Số thứ 3 trong chuỗi livestream VNU-IS Live Talk 2020 đồng hành cùng các bạn học sinh thế hệ Z vượt qua thử thách tiếng Anh thi THPTQG & học đại học quốc tế đã chính thức lên sóng lúc 20h ngày 6/3/2020 vừa qua. Các vị khách mời giàu kinh nghiệm: TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ nhiệm phụ trách Bộ môn Đào tạo Dự b, TS. Irina Pievskaya - GV tiếng Anh và TS. Nguyễn Trung Hiển - trưởng Phòng CTHSSV đã cung cấp rất nhiều kinh nghiệm bổ ích về việc học ngoại ngữ tới các bạn học sinh. Số livestream lần này đã thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn sĩ tử, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc ôn tập thi THPTQG môn tiếng Anh cũng như việc học tập bằng tiếng Anh trong môi trường quốc tế. Sau đây là toàn văn các nội dung câu hỏi và trả lời trong chương trình.
Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là kì thi THPTQG diễn ra, thầy cô cho em hỏi môn tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào với việc đăng ký xét tuyển vào Khoa Quốc tế?
TS. Nguyễn Trung Hiển: Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, Khoa Quốc tế sẽ nâng cao chất lượng tuyển chọn và thu hút các bạn học sinh vào Khoa đã có kiến thức nền tảng về tiếng Anh. Bởi vậy, kể từ kì thi THPTQG 2020, môn tiếng Anh là môn chính được nhân hệ số 2 trong các tổ hợp xét tuyển vào hầu hết các ngành do ĐHQGHN cấp bằng ở Khoa Quốc tế. Đồng thời, các bạn học sinh cần đạt tối thiểu 4 điểm môn tiếng Anh để đủ điều kiện xét tuyển vào Khoa Quốc tế. Điều kiện này sẽ không áp dụng với các thí sinh được miễn môn thi tiếng Anh.
Thầy cô có thể chia sẻ với các bạn một số chiến lược ôn thi hiệu quả để đạt điểm cao không ạ?
TS. Nguyễn Việt Hùng: Một cách tổng quát mà nói, để đạt được kết quả tốt môn học nào đó thì trước hết chúng ta phải dành tâm huyết, phải để tâm, phải yêu và trân trọng từng buổi học của môn đó. Tôi đã có cơ hội đi thực tế ở nhiều tỉnh thành, đều nhận thấy rằng thầy cô các trường cấp 3 đều rất tâm huyết, hướng dẫn các bạn học sinh với bộ đề rất sát nên việc trân trọng từng buổi học ở lớp là điều cần thiết. Điều tiếp theo trong câu hỏi của các bạn là đạt điểm cao tức là điểm trên 7, trên 8... Để làm được điều đó các bạn cần nắm được ma trận đề thi (khung kiến thức) mà Bộ đã ban hành để biết được ở ngưỡng điểm này thì mình cần nắm những kiến thức nào.
Tóm lại lời khuyên của thầy là đầu tiên chúng ta phải xác định xem mình đang ở mức nào bằng cách thi thử các đề thi THPTQG các năm trước, sau đó đặt cho mình những mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Đề thi của Bộ có phân thành 4 cấp độ như các em đã biết, vậy thì muốn đạt điểm 8, 9 các em cần phải phấn đấu để làm được các câu ở mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao. Tiếp nữa các em cần bám vào các dấu mốc, một mẹo luyện thi là các em mang những đề thi vài năm gần đây ra để thống kê kiến thức, để khoanh vùng các loại khu vực kiến thức có xu hướng xuất hiện nhiều hơn để đi sâu ôn tập vào đó. Để đi sâu vào chi tiết từng dạng bài cần ôn tập như thế nào thi bộ môn Đào tạo dự bị rất tự hào có các thầy cô rất là giỏi, có kinh nghiệm ôn luyện thi IELTS và nhiều chứng chỉ khác của Khoa Quốc tế tới đây sẽ có những buổi livestream ôn luyện trực tiếp miễn phí để chia sẻ kiến thức, giúp các em học sinh vững tin hơn với môn thi tiếng Anh này.
Điểm thi của em đôi khi có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như sức khỏe, sự tự tin, tâm lý khi làm bài thi. Thầy cô có thể cho em một số lời khuyên về vấn đề này được không ạ?
TS. Irina Pievskaya: Cô rất ấn tượng về văn hóa cân bằng trong cuộc sống của người Việt Nam mà điều này ít thấy nhiều ở các nước phương Tây, cô tin rằng để chuẩn bị cho kì thi các bạn nên chủ động ăn uống những loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, để có sức khỏe tốt bước vào kì thi. Đồng thời song song với việc ôn luyện kiến thức các bạn nên dành cho bản thân những khoảng thời gian, nghỉ ngơi thư giãn hay tập thể dục, thể thao để tránh bản thân bị quá tải.
