Đăng ký nội trú
 

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN: Phân tích dữ liệu kinh doanh – ngành học hấp dẫn của thế kỷ 21

Ngày 28/2/2020, VNU-IS Live Talk số 2 với chủ đề “Học phân tích dữ liệu kinh doanh – khai mỏ vàng dữ liệu” chính thức lên sóng.

Đây là chương trình nói riêng về ngành học Phân tích dữ liệu kinh doanh cùng với hai khách mời vô cùng đặc biệt: GS. TSKH. Hồ Tú Bảo - Nhà khoa học với gần 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, học máy và khoa học dữ liệu tại Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cũng là cố vấn chuyên môn cho chương trình Cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Phan Hải Đăng – Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Ciao Link Fintech. Cùng tham gia với hai vị khách mời còn có TS. Mai Anh – Trưởng phòng Đào tạo và ThS. Đào Thị Thanh Hoa - Trưởng Bộ phận Tuyển sinh Khoa Quốc tế.

Số thứ 2 của chương trình đã thực sự thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh và thí sinh đang mong muốn tìm hiểu về ngành này. 

Ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh sẽ học gì?

Trước câu hỏi rất hay gặp này của các thí sinh 2k2, GS. TSKH Hồ Tú Bảo cho biết khoa học dữ liệu là khoa học về việc tạo ra và dùng dữ liệu. Khoa học dữ liệu dựa trên sự gắn kết hài hoà của ba thành phần chính: toán học (chủ yếu là thống kê)khoa học máy tính - hiểu là công nghệ thông tin mà chủ yếu là ngành học máy - và tri thức chuyên ngành của từng lĩnh vực ứng dụng. Sự kết hợp hài hoà của toán học và công nghệ thông tin là một điểm mới trong thời chuyển đổi số. Các phương pháp và công cụ của khoa học dữ liệu có thể ứng dụng vào mọi lĩnh vực, và tri thức của lĩnh vực ứng dụng là cần thiết để dùng chúng hiệu quả. Khoa học dữ liệu trở nên vô cùng quan trọng vì các nguồn dữ liệu ngày càng nhiều và được xem là tài nguyên chủ yếu cho sự phát triển của xã hội loài người.

Kinh doanh là ngành đào tạo truyền thống. Khoa học dữ liệu trong kinh doanh là áp dụng khoa học dữ liệu vào kinh doanh, đào tạo ra những người lao động mới có kỹ năng lao động mới. Đây là nghề nghiệp rất quan trọng trong tương lai, chiếm đại đa số trong số lượng nhân sự tham gia vào lĩnh vực khoa học dữ liệu. Trong kinh doanh có các “bài toán” đặc thù cần giải đáp về từng vấn đề như quản trị sản xuất, marketing, bán hàng, tài chính, quan hệ khách hàng, nhân sự… thông qua thu thập, phân tích dữ liệu.

Người học ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh tại Khoa Quốc tế có được nhiều lợi thế. “Các em sẽ được trang bị cả kiến thức khoa học dữ liệu và kiến thức kinh doanh. Đặc biệt, các em học toàn bộ chuyên ngành bằng tiếng Anh nên sau này sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty ở trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên giảng dạy trong chương trình đều tu nghiệp ở nước ngoài, có kinh nghiệm sư phạm và giảng dạy tốt.” – thầy Bảo chia sẻ.

Các diễn giả trao đổi, chuẩn bị thông tin trước khi lên sóng.

Toán và tiếng Anh chưa tốt có thể học ngành này không?

