Đăng ký nội trú
 

“Ngành tôi chọn” – Ngày hội hướng nghiệp Khoa Quốc tế

Ngày 22/7/2018, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN tổ chức chương trình Toạ đàm “Ngành tôi chọn” nhằm cung cấp các thông tin bổ ích cho thí sinh dự tuyển đại học năm học 2018 - 2019.

 

 

                                      

Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của các vị phụ huynh và các em học sinh. Có nhiều bậc phụ huynh cùng con, cháu từ các tỉnh, thành phố như Nghệ An, Thái Bình… cũng bắt chuyến xe sớm đến nghe các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp tư vấn về việc chọn ngành nghề hay tìm hiểu thêm thông tin về Khoa Quốc tế và các chương trình đào tạo.

Diễn giả của chương trình là ông Nguyễn Xuân Hoài - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Đào Ngọc Tú, Giám đốc phụ trách IT, Công ty Kiểm toán Earnst & Young, đại diện các trường đại học đối tác và ban chủ nhiệm, giảng viên Khoa Quốc tế, ĐHQGHN.

                                      

Chương trình “Ngành tôi chọn” với 3 phần chính: Lĩnh vực nghề nghiệp nào sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, Tiếng Anh không phải là rào cản và Bí quyết thành công của các cựu sinh viên thành đạt. Tại chương trình, các diễn giả đã chia sẻ với các em học sinh và các bậc phụ huynh về việc chọn ngành, chọn nghề đến các bạn thí sinh chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học.

Ông Nguyễn Xuân Hoài - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam, chia sẻ: “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi nhiều ngành nghề đang bị thay thế dần bởi máy móc, công nghệ, thì việc lựa chọn ngành học như ngành Hệ thống thông tin quản lý là cần thiết. Hai xu thế chính của cách mạng công nghiệp 4.0 là số hoá và kết nối. Xu thế số hoá rất cần nhân lực học về hệ thống thông tin để giúp các doanh nghiệp khai thác và quản lý dữ liệu. Và như vậy sinh viên khi học ngành Hệ thống thông tin quản lý cần trang bị cho mình kiến thức về phân tích và sử dụng dữ liệu trong kinh doanh. Được biết ở Khoa Quốc tế có ngành đào tạo này và theo tôi đây thực sự là ngành học hay và cần thiết”.

                                        

Trong khi, ông Đào Ngọc Tú, Giám đốc phụ trách IT, Công ty Kiểm toán Earnst & Young cho biết, công ty đang rất cần nhân sự về công nghệ thông tin và các sinh viên đang theo học ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính của Khoa Quốc tế chính là đối tượng hướng tới. “Tôi có xem chương trình đào tạo của Khoa và nhận thấy các môn học, học phần của chương trình này có những phần kiến thức mà Earnst & Young đang cần”, ông Tú khẳng định.

PGS.TS. Clint Relyea, giảng viên bộ môn Quản lý của Trường Đại học Troy, Hoa Kỳ - đối tác triển khai chương trình đào tạo cử nhân “Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch” với Khoa Quốc tế, lại cho rằng hiện tại Việt Nam nên tập trung cho việc phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói, và xem đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. “Việt Nam là đất nước có nhiều triển vọng để phát triển du lịch. Các bạn không chỉ có lợi thế ở những miền đất có phong cảnh hữu tình, mà còn lợi thế ở chính con người và một nền văn hoá lâu đời. Người Việt Nam vô cùng thân thiện và hiếu khách. Vì thế hãy khai thác những tiềm năng tuyệt vời này. Khi du lịch phát triển thì nhân lực cho ngành công nghiệp này rất cần, đặc biệt là nhân lực có tiếng Anh và khả năng quản trị tốt”, PGS.TS. Relyea bày tỏ.

Giảng viên này cũng giới thiệu thêm về chương trình Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch – chương trình đào tạo mới liên kết giữa Khoa Quốc tế và Trường Đại học Troy, Hoa Kỳ. Đây là chương trình được cơ quan có thẩm quyền tại nước sở tại kiểm định và công nhận, có sự gắn kết với thực tiễn trong quá trình đào tạo. Sinh viên theo học chương trình có cơ hội thực tập tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn ở cả trong nước và nước ngoài.

                                      

Chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết để học đại học 100% bằng Tiếng Anh không phải là rào cản, các diễn giả đều cho rằng, việc học các kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Anh là một lợi thế lớn mà ai cũng nhìn thấy. Vì khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, người học vừa có trình độ chuyên môn theo ngành nghề đào tạo, đồng thời có đủ trình độ tiếng Anh để giao tiếp và làm việc. Tuy nhiên, làm sao để trang bị cho mình một vốn tiếng Anh thật tốt trước khi bắt đầu học chuyên ngành, các thầy, cô giáo và các em sinh viên Khoa Quốc tế đã cùng giải đáp băn khoăn này. Các bạn sinh viên đang theo học ở Khoa cho biết hầu như trình độ tiếng Anh đầu vào của các bạn đều bắt đầu từ con số 0. Sau hơn một năm nỗ lực học tập cùng sự hỗ trợ của các thầy, cô, các bạn đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.