Bản thân cô cũng không phải người bản xứ nơi mà có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ tiếng Anh nên cô rất thấu hiểu nỗi lo của các bạn thí sinh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của cô các bạn nên chia ra mỗi ngày học một chút không nên để dồn lại học trong một ngày, đó là điều dễ gây ra tâm lý sợ của các bạn học sinh. Ngày trước thì cô thường học 3-5 từ mới mỗi ngày, đến lúc nào đấy khi vốn từ của mình mở rộng hơn thì chúng ta cũng cảm thấy tự tin hơn khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Cô nghĩ khả năng ngôn ngữ của con người là một điều rất thú vị, vì vậy để nâng cao hơn khả năng ngoại ngữ chúng ta có thể tìm đến những người bản xứ hoặc những người giỏi tiếng Anh hơn chúng ta để nói chuyện, từ đó nâng cao độ tự tin với ngôn ngữ này. Mắc sai lầm khi chúng ta học tiếng Anh là một điều rất dễ hiểu vị vậy khi chúng ta mắc sai lầm thì không có điều gì đáng lo sợ cả, vượt qua những sai lầm đó thì khả năng ngôn ngữ của chúng ta sẽ trở nên tốt hơn.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Có nhiều cách tiếp cận khác để học tiếng Anh tốt hơn ví dụ như xem phim, nghe nhạc hay đọc những quyển sách mà tôi yêu thích. Có thể lúc đầu vốn từ vựng chúng ta còn ít sẽ có một chút khó khăn, nhưng dần dần chúng ta sẽ tìm ra các cách sử dụng ngôn từ, cấu trúc gần gũi với cuộc sống và dễ tiếp thu ngôn ngữ này hơn.
TS. Nguyễn Việt Hùng: Như thầy đã nói ở trên là khi chúng ta xác định được vị trí của bản thân, xác định được mục tiêu và nắm vững kiến thức ở khu vực chúng ta đã đề ra thì thầy nghĩ em sẽ tự tin và không bị choáng ngợp trước đề thi. Tiếp theo là về cách thực hành, nếu các em ở các miền quê ít có cơ hội để tiếp xúc với những người bản xứ thì có tham gia các hội nhóm trên các mạng xã hội để thực hành luyện tập, trao đổi hàng ngày, tạo ra phản xạ tốt. Giống như đi thi cũng vậy, nếu em sợ tâm lý thi em có thể khắc phục bằng cách đi thi nhiều ví dụ như thi các chứng chỉ tiếng Anh. Nếu em đạt được một trong số các chứng chỉ IELTS hay tương đương thì em có thể xét tuyển vào Khoa Quốc tế dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhiều bạn còn chưa hiểu rõ học đại học bằng tiếng Anh là như thế nào, không biết có theo kịp không. Mong thầy cô chia sẻ về việc học tại khoa quốc tế cũng như các điều kiện xét tuyển.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Các em đừng quá lo lắng, từ năm 2012 đến giờ Khoa Quốc tế đã có hàng nghìn các bạn sinh viên tốt nghiệp và rất thành công. Trong đó tất cả các chương trình đều được đào tạo bằng ngoại ngữ. Trong năm 2020 này, Khoa có 10 chương trình cử nhân đào tạo bằng tiếng Anh. Nếu các em đã trúng tuyển vào Khoa Quốc tế mà chưa đạt điều kiện tiếng Anh sẽ được tham gia chương trình tiếng Anh dự bị. Với các phương pháp đào tạo tối ưu, chương trình học không quá nặng ngữ pháp mà bao gồm cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, các em sẽ nhanh chóng được cung cấp đủ kiến thức để có thể theo học các chương trình đào tạo chuyên ngành hoàn toàn bằng.
Năm nay Khoa Quốc tế tổ chức tuyển sinh 10 chương trình đào tạo bao gồm các ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: Kinh doanh quốc tế; Kế toán, Phân tích và Kiểm toán hay các ngành trong khối công nghệ như Hệ thống thông tin quản lý; Tin học và Kỹ thuật máy tính; Phân tích dữ liệu kinh doanh - đây là các chương trình do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng. Bên cạnh đó cũng có các chương trình do đối tác cấp bằng như Quản lý, Kế toán và Tài chính; Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch. Và đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên Khoa Quốc tế bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo song bằng do trường ĐHQGHN & trường đối tác đồng cấp bằng bao gồm 2 chương trình Marketing (VNU-HELP) & Quản lý (VNU-Keuka). Về phương thức xét tuyển, những năm gần đây Khoa Quốc tế vẫn có những tổ hợp truyền thống như A00, A01, D01, D96, D90.
