hạng của QS. Sự đánh giá của QS vô cùng chặt chẽ. Họ kiểm tra tất cả mọi thứ liên quan đến các yếu tố đánh giá. Họ yêu cầu có minh chứng trên giấy tờ với tất cả 8 khía cạnh được đưa vào đánh giá. Tất cả phòng ban và bộ môn đều phải được kiểm tra và tất cả các lý do đưa ra đều phải được hợp lý hóa. Vì vậy chúng tôi tự hào khi HELP là đại học tư thục đầu tiên tại Đông Nam Á nhận được đánh giá tối đa 5 Sao từ QS. Xếp hạng này thể hiện thành tựu của chúng tôi. Tôi sẽ nói về những lĩnh vực mà QS đánh giá chúng tôi. 

Trong lĩnh vực giảng dạy, chúng tôi đã đạt điểm tối đa. QS phỏng vấn cả giảng viên và sinh viên để hiểu được phương pháp giảng dạy và sinh viên có hiểu được phương pháp này không, giảng viên có tâm huyết không, có quan tâm đến sinh viên không, cách giảng viên xử lý vấn đề. Và chúng tôi đạt điểm tối đa trong cách giảng dạy bởi QS. Lĩnh vực thứ hai mà chúng tôi cũng đạt điểm tuyệt đối đó là tỉ lệ việc làm. Điều này thể hiện rằng sinh viên tốt nghiệp từ ĐH HELP được nhà tuyển dụng săn đón. Có rất nhiều doanh nghiệp muốn chiêu mộ sinh viên của chúng tôi. Có những sinh viên có việc làm từ trước khi tốt nghiệp, có bạn được tuyển dụng khi đang học năm cuối. Lĩnh vực thứ ba là quốc tế hóa. Như tôi đã nói chúng tôi có các trường đại học đối tác ở nhiều quốc gia không giới hạn vùng lãnh thổ từ châu Á, châu Âu đến Châu Úc,.. Vì vậy chúng tôi được chấm điểm tối đa cho hạng mục này. Bởi vì chúng tôi không chỉ có mối quan hệ tốt với các trường đối tác mà còn học hỏi họ để làm tốt hơn.

Lĩnh vực tiếp theo chúng tôi đạt điểm tối đa là trách nhiệm xã hội. Điều này thể hiện chúng tôi không chỉ dạy sinh viên học, đạt điểm cao, tốt nghiệp, đi làm và kiếm tiền. Chúng tôi dạy các em cách làm người, dạy các em có trách nhiệm với xã hội. Sinh viên HELP phải tham gia các hoạt động tình nguyện, ví dụ như làm cho trại trẻ mồ côi, cho Hội người mù, cho mẹ đơn thân. Có những sinh viên dù đã tốt nghiệp rồi nhưng vẫn tiếp tục đóng góp cho cộng đồng. Chúng tôi rất vui vì điều đó. Vì chúng tôi đào tạo được những sinh viên không chỉ có hình thức học tập tốt mà còn là những bạn trẻ hướng tới xã hội. Chúng tôi có điểm tối đa ở hạng mục này. Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi đạt điểm tối đa đó chính là Tính hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi không chỉ nhắm đến những gia đình có thu nhập tốt. Tại HELP chúng tôi có sinh viên với hoàn cảnh tài chính khác nhau, sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Chỉ cần học tại HELP thì việc các em theo tôn giáo, sắc tộc, quốc gia, gia đình em có mức thu nhập ra sao, em nói ngôn ngữ gì, tất cả những điều đó không quan trọng. Chúng tôi đối xử các em như nhau. Chúng tôi đạt điểm tối đa  với Tính hòa nhập cộng đồng. Không dễ dàng gì để chúng tôi đạt được mức điểm như vậy. Chúng tôi đã phải đưa ra rất nhiều minh chứng. QS phỏng vấn cựu sinh và sinh viên hiện tại. Chính sinh viên và cựu sinh đã lên tiếng thay cho nhà trường. Đánh giá 5 sao của QS chính là thể hiện được những gì chúng tôi đã và đang làm.