Nhiều thí sinh muốn đăng ký theo học ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh nhưng lại e ngại học Toán và tiếng Anh chưa được tốt lắm. Theo các diễn giả, việc học Toán và tiếng Anh chưa tốt không phải là rào cản theo đuổi việc học. Học Toán trong Phân tích dữ liệu kinh doanh là học cách sử dụng Toán, hiểu khái niệm Toán học nằm trong dữ liệu như thế nào, sau đó dùng phần mềm đã có sẵn để phân tích tập dữ liệu. “Điều quan trọng là hiểu được khái niệm và gắn khái niệm của Toán vào lĩnh vực cụ thể, câu chuyện kinh doanh cụ thể. Vì vậy, những bạn học toán ở phổ thông ở mức trung bình hoàn toàn có thể đăng ký học tại đây”. – GS Bảo nhấn mạnh. Tại Khoa Quốc tế các thầy, cô sẽ hỗ trợ tối đa cho các em, giúp các em thay đổi cách học ở trong chính cách giảng dạy của mình.

Còn ông Đăng khẳng định: trong thời đại hiện nay, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh là lợi thế lớn. Các tài liệu trong ngành khoa học dữ liệu nói chung và khoa học dữ liệu trong kinh doanh hiện nay phần lớn bằng tiếng Anh. Nếu sau khi tốt nghiệp, các em có thể đọc, hiểu được tài liệu và sử dụng trong công việc thì các em đã đi trước những người chưa có tiếng Anh. Bởi vậy, nếu môn tiếng Anh thi tốt nghiệp của các em ở mức trung bình thì hãy cứ mạnh dạn đăng ký học tại Khoa Quốc tế. Khoa có chương trình Chương trình đào tạo tiếng Anh dự bị. Chương trình được thiết kế gồm 5 cấp độ, nhằm trang bị cho người học kiến thức ngôn ngữ, các kỹ năng thực hành nghe, nói, đọc, viết để theo học các chương trình đào tạo đại học tại Khoa Quốc tế. Sau khi kết thúc chương trình, người học sẽ nắm vững kiến thức ngôn ngữ cơ bản và chuyên sâu, có khả năng thi đỗ các chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế như chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam), IELTS, TOFEL…

VNU-IS Live Talks số 2 thực sự cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các bậc phụ huynh và thí sinh.

Cầu nghề nghiệp sẽ thế nào?

Theo nhận định của ông Đăng, nhân sự trong ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh hiện tại đều từ ngành khác chuyển sang. Đó là những người tốt nghiệp các ngành kế toán, tài chính, ngân hàng, nhưng đam mê khoa học dữ liệu nên theo học thêm. Như vậy, có thể thấy số lượng nhân sự được đào tạo chính quy về Phân tích dữ liệu kinh doanh là cực kỳ ít. Do nhu cầu nhân sự rất lớn nên mức lương đi kèm cũng khá “khủng”, không dưới 4 con số và đơn vị tiền tệ tính là USD. Đặc biệt, những sinh viên, dù chỉ đang thực tập trong lĩnh vực này, nếu có kiến thức và kỹ năng tốt, đã trở thành đối tượng “săn đuổi” của nhiều công ty. 

Lĩnh vực việc làm của ngành học này cũng vô cùng rộng, bởi kinh doanh bao gồm các mảng công việc khá đa dạng và có tính thời sự. Không những thế, người học hoàn toàn có thể chuyển sang làm các lĩnh vực ngoài kinh doanh như y tế, giao thông, công nghệ thông tin hay xây dựng... do đã có sẵn kiến thức cơ bản về khoa học dữ liệu. 

Các diễn giả cũng khẳng định ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh cũng không hề là ngành học khô khan và rất hợp với các bạn nữ. Một vai trò khá lớn của người làm Phân tích dữ liệu kinh doanh là trình bày, phân tích ý nghĩa các con số một cách thuyết phục với các cấp quyết định phương án kinh doanh, đòi hỏi kỹ năng giao tiếp cá nhân, thuyết trình hiệu quả. GS Hồ Tú Bảo Bảo và ông Nguyễn Phan Hải Đăng cùng thống nhất nhận định cho rằng nữ giới đặc biệt hợp với công việc này với những thế mạnh đặc trưng của giới như tính cẩn thận, chu toàn, mềm mỏng và khéo léo. Đặc biệt, ông Đăng khẳng định nữ giới trong ngành này có cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp hoàn toàn công bằng như nam giới.