Vậy nếu trúng tuyển vào Khoa nhưng chưa đạt điều kiện về tiếng Anh thì sao ạ?
TS. Nguyễn Việt Hùng: Khoa Quốc tế có đặc thù khác biệt so với các trường khác là có một bộ phận đào tạo tiếng Anh gọi là bộ môn đào tạo dự bị. Chương trình này khác với các trường khác không đào tạo về kiến thức chuyên môn mà đào tạo về tiếng Anh. Với các bạn chưa đủ điều kiện, các bạn có 1 năm để học chuyên về các kĩ năng tiếng Anh, trong một năm đó các bạn học liên tục chỉ tiếng Anh. Các thầy cô đều là các thầy cô nhiều kinh nghiệm, là các thạc sĩ, tiến sĩ từ nước ngoài và các trường uy tín trong nước.
Như thầy Hiển chia sẻ, điều kiện sàn đầu vào là các em đạt tối thiểu 4 điểm tiếng Anh. Thầy cho rằng ở mức đó thì các em hoàn toàn có thể yên tâm. Trong 1 năm đó chương trình được chia làm 5 cấp độ, mỗi cấp độ có thời gian 2 tháng, sau mỗi level có bài kiểm tra đánh giá để xét lên cấp độ. Chứng chỉ B2 thì Khoa Quốc tế công nhận chứng chỉ từ các cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận như trường Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN... Thầy tin rằng một năm đó là đủ để các em đạt được ước mơ học đại học bằng tiếng Anh.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Chương trình đào tạo của Khoa được chia làm 5 cấp độ, tuy nhiên đầu vào các em sẽ được làm các bài thi để đánh giá trình độ. Ví dụ nếu đầu vào em đạt cấp độ 2 thì em sẽ học bắt đầu từ cấp độ 2 lên 3,4,5. Có nghĩa là thời gian đào tạo sẽ rút ngắn dưới một năm. Trong thời gian học tiếng Anh Khoa cũng sắp xếp cho các em học một số môn học đại cương như triết học, để khi đủ điều kiện tiếng Anh các em có thể bắt tay vào học các môn học chuyên ngành luôn. Và bất cứ khi nào khi đang theo học các lớp level mà em có chứng chỉ B2 thì em sẽ được lên theo học các lớp chuyên ngành.
Những khó khăn mà các bạn sinh viên gặp phải khi tiếp cận với các môn học bằng tiếng Anh là gì và thường sinh viên khi học đại học bằng tiếng anh sẽ thiếu kỹ năng gì nhất?
TS. Irina Pievskaya: Điều khó khăn nhất đối với sinh viên có lẽ là việc hiểu được ngôn ngữ chuyên ngành. Các bạn sinh viên Việt Nam thường mất thời gian chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng việt nên sẽ gây nhiều khó khăn hơn để học những nguồn tài liệu theo tiếng nước ngoài. Cô cũng đã dạy nhiều bạn sinh viên quốc tế và theo các bạn chia sẻ thì kỹ năng nói là kỹ năng khó nhất đối với họ. Các bạn không chỉ lo lắng về vấn đề ngôn ngữ mà còn gặp vấn đề về tâm lý nữa, các bạn sợ mắc lỗi, sợ bị mọi người cười. Đây là điều rất phổ biến ở sinh viên Việt Nam. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là cố gắng cũng như luyện tập thật nhiều, từ đó chúng ta sẽ tốt dần lên và cải thiện tiếng Anh của mình.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Điều mà cô Irina chia sẻ cũng là điều mà tôi nhận thấy khá nhiều bạn sinh viên gặp phải. Các bạn có tâm lý sợ sai và không dám nói ra từ đó bỏ lỡ cơ hội được rèn luyện và học tập. Một điều nữa đó là ngoài nỗi sợ chúng ta không nên nâng cao quá quan niệm của mình. Mọi người thường nghĩ học đại học bằng ngoại ngữ là vô cùng cao siêu dẫn đến tự mình làm nó khó hơn. Với chính bản thân thầy, khi thầy gặp khó khăn thì thầy thường trao đổi với các sinh viên quốc tế, sinh viên bản địa cùng với việc dành nhiều thời gian nghiên cứu để nâng cao khả năng của mình. Thứ ba là sự tập trung. Tôi khi sang Pháp học Marketing đã xác định rõ là mình phải học, có động lực học rõ ràng thì bạn sẽ có sự tự tin, sự nghiêm túc và tập trung cho sự nghiệp học hành của mình.