4. Thế mạnh của chương trình Song bằng Marketing (liên kết giữa ĐHQGHN và ĐH HELP) là gì?

 TS. Nguyễn Trung Hiển: Chương trình Song bằng Marketing ngoài những thế mạnh mà cô Sumathi Paramasivam đã chia sẻ về ĐH HELP, thì về phía ĐHQGHN các em sinh viên cũng nhận được nhiều lợi thế. Thế mạnh thứ nhất, các em sẽ được học hoàn toàn bằng tiếng Anh (ngoại trừ một số khối kiến thức chung như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất,.. các em sẽ học bằng tiếng Việt). Thế mạnh thứ hai, sau khi các em tốt nghiệp các em sẽ nhận được đồng thời 2 tấm bằng cử nhân Marketing do ĐHQGHN & ĐH HELP cấp. 

Lợi thế tiếp theo, trường ĐHQGHN cũng có đội ngũ giảng viên giỏi và giàu kinh nghiệm, các thầy cô đều là những cử nhân ưu tú từ các trường đại học uy tín nước ngoài trở về giảng dạy cùng với các thầy cô từ trường ĐH HELP. Ngoài ra các em sinh viên cũng được cung cấp thêm các kỹ năng cần thiết để đáp ứng, làm việc tốt ở đa vị trí của ngành này. Ví dụ như kỹ năng làm việc với kỹ thuật Marketing số, quản trị thương mại điện tử, kỹ năng lập kế hoạch và triển khai các kế hoạch Marketing hỗn hợp trên đa phương tiện. Và một thế mạnh vô cùng lớn của chương trình đào tạo này đó là các em sinh viên sẽ được trải nghiệm Học kỳ Quốc tế ở tại trường ĐH HELP, tức là các em sẽ đến học tập 1 học kỳ tại đất nước Malaysia với mức học phí không thay đổi so với kỳ học tại Việt Nam. Trong học kỳ này các em sẽ có cơ hội tiếp xúc với các bạn sinh viên của trường ĐH HELP, các thầy cô giảng viên ở đây và đặc biệt sẽ có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia tại Malaysia. Đó sẽ là trải nghiệm quốc tế tốt để giúp các em sau này dễ dàng thích nghi trong môi trường làm việc đa văn hóa. 

Khoa Quốc tế cũng rất tâm đắc với các môn học trong chương trình sau một thời gian dài xây dựng, có tính thực tế cao như là: Hành vi người tiêu dùng, Quản lý chuỗi cung ứng, Quảng trị bán hàng, Chiến lược Marketing toàn cầu,...và cả những môn đang rất “hot” như là Trí tuệ nhân tạo, Kho giữ liệu và phân tích kinh doanh hay Thương mại điện tử. Thầy tin rằng đây sẽ là những môn học rất có ích và cần thiết cho các bạn để sau này hoạt động trong lĩnh vực Marketing.

5. Sinh viên học chương trình Song bằng Marketing sẽ có cơ hội trải nghiệm một học kỳ nước ngoài tại ĐH HELP, Malaysia. Cụ thể thì sinh viên sẽ được trải nghiệm những gì?

Cô Sumathi Paramasivam: Khi một sinh viên sang nước ngoài học tập thì sinh viên đó sẽ có cơ hội học được vô cùng nhiều điều. Sinh viên có cơ hội trải nghiệm nền văn hóa khác biệt trải nghiệm cuộc sống mới, môi trường xã hội khác. Sinh viên không chỉ được khám phá những điều mới mẻ mà các em có còn cơ hội phát triển bản thân và thay đổi cách nhìn nhận mọi việc. Các em sẽ hiểu rằng khi chúng ta cần đưa ra một quyết định thì chúng ta không chỉ nhìn vào một khía cạnh, mà ta phải nhìn đa chiều. Khi các em học tập tại Malaysia, các em sẽ học được cách nhìn mọi thứ từ quan điểm của người Malaysia, và có cơ hội đối chiếu sự khác biệt giữa góc nhìn của người Việt Nam và người Malaysia chẳng hạn. Ngày này tất cả các lĩnh vực đều không có giới hạn về mặt địa lý. Vì vậy sinh viên cần học cách thay đổi để thích nghi khi em đến những vùng đất khác nhau. Các em cần làm quen với cách điều chỉnh, cái gì cần thêm, cái gì cần giảm tải. Khi em sang Malaysia học “Học kỳ nước ngoài” em sẽ có cơ hội trải nghiệm điều đó. Đây là cơ hội rất tốt để các em thay đổi nhận thức. Đó cũng là điều chúng tôi muốn khi thiết kế ra học kỳ nước ngoài. Chúng tôi muốn các em có nhận thức phong phú, đa chiều để hòa nhập được với mọi nền văn hóa. Điều này sẽ giúp các em phát triển hơn, giúp các em trở thành người có tinh thần khởi nghiệp. Đây là lí do chúng tôi có học kỳ nước ngoài cho sinh viên đến Malaysia trải nghiệm. 

