Đăng ký nội trú
 

Giảng dạy bằng kép đảm bảo chuẩn đầu ra

Trường Đại học Ngoại ngữ là một trong những đơn vị triển khai sớm các chương trình đào tạo bằng kép tại ĐHQGHN. Trong đó, các chương trình bằng kép ngôn ngữ Anh được nhiều sinh viên quan tâm và lựa chọn nhất. Đúc rút từ quá trình làm việc thực tiễn của mình tại Khoa Sư phạm tiếng Anh, tác giả Lưu Ngọc Ly đã viết bài nghiên cứu có tựa đề là: “Giảng dạy bằng kép – Làm thế nào để vừa phù hợp với đối tượng người học vừa đảm bảo chuẩn đầu ra?”

Được viết nhân Hội nghị Chương trình đào tạo thứ 2 (Bằng kép) – Cơ hội và thách thức tại trường ĐHNN – ĐHQGHN, công trình nghiên cứu khoa học của cô Lưu Ngọc Ly chỉ ra hệ đào tạo bằng kép có những thuận lợi và khó khăn riêng; do vậy giáo viên giảng dạy cũng phải có phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá linh hoạt để vừa phù hợp với đối tượng người học, vừa giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra cả về kiến thức, kĩ năng và phẩm chất.

Những khó khăn và thuận lợi

Trong quá trình thực tiễn, tác giả Lưu Ngọc Ly nhận thấy khó khăn lớn nhất bắt nguồn từ cách thức tuyển sinh của hệ Bằng kép. Sinh viên được tuyển chọn dựa trên điểm trung bình chung học tập ở chuyên ngành một. Điểm TBC của chuyên ngành một này tuy có đảm bảo rằng sinh viên được tuyển lựa là những người có khả năng học tập, nhưng không cung cấp thông tin về trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Chính vì thế, trình độ đầu vào của các lớp rất chênh lệch. Một lớp học quá chênh lệch về trình độ sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho giáo viên trong quá trình điều chỉnh hoạt động và cách thức tiến hành bài giảng.

Một khó khăn không thể không nhắc đến đó là đa phần sinh viên có trình độ ngoại ngữ rất thấp, nhưng sinh viên lại phải theo học chương trình và theo lộ trình như hệ chuẩn để đảm bảo đầu ra C1. Khi sinh viên không đủ nền tảng ngôn ngữ nhất định thì việc tiếp thu những kiến thức quá khó so với trình độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Giáo viên cũng đứng trước thách thức làm thế nào để giúp sinh viên vừa xây được nền móng ngôn ngữ vững chắc dựa trên trình độ đầu vào thấp của sinh viên, vừa phải giúp học tăng tốc để đạt chuẩn đầu ra.

Khó khăn tiếp theo liên quan đến thời gian học tập của sinh viên. Sinh viên theo học hai chuyên ngành mà chuyên ngành nào cũng đòi hỏi thời gian học tập nhiều. Vì thế rất nhiều trường hợp sinh viên bị trùng các buổi học ngoại ngữ với buổi thi hoặc với thời gian đi thực địa/ thực tập của chuyên ngành một. Việc nghỉ nhiều buổi học chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng của việc dạy và học và kiểm tra đánh giá.

Hơn nữa, việc thiếu thời gian tự học cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của sinh viên. Một đặc điểm của học ngoại ngữ là việc người học dành thời gian tự học, làm các bài tập về nhà, tự luyện kĩ năng, hay thực hiện các bước của dự án để báo cáo trên lớp là rất quan trọng. Tuy nhiên, sinh viên Bằng kép thường không đảm bảo hoàn thành phần tự học này hay hoàn thành với chất lượng không tốt do phân bố thời gian giữa chuyên ngành một và hai không hợp lí. Thêm vào đó, sinh viên bằng kép đến từ các trường khác nhau nên thời gian biểu bị xung đột, do vậy sinh viên không có thời gian làm cặp hoặc nhóm ngoài giờ học trên lớp thuận lợi như sinh viên học một chuyên ngành.