“Sau khi hoàn thành 5 cấp độ, em đã lấy được chứng chỉ IELTS 5.5. Em tiếp tục ôn luyện và hiện đã lấy được chứng chỉ IELTS 8.0. Em bắt đầu học tại Khoa Quốc tế với vốn tiếng Anh vô cùng nghèo nàn, đã vô cùng lo lắng khi bắt đầu chương trình học Ngoại ngữ bổ sung. Nhưng giờ đây em hoàn toàn tự tin học các môn chuyên ngành. Em cảm thấy may mắn vì đã tìm đúng điểm khởi đầu - Khoa Quốc tế, cho việc học tiếng Anh của mình”, bạn Nguyễn Phương Anh, sinh viên chương trình Quản lý, liên kết với Trường Đại học Keuka, chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có cơ hội làm quen với đại diện các doanh nghiệp và cựu sinh viên Khoa Quốc tế. Đại diện các doanh nghiệp khẳng định việc biết tiếng Anh là một lợi thế lớn với các sinh viên vừa tốt nghiệp. “Vì thế các bạn sinh viên cần phải đầu tư nhiều cho việc học ngoại ngữ bên cạnh việc nắm thật vững các kiến thức chuyên ngành. Với sinh viên học ngành kinh tế nên học thêm các chứng chỉ nghề nghiệp. Sinh viên Khoa Quốc tế có lợi thế lớn là được miễn 6 /12 môn khi học chứng chỉ của CPA Australia hay 9/14 môn nếu lấy chứng chỉ của ACCA. Khi đã hội đủ yếu tố trên thì cơ hội việc làm của các bạn học kinh tế - tài chính là vô cùng rộng mở”, anh Nguyễn Trần Trung, Trưởng nhóm Kiểm toán, Công ty Kiểm toám Earnst & Young cho biết.

                                       

Trong chương trình giao lưu, người tham dự cũng được nghe những chia sẻ thực tế về việc học tập tại Khoa và công việc hiện tại của các cựu sinh viên. Theo các cựu sinh viên, Khoa Quốc tế không chỉ trang bị kiến thức chuyên ngành cho sinh viên mà còn rèn cả kỹ năng làm việc. Chính vì thế các bạn không gặp phải những bỡ ngỡ khi bắt đầu công việc dù đó là doanh nghiệp trong nước hay công ty danh tiếng của nước ngoài. “Khoa Quốc tế đã tạo một nền tảng vững chắc để chúng tôi bước đi trên con đường sự nghiệp. Trong số chúng tôi có nhiều người đã làm việc tại những vị trí quản lý của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài có tiếng. Chúng tôi thực sự biết ơn các thầy, cô giáo của Khoa – những người đã chắp cánh cho chúng tôi”, anh Trịnh Duy Ngọc, cựu sinh viên chương trình Kế toán và Tài chính, liên kết với Trường Đại học East London, chia sẻ.

                                        

Tại Toạ đàm “Ngành tôi chọn” năm 2018, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Lê Trung Thành đã trao suất Học bổng cho học sinh có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc cho bạn Lê Tuyết Quỳnh Anh, học sinh THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng.  Giá trị suất học bổng là miễn 100% học phí toàn bộ thời gian học tại Khoa. Bạn Quỳnh Anh đạt Giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia lĩnh vực Hoá – Sinh; Huy chương vàng của Triển lãm sở hữu Trí tuệ, Phát minh, Sáng chế và Công nghệ quốc tế tại Thái Lan và đã được tuyển thẳng vào chương trình Kinh doanh quốc tế; Giải Ba Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2018 (Intel ISEF 2018) tại Mỹ.

                                        

                                        

 

 

Năm học 2018 - 2019, Khoa Quốc tế tuyển sinh các chương trình đào tạo cử nhân sau:

Các chương trình do ĐHQGHN cấp bằng:

- Kinh doanh quốc tế: 230 sinh viên

- Kế toán, Phân tích và Kiểm toán: 140 sinh viên

- Hệ thống thông tin quản lý: 70 sinh viên

- Tin học và kỹ thuật máy tính: 40 sinh viên

 Các chương trình do đại học nước ngoài cấp bằng:

- Kinh doanh (Kế toán) (liên kết với Trường Đại học HELP, Malaysia): 60 sinh viên

- Khoa học quản lý (liên kết với Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ): 80 sinh viên

- Kế toán và Tài chính (liên kết với Trường Đại học East London, Vương quốc Anh): 60 sinh viên

- Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch (liên kết với Trường Đại học Troy, Hoa Kỳ): 80 sinh viên

 

 

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các chương trình đào tạo tại Khoa Quốc tế do ĐHQGHN cấp bằng là 15 – 16 điểm.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, phổ điểm của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay thấp hơn so với năm 2017. Do vậy, dự kiến điểm trúng tuyển vào Khoa Quốc tế có thể sẽ thấp hơn từ 1 - 2 điểm.

Facebook Chat Widget by CAIT