Đăng ký nội trú
 

ULISERS hiện thực hóa giấc mơ du học Trung Quốc

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội là ngôi trường đào tạo ngôn ngữ danh tiếng, nơi sinh viên không chỉ được rèn luyện về khả năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện và kỹ năng sư phạm thành thục, mà còn là nơi những mong nguyện đặt chân du học tới miền đất lạ được cất cánh. 

Và những cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc dưới đây là minh chứng cho việc hiện thực hóa giấc mơ đó.

Chu Thị Oanh

Chu Thị Oanh là sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Trung Quốc khóa QH2015. Đến từ Nghệ An, Oanh hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại trường Đại học Sư phạm Hoa Đông Thượng Hải và đi du học Trung Quốc theo diện học bổng toàn phần.

Ảnh chụp trên phố Thượng Hải

Với Oanh, du học là “con đường ngắn nhất” để nâng cao trình độ và nghiệp vụ giảng dạy tiếng Trung Quốc của mình. Việc sinh sống và học tập tại nơi xứ lạ sẽ giúp cô bạn có thêm nhiều trải nghiệm hơn về lối sống, lối sinh hoạt và học tập ở nước ngoài. Ngoài ra, khi nhắc tới điều may mắn giúp mình đạt được suất học bổng toàn phần du học Trung Quốc, Oanh cho biết rằng những năm tháng học tiếng Trung ở ULIS đã giúp thu lượm khối lượng kiến thức nền tảng tiếng Trung vững chắc, và thuận lợi giành được học bổng toàn phần cho hệ Thạc sĩ và Tiến sĩ. Chính cánh cổng du học rộng lớn ấy đã giúp Oanh nâng cao khả năng tiếng Trung, mở mang tầm hiểu biết, đi cùng với đó là khả năng giảng dạy ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, sự giúp đỡ tận tình của thầy cô trong việc cung cấp thư giới thiệu đã giúp cô bạn hoàn thiện hồ sơ và thuận lợi giành được học bổng du học.

Oanh cho biết thêm: “Khi du học, ngoài việc có thể giúp chúng ta nâng cao kiến thức, kĩ năng tiếng, đây còn là cơ hội hiếm có để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, nhằm rèn giũa tư duy và sáng tạo trong học tập cũng như công việc. Những trải nghiệm khi sống ở Trung Quốc cũng giúp chúng ta mở mang tầm nhìn, nâng cao kĩ năng sống, kĩ năng thích nghi và thu về cho mình nhiều kỉ niệm đẹp”.

Trải nghiệm đón Tết ở Trung Quốc: Mỗi học sinh sẽ có rất nhiều quà và được lì xì 300 tệ

Trần Trung

Là sinh viên ngành Sư phạm tiếng Trung, khóa QH.2015. Trung học Thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải và Tiến sĩ tại Đại học Dân tộc Trung Ương ở Bắc Kinh. Đi du học theo diện sinh viên có Học bổng Chính phủ Trung Quốc CSC, cậu bạn mong muốn bản thân có thể nâng cao học vị, kiến thức chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học.

Với Trung, ULIS là “bệ phóng quan trọng” để xây dựng một nền tảng tiếng Trung vững chắc, đi cùng với đó là sự nhiệt huyết và truyền lửa của thầy cô đã phần nào thôi thúc cậu mong muốn theo đuổi một “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” – nghề giáo. “Chính nhờ cuộc sống du học đã giúp mình mở mang thêm nhiều kiến thức cả về học tập lẫn cuộc sống, cũng như nhận thức sâu hơn về tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học, và có thêm nhiều trải nghiệm phong phú về cuộc sống và con người Trung Quốc”.


Tham dự lễ hội giao lưu văn hoá quốc tế SPHD

Bùi Huy Hoàng

Bùi Huy Hoàng, là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khóa QH.2017, định hướng Biên – Phiên dịch. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng nhận được học bổng chính phủ Trung Quốc và hiện đang là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Kỷ niệm tại Kỳ Niên Điện ở Thiên Đàn 

Hoàng cho biết: “Trong quãng thời gian học đại học tại ULIS, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô trong khoa, mình đã tìm thấy niềm đam mê to lớn với công việc giảng dạy và quyết định tiếp tục học nghiên cứu sinh để hiện thực hóa ước mơ trở thành một giáo viên tiếng Trung Quốc. Sau khi đưa ra quyết định nộp hồ sơ du học, thầy cô đã giúp đỡ mình rất nhiều, đặc biệt trong việc cấp thư giới thiệu cũng như chỉnh sửa kế hoạch học tập. Khi mình sang đến Bắc Kinh, cũng nhờ kinh nghiệm các thầy cô đi trước đã truyền lại mà cuộc sống tại Bắc Kinh của mình dễ dàng đi vào ổn định và có những trải nghiệm vô cùng khó quên”.