6. Marketing là lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm “thực chiến”. Chương trình song bằng Marketing có trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng thực tế không?

Cô Sumathi Paramasivam: Câu trả lời của tôi là có. Bởi vì trong quá trình xây dựng các môn học chúng tôi đã có sự tư vấn sâu từ chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực Marketing. Chúng tôi hỏi họ rằng những gì là cần thiết, những gì là còn đang thiếu. Khi học tuyển dụng nhân sự, có những gì mà chương trình của chúng tôi chưa đáp ứng được. Chúng tôi nhận những phản hồi của chuyên gia và doanh nghiệp để thiết kế chương trình đào tạo. Mỗi môn học trong chương trình đều đáp ứng được những góp ý của họ. Chúng tôi cũng thảo luận với họ để nâng cao chất lượng nội dung đào tạo. Chương trình đào tạo mà chúng tôi có là chương trình đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành nghề. Chúng tôi trang bị cho sinh viên tất cả những kỹ năng cần thiết. Những đó không phải là tất cả. Việc thiết kế được chương trình tốt chưa phải là tất cả. Mà quan trọng là chúng ta phải truyền đạt được những nội dung này cho sinh viên. Đây là lúc chúng ta cần đội ngũ giảng viên. Giảng viên của chúng tôi họ không dạy, mà họ truyền tải, họ truyền đạt những kỹ năng mà lĩnh vực yêu cầu cho sinh viên. Chúng tôi làm như thế nào để truyền đạt? Không chỉ bằng cách nói. Nếu chúng tôi chỉ nói thôi, sinh viên nghe 5 phút sẽ thấy chán và không nghe nữa. Vì thế chúng tôi triển khai rất nhiều hoạt động thực tế: Chúng tôi liên hệ với doanh nghiệp, họ có thể gửi đại diện đến gặp sinh viên, sau đó sinh viên đến gặp doanh nghiệp để hỗ trợ trong các dự án. Sinh viên không chỉ nghe thầy cô nói, mà các bạn được thực hành. Ví dụ công ty A dạy cho các bạn kỹ năng này, nhưng kỹ năng khác bạn sẽ học được bởi công ty B. Khi làm việc cho công ty B, các bạn không thể dùng cách y hệt đã làm với công ty A được. Công ty sẽ không hài lòng. Vậy là sinh viên đã học được một bài học mới rồi. Đối với mỗi doanh nghiệp sinh viên sẽ nhận thấy sự khác biệt. Đây là những gì chúng tôi muốn sinh viên học được. Những bài tập chúng tôi giao cho sinh viên không phải bài tập lý thuyết. Chúng tôi không bắt sinh viên đọc sách và tóm tắt lại chúng. Chúng tôi không bao giờ làm vậy. Chúng tôi sẽ bảo sinh viên: “Công ty A chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới nhưng họ chưa rõ thị hiếu của khách hàng. Các em hãy đến đó và làm khảo sát cho họ đi. Và sinh viên sẽ ra ngoài và gặp gỡ đối tượng khách hàng, họ cho xem sản phẩm, đưa ra câu hỏi, quay trở về, làm báo cáo và báo cáo lại với công ty rằng bạn đã sai rồi, đây không phải là điều khách hàng mong muốn chẳng hạn” Tuy nhiên, nhiều lúc không chỉ đơn giản nói với công ty rằng họ sai là xong. Lúc này sinh viên đã học được một kỹ năng mới “Làm thế nào để nói với công ty rằng họ đã lầm” Tất cả các hoạt động đều dựa trên nhóm kỹ năng và liên hệ tới doanh nghiệp và thực tế. Khi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, các em sẽ phải hoàn thành dự án cuối cấp - làm luận văn dựa trên 1 tổ chức, nhãn hàng, sản phẩm hoặc dịch vụ thực tế. Đến thời điểm sinh viên tốt nghiệp, sinh viên đã được trang bị các kỹ năng thực tế rồi. Vì thế để trả lời câu hỏi rằng sinh viên có được trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế không thì tôi xin khẳng định là có. 

