"Em nghĩ rằng mình cần trí tuệ và kiến thức để có thể tư duy, suy nghĩ, từ đó biết tò mò, biết khám phá, biết đi tới những nền văn hoá khác nhau, tiếp xúc với những con người mới để trưởng thành hơn trong nhận thức",Tuyết Lan, chủ nhân học bổng Global UGRAD, chia sẻ.
Nguyễn Thị Tuyết Lan, sinh viên năm thứ 3 ngành Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp), liên kết giữa Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ, đã trở thành một trong số ít chủ nhân học bổng danh giá Global UGRAD với thành tích xuất sắc trong học tập ngoại khoá. Trước khi lên đường sang Mỹ, Tuyết Lan đã có những chia sẻ về “bí kíp” quản lý thời gian và cân bằng cuộc sống dành cho những người trẻ bận rộn.
- Được biết Tuyết Lan là sinh viên rất năng động, tham gia và đạt nhiều thành tích trong hoạt động ngoại khoá mà vẫn sở hữu bảng thành tích học tập đáng ghen tị. Bí quyết của em là gì vậy?
- Việc cân bằng giữa việc học chính khoá và hoạt động ngoại khoá theo em cảm nhận là rất áp lực, nhưng việc này hoàn toàn có thể đảm bảo được nếu chúng ta biết cách lập kế hoạch và quản lý thời gian.
Thứ nhất, việc lên kế hoạch cho từng giai đoạn ngắn là vô cùng cần thiết. Việc học nên được ưu tiên hàng đầu. Bắt đầu mỗi kỳ học, nhà trường luôn gửi cho sinh viên xem thời khoá biểu và lịch trình cũng như nội dung môn học. Sinh viên cần xem kỹ tài liệu này để ước lượng thời gian mình cần đầu tư cho các hoạt động: nếu môn học nào là thế mạnh của mình thì có thể phân bổ thêm thời gian cho hoạt động xã hội, còn ngược lại, nếu gặp môn học “khó nhằn” thì nên tập trung dành thời gian cho việc học. Thêm nữa, em luôn ghi nhớ thời gian thi của từng môn để biết được giai đoạn áp lực nhất, dành ưu tiên cho việc học và luyện tập, tránh các hoạt động ngoại khoá cần đầu tư nhiều thời gian, nhất là các hoạt động trao đổi nước ngoài vào thời gian đó.
Thứ hai, theo em, các bạn sinh viên cần phải có sự chọn lọc trong những hoạt động ngoại khoá mà mình sẽ tham gia. Hoạt động ngoại khoá có thể chia làm nhiều loại khác nhau và trải dài ở các lĩnh vực khác nhau như tình nguyện, các cuộc thi học thuật, nghiên cứu, đại sứ văn hoá, phát triển tiềm năng lãnh đạo ..v.v.. Các hoạt động càng phong phú và đa dạng về hình thức thì ta càng cần phải chọn lọc và cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Tuyết Lan chụp ảnh bên cạnh công trình nghiên cứu khoa học của nhóm mình.
- Em có nhắc đến việc cần phải chọn lọc khi lựa chọn các hoạt động để tham gia. Tại sao điều này lại quan trọng?
- Theo em, các bạn sinh viên nên hiểu rõ bản thân mình muốn tham gia các hoạt động như thế nào để lựa chọn cho mình một nhóm hoạt động thích hợp. Hãy tối giản trong tư duy, tự tin với bản thân và tập trung vào việc bạn muốn làm. Đừng nhìn sang người khác để tham gia tất cả các hoạt động mà họ đã tham gia. Hãy lựa chọn sao cho xứng đáng với thời gian và công sức mà mình bỏ ra cho hoạt động đó.
- Cá nhân em có tiêu chí gì khi lựa chọn các hoạt động ngoại khoá để tham gia không?
- Với cá nhân em thì em ưu tiên chọn các hoạt động với các tiêu chí sau:
Tiêu chí đầu tiên: Phù hợp với tính cách và sở thích của bản thân. Điều này sẽ giúp em gặp gỡ những người bạn giống mình, phù hợp về tính cách, dễ làm việc, dễ chơi, dễ nói chuyện và chia sẻ.
Tiêu chí thứ hai: Có khả năng giúp mình tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho sự phát triển năng lực cũng như sự nghiệp của bản thân sau này. Ví dụ như em khá thích giáo dục và quản lý giáo dục nên có thiên hướng tham gia các hoạt động về giáo dục trải nghiệm, lãnh đạo và tăng cường tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá – học thuật ở nước ngoài để có thể mở rộng tầm nhìn của mình về giáo dục.
Tiêu chí thứ ba: Có liên quan tới các môn học trên lớp, như thế em có thể nhận được sự giúp đỡ tích cực từ nhà trường và các giáo sư trên lớp. Kỳ trước em có học môn học Kinh doanh quốc tế và Khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian đó, em đã “tranh thủ” tham gia Mekong Business Challenge tại Campuchia và Hult prize regionals do Liên Hiệp Quốc tổ chức để vận dụng những gì được học vào các cuộc thi này, đồng thời em cũng có thể xin tư vấn từ giảng viên các môn học này. Thật là một công đôi việc đúng không ạ?
Tuyết Lan (thứ ba từ phải sang) tham gia Hội nghị mô phỏng hội nghị cấp cao ASEAN 2018" (AFMAM 2018).
- Là một người trẻ đa năng và bận rộn như vậy, có khi nào em cảm thấy mất cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và các hoạt động học tập, ngoại khoá không?
- Có 3 thứ mà em luôn ưu tiên trong cuộc sống là học tập, trải nghiệm và cảm xúc. Em nghĩ rằng mình cần trí tuệ và kiến thức để có thể tư duy, suy nghĩ, từ đó biết tò mò, biết khám phá, biết đi tới những nền văn hoá khác nhau, tiếp xúc với những con người mới để trưởng thành hơn trong nhận thức. Bản thân em tự coi trọng cảm xúc cá nhân để mỗi suy nghĩ, mỗi trải nghiệm đều mang dấu ấn của riêng em. Dù nhiều khi áp lực vô cùng, nhưng em sẽ không quên về nhà ôm mẹ, hay về nấu cơm chờ bố. Các bạn sinh viên hãy nhớ dành cho các bạn là hãy dành thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Bởi khi bạn là người lạc quan, được gia đình yêu thương ủng hộ và bạn bè giúp đỡ thì việc gì cũng thành công. Hãy luôn nhớ lưu trữ năng lượng tích cực cho bản thân mình nhé.
Tuyết Lan chụp hình cùng ban tổ chức sự kiện cuộc thi Marketing “AMaRace 2019”.
Global UGRAD là học bổng tài năng của Vụ Giáo dục và văn hoá thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đưa các lãnh đạo sinh viên xuất sắc từ các quốc gia trên thế giới sang Mỹ học tập từ 1-2 học kỳ. Sinh viên sẽ được học tại một trường đại học diện 4 năm được kiểm định tại Hoa Kỳ, tận dụng tối đa cơ hội tương tác và học tập với giáo viên và sinh viên bản địa, khám phá văn hóa giáo dục Hoa Kỳ. Đại sứ quán Hoa Kỳ lựa chọn ứng viên dựa trên khả năng lãnh đạo, kết quả học tập xuất sắc, sự đóng góp cho cộng đồng và các hoạt động ngoại khoá. |
Nguyễn Thị Tuyết Lan Thành tích nổi bật: |
Diệu Linh
Phòng CTHSSV