TS. Nguyễn Việt Hùng: Tiếng Anh THPT với tiếng anh ở đại học là hoàn toàn khác, ĐH học tiếng anh chuyên ngành với những thuật ngữ khá lạ lẫm cho nên không ai có thể khẳng định được khi mới lên đại học có thể học tốt được tiếng Anh chuyên ngành. Vì vậy các bạn cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần để có thể thích nghi được với tiếng anh ở đại học. Một điều nữa mà tôi muốn chia sẻ đó là nếu các em học ngành nào thì nên tìm hiểu các website nước ngoài xem họ sử dụng ngôn ngữ như nào. Từ đó biến tiếng Anh trở thành công cụ để nắm bắt thông tin và trở thành người chuyên môn tốt. Ngoài ra chúng ta có thể tham gia các câu lạc bộ để trao đổi kiến thức chuyên môn cùng nhau.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Bên cạnh đó, các bạn cũng cần có phương pháp học tập đúng đắn, đào sâu nghiên cứu không chỉ những tài liệu trên lớp mà còn cả những tài liệu tham khảo bên ngoài nữa
Trình độ tiếng a\Anh của tân sinh viên thường không đồng đều, thầy cô có cách nào để rút ngắn khoảng cách trình độ và giúp các bạn ấy tiếp thu tiếng Anh một cách tốt nhất không ạ?
TS. Nguyễn Việt Hùng: Trình độ tiếng Anh của các bạn rất khác nhau, tùy vào điểm phân loại đầu vào tiếng Anh chúng tôi sẽ chia các bạn vào các lớp level khác nhau phù hợp với lực học hiện tại. Trong các lớp sẽ có khoảng 20 bạn có trình độ gần như nhau nên thầy cô có thể dạy với giáo trình như nhau. Ngoài cách phân loại đầu vào thì các thầy cô cũng có cách chia cặp chia nhóm để các bạn hợp tác, chia sẻ với nhau. Các thầy cô đào tạo dự bị cũng là những người rất tâm huyết luôn sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ các em.
Theo thầy cô, lợi ích thiết thực nhất mà sinh viên nhận được khi đào tạo chương trình đại học bằng tiếng Anh là gì?
TS. Irina Pievskaya: Lợi ích đầu tiên mà khá là hiển nhiên đó là các em sẽ được hòa nhập vào môi trường đại học tiếng Anh, vừa trau dồi ngôn ngữ vừa nâng cao kiến thức chuyên ngành. Một lợi thế khác nữa là bằng cấp, khi các em có bằng đại học bằng tiếng Anh thì việc chuyển tiếp hay du học tại các trường đại học nước ngoài sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa khi học tập tại Khoa Quốc tế, các em sẽ được gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn học sinh nước ngoài đến từ những nền văn hóa khác nhau. Về lâu dài thì em cũng sẽ có rất nhiều cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hay ra nước ngoài làm việc với khả năng ngoại ngữ của mình.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Nếu ta nhìn vào sự phát triển của Việt Nam cũng như việc mở của thị trường, ta sẽ thấy là hiện nay dòng vốn FDI rất nhiều, ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn đầu tư vào nước ta. Đó là cơ hội rất lớn cho các bạn có thể có những cơ hội việc làm rất tốt. Không chi công ty nước ngoài mà ngay cả công ty trong nước hay các đơn vị hành chính công cũng đang tìm kiếm những nhân tố vừa có ngoại ngữ vừa có chuyên môn.
TS. Nguyễn Việt Hùng: Nếu tôi được chọn lại năm 18 tuổi như các em tôi sẽ chọn học ĐH bằng tiếng Anh. Hiện nay là thế giới phẳng, ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng, nếu các em không có tiếng anh thì các em sẽ mất cơ hội ngay trên sân nhà của mình. Với góc độ của sinh viên, khi học ĐH các em sống hạnh phúc, sống nhiệt huyết với nhiều đam mê và hoài bão. Tiếng Anh giúp ích được gì? Nếu biết thêm ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời, ngoại ngữ là văn hóa là bản sắc dân tộc, nó giúp các bạn tiếp xúc gần hơn với nền văn hóa khác nhau. Hơn thế, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh sẽ mang đến mức lương 20 triệu chứ không phải là 5 triệu. Một điều nữa là bằng ĐH tiếng Anh được công nhận ở tất cả các nước trên thế giới với chất lượng đào tạo luôn luôn được đảm bảo đạt chuẩn quốc tế. Đó là lý do tại sao tôi muốn được chọn chương trình tiếng Anh nếu còn 18, để tôi được sống và tới gần hơn với những đam mê, ước mơ của mình. Mong các em sẽ có những lựa chọn đúng đắn nhất ở thời điểm hiện tại.