Năm 2019, Khoa Quốc tế phối hợp với Phòng nghiên cứu Tin học và Ứng dụng, LGIPM, Đại học Lorraine, Cộng Hòa Pháp, tổ chức hội thảo quốc tế “International Conference on Computer Science, Applied Mathematics and Applications (ICCSAMA)’’ lần thứ 6. Tại hội thảo đã có một phiên thảo luận riêng về ngành học Phân tích dữ liệu kinh doanh tại Khoa Quốc tế. Phiên thảo luận đã thu hút được sự quan tâm của người tham dự trong nước và quốc tế. Trong năm nay, Khoa Quốc tế sẽ tổ chức hội thảo quốc tế “Entrepreneurship, Finance and Innovation Symposium”. Tại hội thảo sẽ có các báo cáo trình bày về những hướng nghiên cứu mới về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, về hoạt động phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp. 

Ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh do ĐHQGHN cấp bằng

Chỉ tiêu: 80 sinh viên

Xét tuyển dựa vào một trong các phương thức: 
(1) kết quả bài thi THPT quốc gia năm 2019; 
(2) chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (chứng chỉ A-Level); 
(3) kết quả kỳ thi chuẩn hoá đánh giá năng lực trên giấy của tổ chức College Board, Educational Testing Service (SAT) còn hiệu lực; 
(4) các trường hợp xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và của ĐHQGHN.

- Điều kiện xét tuyển:
- Tốt nghiệp THPT và đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Đối với thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia năm 2019: điểm theo tổ hợp các môn (1) Toán, Vật lí, Hóa học (khối A00); (2) Toán, Vật lí, Tiếng Anh (khối A01); (3) Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (khối D01); (4) Toán, Khoa học xã hội, tiếng Anh (khối D96) (trong đó điểm tiếng Anh nhân đôi, điểm môn tiếng Anh không dưới 4) đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương được quy đổi sang thang điểm 10 để xét tuyển theo tổ hợp.
 + Đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level còn hiệu lực: có điểm chứng chỉ A-Level của tổ hợp kết quả 3 môn theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng (A00, A01, D01, D03, D06, D96, D97, DD0) đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương đương điểm C, PUM range ≥ 60).
 + Đối với thí sinh có chứng chỉ SAT còn hiệu lực: có điểm của tổ hợp kết quả 2 môn Toán, Đọc-Viết kết hợp đạt từ 1100/1600 điểm hoặc 1450/2400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi). Mã đăng ký của ĐHQGHN với Tổ chức thi SAT (The College Board) là 7853-Vietnam National University-Hanoi, thí sinh phải khai báo mã đăng ký trên khi đăng ký thi SAT.

- Điều kiện đầu vào về trình độ tiếng Anh:
+ Sau khi trúng tuyển nhập học, để được đăng kí học các học phần thuộc khối kiến thức ngành, sinh viên phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu đạt IELTS 5.5 hoặc bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
+ Miễn điều kiện tiếng Anh đầu vào nói trên đối với các thí sinh có các chứng chỉ còn hạn sử dụng tương đương IELTS 5.5; hoặc bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương; hoặc có chứng chỉ A-Level, hoặc có kết quả SAT đạt điểm trúng tuyển trở lên.
+ Sinh viên chưa đạt trình độ tiếng Anh theo yêu cầu được xét vào học chương trình đào tạo tiếng Anh dự bị tại Khoa (cùng với một số học phần khối kiến thức chung) trong năm học thứ nhất để đủ trình độ học tập và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh.

Hotline tư vấn tuyển sinh ngành phân tích dữ liệu kinh doanh: 024. 3555 3555 
Email: Tuyensinh@khoaquocte.vn 
Website: http://tuyensinh.khoaquocte.vn 
Facebook: fb.com/khoaquocte

Facebook Chat Widget by CAIT