Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Nguyễn Việt Hà cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ thông tin, điều khiển tự động hóa, truyền thông, công nghệ viễn thám, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học… trong lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhằm góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị cao, an toàn và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trường Đại học Công nghệ định hướng phát triển các ngành đào tạo và nghiên cứu phục vụ cho phát triển nông nghiệp dựa trên thế mạnh của Nhà trường và của ĐHQGHN.
Trong giai đoạn đầu, Nhà trường định hướng xây dựng một số ngành đào tạo gắn liền với phát triển Trung tâm thực nghiệm Nông nghiệp thông minh, đáp ứng được yêu cầu về tính hiện đại, phù hợp với xu thế đào tạo gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nông nghiệp công nghệ cao.
GS.TS Lê Huy Hàm, trưởng Khoa Công nghệ Nông nghiệp cho biết, chương trình đào tạo Công nghệ Nông Nghiệp của trường ĐH Công nghệ không trùng lắp với đào tạo của các trường khác. Chúng tôi đào tạo, phát triển các nghiên cứu ứng dụng, các kỹ thuật điện tử, tự động hóa, robot, kỹ thuật số, kỹ thuật viễn thông, viễn thám, công nghệ nano... vào nông nghiệp. Hỗ trợ ngành nông nghiệp trở nên chính xác hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn bằng các công nghệ hiện đại.
“Không có nông nghiệp lý thuyết, chỉ có nông nghiệp thực hành “học bằng làm”. Trước hết, Khoa sẽ cùng các thầy cô ĐH QGHN xem xét nếu công nghệ nào có thể đưa vào ứng dụng sẽ tổ chức để ứng dụng, công nghệ nào cần hoàn thiện sẽ tiến hành hoàn thiện để ứng dụng. Chúng tôi hy vọng sẽ đào tạo ra các kỹ sư công nghệ thực tiễn, có thể bắt tay ngay vào việc một cách thành thục sau khi ra trường” – GS Hàm khẳng định.
Ngay trong năm 2019 này, Khoa Công nghệ Nông nghiệp tuyển sinh 60 chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển là A00, A01, B00.
Chương trình đào tạo kéo dài trong vòng 4.5 năm nhằm đào tạo các kỹ sư công nghệ với các chuyên môn: công nghệ số, công nghệ điện tử, tự động hóa, công nghệ viễn thám, công nghệ nano, công nghệ sinh học… có các hiểu biết cần thiết về các lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Kỹ sư ngành Công nghệ nông nghiệp có khả năng: Thiết kế, chế tạo, khai thác, vận hành, bảo trì các hệ thống thiết bị công nghệ sử dụng trong nông nghiệp và quản lý hệ thống nông nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng kỹ thuật điều khiển, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hóa;
Phát triển và ứng dụng các quy trình công nghệ cho nuôi trồng đối với các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; phát triển các chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp; Hiểu biết về chuỗi giá trị nông nghiệp, thị trường công nghệ nông nghiệp trong nước và quốc tế, có khả năng quản lý các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống sản xuất nông sản và chất lượng nông sản.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Nông nghiệp có thể đảm nhận các vị trí như: Kỹ sư công nghệ nông nghiệp kỹ thuật số tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao; Kỹ sư công nghệ sinh học nông nghiệp; Cán bộ quản lý dự án và tư vấn chính sách về nông nghiệp công nghệ cao ở các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Sở/Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở/Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Nghiên cứu viên và giảng viên về lĩnh vực công nghệ và công nghệ nông nghiệp tại các cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp và công nghệ; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ nông nghiệp; các vị trí khác liên quan đến lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động và Công nghệ sinh học.
Hồng Hạnh_Dantri