TS. Nguyễn Trung Hiển: Quan điểm của tôi hoàn toàn giống với quan điểm của cô Sumathi. Cả 2 bên chúng tôi khi thiết kế chương trình đào tạo thường tham khảo ý kiến của doanh nghiệp và phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Chúng tôi đưa vào bài giảng những tình huống thực tế để sinh viên được tiếp xúc trực tiếp nhất. Ngoài ra chúng tôi cũng thường mời các chuyên gia, doanh nghiệp về chia sẻ thực tế, nói chuyện với sinh viên, đặt ra những tình huống thực tế mà doanh nghiệp đang gặp phải để sinh viên cùng tìm ra các vấn đề cần giải quyết, tiến hành các khảo sát, nghiên cứu để giải quyết bài toán thực tế của thị trường. Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng thúc đẩy và khuyến khích các em học sinh tổ chức các cuộc thi về marketing để các em có kiến thức để trực tiếp cạnh tranh với nhau, phản biện với nhau để đưa ra những biện pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Ở đây tôi cũng muốn giới thiệu một cuộc thi mà Khoa Quốc tế đã cùng ngân hàng VP Bank tổ chức. Ở cuộc thi này, các bạn được đưa ra một vấn đề thực tế ở một ngân hàng số và các bạn phải tranh biện với nhau để ưu ra phương án tung sản phẩm phù hợp nhất. Một chương trình khác đó là workshop chúng tôi hợp tác với Coca Cola. Các bạn sẽ được nghe những kiến thức marketing, được hiểu rõ hơn về thế nào là tiếp thị sản phẩm từ chính những người thực hiện tại doanh nghiệp. Đó là điều mà tôi thấy rất thực tế để các bạn sinh viên hiểu được về ngành này và hiểu được những gì đang diễn ra.

recap livestream chủ đề số 6 của Khoa Quốc tế

 

7. Phương thức tuyển sinh của chương trình song bằng Marketing liên kết giữa ĐH HELP và ĐHQGHN là gì? Liệu dịch bệnh covid-19 có ảnh hưởng đến phương thức tuyển sinh năm nay không?

TS. Nguyễn Trung Hiển: Như các em đã biết, công tác phòng chống dịch hiện nay của chính phủ đang rất là nghiêm túc và về cơ bản chúng ta rất vui mừng vì các hoạt động phòng chống dịch đã được diễn ra thuận lợi, chúng ta đã khống chế được dịch. Chúng ta cũng được thông báo là sẽ có một kỳ thi xét tốt nghiệp cho các em. Với kỳ thi này, có nhiều trường đại học lấy kết quả đó để xét tuyển đại học cho các em. Khoa Quốc tế - ĐHQGHN cũng có những phương thức để các em lựa chọn được phương thức xét tuyển phù hợp nhất với mình. Với chương trình Marketing đồng cấp bằng, năm 2020, chúng tôi xét tuyển 60 chỉ tiêu và dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển như sau:

  • Kết hợp kết quả thi THPT năm 2020

  • Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7/2020

  • Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ giáo dục và của ĐHQGHN

  • Xét tuyển bằng điểm chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, TOEFL…