Phương pháp giảng dạy thích hợp cho sinh viên bằng kép

Theo tác giả, để giảng dạy sinh viên bằng kép thì nên thực hiện theo 3 phương pháp:

Một là linh hoạt trong việc kiểm tra quá trình tự học của sinh viên. Để đảm bảo sinh viên thực hiện tốt việc tự học ở nhà và hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao, giáo viên cần thực hiện những cách kiểm tra linh hoạt. Ví dụ, mỗi tuần, sinh viên được yêu cầu làm bài Nghe và Đọc ở nhà trước khi đến lớp. Giáo viên kiểm tra việc tự học của sinh viên bằng những cách khác nhau như giao cho nhóm học tập và trưởng nhóm kiểm tra tiến độ của từng thành viên, giáo viên trực tiếp kiểm tra phần bài làm trong tài liệu của sinh viên, hay giáo viên kiểm tra sinh viên một phần hay một thông tin bất kì nào đó trong bài tập. Giáo viên cũng nâng cao yêu cầu với sinh viên bằng cách yêu cầu sinh viên tóm tắt lại bài đọc/ nghe, phát biểu cảm nghĩ và liên hệ bản thân với nội dung được đề cập trong bài.

Hơn nữa, để nâng cao ý thức của sinh viên về hoàn thành nhiệm vụ tự học, chương trình được biên soạn theo hướng dành một phần trọng số của điểm môn học cho việc kiểm tra phần tự học. Để thực hiện được việc này, các nhóm môn học thiết kế các bài kiểm tra ngắn (quiz) dựa trên bài nghe/ đọc đã làm trước đó. Ví dụ, với môn 1B, sinh viên sẽ làm 2 bài kiểm tra ngắn với phần nghe và 2 bài với phần đọc ở các tuần 7 và 13 (chiếm trọng số 20% điểm môn học). Một cách khác để kiểm tra việc tự học của sinh viên là yêu cầu về sản phẩm của quá trình tự học. Sản phẩm này có thể là một bài thuyết trình hay một bài viết. Ví dụ, sinh viên bắt buộc phải đọc truyện ở nhà, sau đó lên lớp thuyết trình nêu tóm tắt và cảm nghĩ cá nhân về tác phẩm đó. Thông qua việc yêu cầu sản phẩm là thuyết trình, giáo viên có thể chắc chắn rằng sinh viên đã thực hiện yêu cầu là đọc truyện ở nhà hay chưa.

Hai là kết hợp việc xây dựng nền tảng ngôn ngữ và phát triển kĩ năng. Các hoạt động trên lớp được thiết kế phong phú và có thể thay đổi để phù hợp với đối tượng đa dạng về trình độ. Các hoạt động đa dạng, từ các bài tập và các hoạt động theo hướng nhận biết và bắt chước cho sinh viên ở trình độ thấp. Cho đến hoạt động cho sinh viên ở trình độ cao hơn theo hướng liên hệ và tư duy sáng tạo.

Ví dụ, hoạt động “pronunciation showcase” trong môn 1A là hoạt động theo hướng nhận biết –bắt chước. Trong hoạt động này, sinh viên nghe các bài hội thoại ngắn, sau đó chép lại, và bắt chước phát âm và ngữ điệu của người nói trong bài nghe. Sau đó, lên lớp diễn lại các bài hội thoại đó. Nhiệm vụ này vừa nhằm phát triển kĩ năng nghe, vừa xây dựng nền tảng ngôn ngữ, cụ thể là từ vựng, là những thành ngữ được dùng trong văn nói, và vừa luyện phát âm cho sinh viên. Giáo viên giảng dạy sinh viên bằng kép thông qua hoạt động này có thể chữa lỗi phát âm cho sinh viên rất hiệu quả.