Em có chứng chỉ IELTS 7.5, em có lợi thế gì khi thi THPT Quốc gia và khi đăng ký vào Khoa Quốc tế - ĐHQGHN không ạ?
TS. Nguyễn Trung Hiển: Từ năm 2019, Khoa Quốc tế có phương thức xét tuyển mới bằng kết quả thi chứng chỉ ngoại ngữ. Đặc biệt trong năm 2020, chúng tôi cũng có 30 suất học bổng tuyển thẳng cho những em có IELTS 6.5 trở lên với 100% học phí trên toàn khóa học. Với trình độ của em, em có thể tự tin đăng ký vào khoa cũng như đăng ký xét học bổng tuyển thẳng tại khoa.
Các thầy cô có thể gợi ý cho em một số website học tiếng Anh được không ạ?
TS. Irina Pievskaya: Trong thời buổi công nghệ như hiện nay thì các bạn trẻ có thể biết nhiều hơn cả cô về những kênh thông tin có thể học tiếng Anh. Với cô thì cô có một vài ứng dụng trên điện thoại, mỗi ứng dụng dùng một chút để cải thiện tiếng Anh của mình”
TS. Nguyễn Trung Hiển: Có một vài ứng dụng tốt để giúp các bạn luyện tập tiếng anh như ELSA, Duolingo… ngoài ra thì việc học trên Youtube vừa học vừa chơi cũng rất hiệu quả. Hay khi sử dụng Facebook bạn cũng nên like hay theo dõi các trang học tiếng Anh hiệu quả
TS. Nguyễn Việt Hùng: Kênh học tiếng Anh thương mại rất là nhiều chúng ta có thể sử dụng miễn phí hoặc trả phí để sử dụng dịch vụ. Như tôi vẫn hay gợi ý cho sinh viên của mình một số trang nước ngoài như BBC news, New York Times hay một số trang thời báo của nước ngoài với những nguồn học liệu rất thật để các em có thể luyện tập tiếng Anh của mình. Bên cạnh đó, Khoa Quốc tế cũng có trang cung cấp những kiến thức tiếng Anh miễn phí cho các em… Sắp tới, Khoa cũng sẽ thực hiện các số hướng dẫn cách học tiếng anh thi THPTQG, các em có thể follow và coi đó là nguồn học liệu để tham khảo.
Học phí của chương trình tiếng Anh dự bị như thế nào ạ?
TS. Nguyễn Việt Hùng: Tôi nghĩ đây là câu hỏi nhiều người quan tâm, nhưng các bạn yên tâm là mức học phí cũng rất hợp lý
TS. Nguyễn Trung Hiển: Mức học phí 160 giờ/cấp độ là 500$. Các bạn thấy rằng với 500$ thời lượng học là 160 giờ, kỹ năng nói được học với giảng viên nước ngoài và quy mô lớp học nhỏ dễ dàng cho sinh viên tương tác nhiều với giáo viên thì tôi nghĩ mức học phí này không quá cao để các bạn phải lo lắng.
Làm thế nào để em có thể nói tiếng Anh như người bản địa?
TS. Irina Pievskaya: Sinh viên nên tới các nước nói tiếng Anh hoặc làm quen với người bản xứ để có thể làm quen với cách nói chuyện của họ. Các bạn cũng nên nghe radio hay xem video youtube để cải thiện phát âm của mình. Chúng ta không cần cố cho nói tiếng Anh giống hệt người bản xứ vì có khái niệm tiếng Anh toàn cầu, chúng ta chỉ cần nói sao cho người khác hiểu là được mà không cần cố gắng quá theo một khuôn mẫu nào đó.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Nếu chúng ta có thể nói tiếng Anh trôi chảy chuẩn theo giọng Mỹ, giọng Úc, giọng Anh thì đấy là điều tốt nhưng tôi nghĩ đấy không phải mục đích cuối cùng. Mục đích cuối cùng là chúng ta hiểu được nhau. Các bạn muốn được nói tốt thì chỉ có thể nghe nhiều và luyện tập nhiều. Với bản thân tôi thì tôi cũng rất hay nghe tiếng Anh để cải thiện khả năng nói của mình.
TS. Nguyễn Việt Hùng: Sinh viên có thể thần tượng một người nào đó nói tiếng Anh đủ hay, đủ tốt để chúng ta có động lực nghe và học tiếng Anh nhiều hơn. Dần dần, giọng và cách phát âm của bạn sẽ được cải thiện.