8. Xin thầy cô có thể gợi ý một số cơ hội nghề nghiệp dành cho các cử nhân Marketing

Cô Sumathi Paramasivam: Quan điểm của tôi là các bạn học Marketing rất may mắn. Vì các bạn có cơ hội làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào. Có nhiều người nghĩ rằng học Marketing thì chỉ là bán hàng. Nhưng Marketing không phải chỉ bao gồm việc bán hàng mà các cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn rất nhiều. Câu hỏi ở đây là: ngành nghề nào mà lại không cần người làm Marketing chứ? Tất cả các ngành nghề đều cần người làm Marketing cả. Bởi người làm Marketing không chỉ nhìn 1 hướng, họ nhìn đa chiều để đưa ra quyết định. Tôi có sinh viên làm trong lĩnh vực xăng dầu, ngân hàng, ngành công nghiệp chế tạo, ngành dịch vụ… Khi bạn học Marketing thì bạn không có giới hạn lĩnh vực bạn có thể làm việc. Hãy coi đó là niềm vui khi học Marketing nhé. Em có thể lựa chọn lĩnh vực mà mình muốn làm việc mà. Bây giờ thì cả thế giới có thể là sự nghiệp của em! Vậy còn cơ hội phát triển thì sao? Có rất nhiều. Vì dân Marketing không chỉ nhìn, mà họ biết dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Khi sinh viên học Marketing làm dự án, các em phải dự đoán sau một năm sau điều gì sẽ xảy ra với dự án của mình. Đây cũng là lý do vì sao dân marketing được săn đón, Vì họ nghĩ rằng 1 năm thì sao, sẽ ra sao nếu điều này xảy ra, sẽ ra sao nếu điều khác xảy đến, nếu có một cơn bão hay một trận lũ lụt, dân Marketing luôn suy nghĩ cần phải làm gì, học luôn nghĩ đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vì vậy đừng gò bó bản thân trong 1 lĩnh vực. Lĩnh vực nào cũng cần các em. 

 TS. Nguyễn Trung Hiển: Tôi cũng đồng ý với cô rằng các em có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các em có thể làm Marketing đơn giản như người làm nội dung, làm quảng cáo, có bạn quan tâm tới làm thương hiệu hơn, có bạn lại muốn làm quan hệ công chúng. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi công nghệ số như hiện nay, nhiều bạn sẽ quan tâm đến việc theo đuổi các vị trí marketing số, làm quảng cáo trên các nền tảng số, có những bạn lại thiên về phân tích dữ liệu, phát triển thị trường… Đó là những công việc mà ngành marketing có thể mang đến cho bạn. Liên quan đến câu hỏi thì Khoa Quốc tế cũng có xây dựng một quyển cẩm nang hướng nghiệp, các bạn có thể truy cập website hoặc ứng dụng hướng nghiệp của Khoa Quốc tế để tham khảo các thông tin khá chi tiết về việc làm, mức lương cơ bản, các kiến thức kỹ năng các em cần trước khi bước vào thị trường việc làm.

9. Có cơ hội học bổng nào dành cho các sinh viên theo học chương trình marketing hay không?

 TS. Nguyễn Trung Hiển: Về cơ hội học bổng, hiện nay tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN có một hệ thống học bổng tuyển thẳng gồm 30 suất toàn phần dành cho những em có kết quả cao trong các cuộc thi hsg toàn quốc, cuộc thi SAT A-level, có điểm IELTS 6.5 trở lên. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn duy trì những học bổng ngắn hạn dành cho các em thí sinh khi trúng tuyển vào khoa, có thành tích xuất sắc. Chúng tôi cũng liên hệ với ĐH HELP nhằm tạo những chương trình học bổng riêng cho ngành này để trao thêm nhiều cơ hội nữa cho các em sinh viên.