Cũng trong môn 1A, hoạt động theo hướng vừa nhận biết, vừa liên hệ và tư duy sang tạo có trong dự án “Bookworm”. Sinh viên đọc truyện ngắn hay tác phẩm văn học kinh điển thế giới (có thể là nguyên tác hoặc dạng rút gọn), sau đó sinh viên sẽ làm bài kiểm tra mức độ hiểu cốt truyện và hiểu từ vựng trong truyện. Yêu cầu tiếp theo là trình bày theo nhóm, tự do sáng tạo kiểu trình bày như thuyết trình, chương trình hỏi đáp, hay đóng kịch,…miễn là nêu được nội dung chính của tác phẩm và nêu được cảm nghĩ cá nhân với tác phẩm đó. Đối với sinh viên bằng kép, dự án này gây ra nhiều khó khăn vì yêu cầu cao cả về mặt tư duy và ngôn ngữ. Vì thế, giáo viên giảng dạy cần đưa ra những trợ giúp đắc lực như kiến thức nền, thảo luận tác phẩm dựa trên những chủ đề lớn, đưa ra các câu hỏi gợi ý, trợ giúp hàng tuần và mỗi tuần tiếp cận một tác phẩm chứ không phải chỉ giao bài cho sinh viên đọc rồi nghe thuyết trình,…

Ba là tăng cường đánh giá thường xuyên và đánh giá quá trình. Phần kiểm tra đánh giá được xây dựng theo hướng kết hợp cả đánh giá thường xuyên và kiểm tra cuối khóa. Đánh giá thường xuyên đa dạng, từ bài kiểm tra ngắn, bài diễn lại hội thoại mẫu, bài thuyết trình, bài viết hay đóng kịch. Những hoạt động này với những mức yêu cầu khác nhau đã đánh giá được sinh viên trong cả quá trình học tập, tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm. đó là những hoạt động học những cũng là hoạt động đánh giá hiệu quả và chính xác.

Ví dụ, trong môn 1B, sinh viên được học các chức năng ngôn ngữ (language function) trong bài học, và sau đó hoạt động kiểm tra đánh giá cũng là việc sử dụng những chức năng ngôn ngữ vừa học để tiến hành một cuộc thảo luận hay thuyết trình. Hay môn học 1A, sinh viên cũng học các chức năng ngôn ngữ liên quan tới đời sống giao tiếp hàng ngày, và sau đó sinh viên đóng kịch có sử dụng các chức năng ngôn ngữ đã học để chấm điểm. Sinh viên bằng kép luôn được tạo cơ hội học, làm và sửa sai. Giáo viên tạo điểu kiện cho sinh viên được “thử”, không đánh giá với những bài học đầu tiên để tạo cho sinh viên sự tự tin và giúp họ có cơ hội thực hành trước.

Thêm nữa, một biện pháp để khắc phục việc hạn chế trong làm cặp và nhóm của sinh viên bằng kép là giáo viên linh hoạt hơn trong các hình thức đánh giá. Trong một số trường hợp có thể đánh giá cá nhân thay vì kiểm tra đánh giá theo cặp, nhóm. Tuy nhiên, hạn chế của cách làm này là sinh viên bị giảm tương tác và các kĩ năng làm việc cặp nhóm, nhưng ngược lại tăng khả năng làm việc độc lập của sinh viên.

Với những thay đổi như trên, nhìn chung, tác giả Lưu Ngọc Ly cho rằng giáo viên giảng dạy hệ Bằng kép đã phần nào khắc phục được những khó khăn khi giảng dạy ở hệ này. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề chưa được giải quyết như trình độ đầu vào thấp của sinh viên ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra, sự phân bố thời gian không hợp lí của chuyên ngành một và chuyên ngành hai ảnh hưởng tới chất lượng học tập của sinh viên. Điều này có thể được khắc phục bằng việc tổ chức kiểm tra ngoại ngữ đầu vào để tuyển chọn sinh viên có nền tảng ngôn ngữ nhất định vào theo học hoặc để xếp lớp theo trình độ nhằm tránh tình trạng chênh lệch quá lớn ảnh hưởng tới quá trình dạy và học.

Theo Bản tin ĐHQGHN

Facebook Chat Widget by CAIT