10. Nếu chưa có chứng chỉ tiếng anh thì em có được đăng ký xét tuyển vào chương trình Marketing không ạ?

 TS. Nguyễn Trung Hiển: Chắc chắn rồi, hiện nay ở Khoa có nhiều bạn học bạn A, khi học ở phổ thông chưa quan tâm nhiều tới tiếng Anh nhưng hiện tại các bạn đang học tập rất thành công. Ở Khoa Quốc tế chúng tôi biết các em ở THPT chưa được quan tâm nhiều tới tiếng Anh nên chúng tôi đã thiết kế một chương trình đào tạo tiếng Anh dự bị, bao gồm 5 cấp độ để các em có thể có đủ năng lực ngoại ngữ để theo học các môn chuyên ngành. Trước đó, các em sẽ có bài kiểm tra năng lực để xem trình độ của em như thế nào sẽ được xếp vào lớp tương đương. Cuối mỗi cấp độ các bạn cũng có bài kiểm tra đánh giá. Sau khi học chương trình tiếng Anh dự bị chắc chắn các bạn sẽ đạt trình độ tiếng Anh để học các môn chuyên ngành. Vì vậy, các bạn có thể tự tin theo học tại Khoa Quốc tế.

11. Sau 4 năm nữa khi em tốt nghiệp chương trình thì ngành Marketing có còn nhu cầu nhân sự cao như bây giờ không ạ?

Cô Sumathi Paramasivam: Đương nhiên rồi. Như cô đã chia sẻ thì chương trình cử nhân Marketing không phải được xây dựng từ 20 năm hay 30 năm trước mà chương trình được xây dựng dựa trên sự tư vấn của chuyên gia và nhu cầu doanh nghiệp. Điều này có nghĩa rằng khi sinh viên tốt nghiệp, các em sẽ có việc làm ngay. Liệu rằng có 1 hạn chót nào đó, rằng 1 ngày Marketing không còn quan trọng nữa? Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Tất cả các lĩnh vực sẽ luôn cần Marketing. Marketing không giới hạn ở một khía cạnh và nó nằm trong tất cả các lĩnh vực. Vì vậy không có hạn chót nào cho cơ hội nghề nghiệp của ngành này này cả, dù 5 năm hay 6 năm. Ngày mai Marketing vẫn ở đây, dù 10 năm hay 50 năm nữa vẫn sẽ như vậy. Nếu vẫn có con người, có khách hàng, có nhân sự… thì chúng ta luôn cần có Marketing để vận hành tất cả. Chúng ta cần Marketing để đảm bảo rằng những sản phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng sẽ được xử lý ra sao, khách hàng cảm thấy như thế nào, làm thế nào để tạo lợi nhuận... Tất cả doanh nghiệp đều cần doanh thu. Các cơ hội nghề nghiệp cho người học Marketing sẽ còn đó trong thời gian dài. Vì vậy, đừng lo lắng 4 năm sau bạn tốt nghiệp, Marketing vẫn sẽ ở đó. 

 TS. Nguyễn Trung Hiển: Chừng nào chúng ta còn khách hàng, chừng nào chúng ta còn những nhu cầu cần đáp ứng thì chừng đó Marketing vẫn còn tồn tại. Tôi tin rằng với một thị trường đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam nhu cầu về nhân sự Marketing chất lượng cao có năng lực được đào tạo nền tảng sẽ lớn. Đây sẽ là ngành sẽ có sự phát triển và nhu cầu rất lớn trong tương lai. Vì vậy các em đừng lo lắng rằng sẽ không có việc làm. Marketing vẫn luôn rất cần con người để sáng tạo và tạo ra giá trị. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang có sự dịch chuyển, thay đổi về thị trường, việc các bạn nắm được kiến thức về marketing nói chung thì các kiến thức về phân tích dữ liệu và nền tảng số cũng vô cùng quan trọng và sắp tới đây sẽ trở thành xu thế mới.

Với thời lượng phát sóng ngắn ngủi, chương trình cũng đã nhận được nhiều thắc mắc khác của các bạn sĩ tử và đã trả lời trực tiếp qua inbox hoặc email. Các sĩ tử hãy gửi câu hỏi của mình qua tới Khoa qua các số hotline: 024 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 hoặc inbox tới Fanpage Khoa Quốc tế hoặc Join vào Group K19 Future Gen để được các thầy cô hỗ trợ và giải đáp nhanh nhất.

Facebook Chat Widget by CAIT