Đối với cậu bạn, thời gian du học tại Trung Quốc là “tài sản” vô cùng quý báu mà bản thân tích lũy được, để củng cố thêm kiến thức và kinh nghiệm sống thực tế cho mình. Hoàng cũng hy vọng rằng, khi đứng trên bục giảng, cậu sẽ sớm có cơ hội kể lại những kỉ niệm này cho học sinh tương lai của mình, cũng giống cách các thầy cô ở ULIS đã truyền tải những trải nghiệm đẹp về đất nước, văn hóa và con người Trung Hoa của bản thân mình, và tiếp ngọn lửa đam mê cho cậu như trước đây vậy.

Thuyết trình về các kiến trúc liên quan đến Olympic Bắc Kinh 2008 và 2022

Chụp ảnh tại Khu phức hợp thể thao trên băng tại Bắc Kinh

Lưu Thị Phúc

Là sinh viên Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, khóa QH.2017, quê Bắc Ninh, Phúc hiện đang du học theo diện học bổng toàn phần của chính phủ Trung Quốc, CSC tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Bắc Kinh, Trung Quốc. Với mong muốn đi du học để phát triển bản thân, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn, trải nghiệm và tìm hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc, Phúc đã quyết định đặt bước chân vào thế giới của những sinh viên du học xa nhà nơi xứ lạ – Trung Quốc, để thỏa mãn ước mơ lớn của mình.

Tham quan Thiên Đàn – một biểu tượng kiến trúc của Bắc Kinh

Khi nhắc tới những điều mà ULIS đã mang lại cho mình, Phúc chia sẻ: “Những kiến thức chuyên ngành mình tích lũy trong bốn năm học tại ULIS chính là vốn quý báu để mình có thể dự tuyển thành công Học bổng chính phủ và thực hiện hóa ước mơ du học. Trong suốt quá trình thực hiện thủ tục đi du học, mình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô giáo trong việc viết thư giới thiệu, cũng như góp ý để hồ sơ của mình hoàn thiện hơn. ULIS thật sự là hậu phương vững chắc đầy trân quý trên hành trình du học của mình.”

Tham gia hoạt động 诵读 nhân kỷ niệm ngày tiếng Hán quốc tế

Ngoài ra, Phúc cũng nói thêm về quãng thời gian du học của mình. Phúc cho biết du học không chỉ giúp cô bạn học hỏi thêm nhiều kiến thức, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành Giáo dục hán ngữ, mà còn trao cho Phúc rất nhiều cơ hội gặp gỡ và làm quen bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới, nhằm mở mang tầm nhìn cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm. “Mình có rất nhiều dịp trực tiếp trải nghiệm và khám phá thêm về văn hóa và con người Trung Quốc. Tất cả những điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho mình trong tương lai khi trở thành một giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc”.

Tham gia lễ hội Văn hoá do trường tổ chức cùng bạn học

Hoàng Thị Chung

Hoàng Thị Chung là sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Trung, khóa QH.2017, đền từ Thanh Hóa. Hiện Chung đang du học tại Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông – Thượng Hải theo diện Học bổng Khổng Tử CIS.

Chia sẻ về động lực thúc đẩy bản thân đi du học, Chung cho biết xuất phát từ chính là từ tính cách bản thân – năng động và khả năng ham học hỏi, luôn muốn tìm tòi bản thân ở nhiều môi trường khác nhau và mong muốn được trải nghiệm cảm giác mới lạ đã thôi thúc cô bạn.

 Ảnh chụp tại khuôn viên trường Đại Học Sư phạm Hoa Đông cơ sở Minhang: 闵行校区

“Trước khi bước vào Đại học, quả thực, mình chưa từng có định nghĩa về “du học. Thậm chí lúc đầu chọn học tiếng Trung cũng được xem là một “sự cố may mắn” trong cuộc đời mình. Nhưng sau khi đến ULIS, nhận thức cũng như thế giới quan của mình đã thay đổi rất nhiều. Mình được tiếp xúc với nhiều bạn bè, anh chị, thầy cô rất giỏi và toàn diện về mọi mặt. Trong đó có những anh chị khóa trên đã đi du học. Mình có theo dõi các anh chị và thấy thật sự rất tò mò về cuộc sống du học, rất muốn được trải nghiệm cảm giác khám phá một đất nước mới sẽ như thế nào”.

Hơn nữa, Chung cũng chia sẻ rằng trong quá trình học tiếng Trung, thông qua quá trình truyền đạt và giảng dạy tâm huyết của các thầy cô khoa Trung ULIS, cô bạn ngày càng hiểu và yêu hơn văn hóa cũng như ngôn ngữ mà mình đang theo học. Vậy nên cậu mới quyết định tìm cơ hội để được đi du học và khám phá những điều mới mẻ.

Hoạt động trường tổ chức cho sinh viên đi thăm quan: 上海 洋山港

(Ảnh chụp tại: 上海 洋山深水港 – Cảng Dương Sơn – một cảng biển phía Nam Thượng Hải)

Nhắc tới những điều may mắn mà cậu nhận được từ ULIS, Chung nói: “Từ khi còn được ngồi trên ghế nhà trường, mình có nhiều cơ hội tham gia những chương trình tư vấn về du học do Khoa, Trường cũng như Viện Khổng Tử tổ chức. Chính những buổi tọa đàm như thế đã giúp mình hiểu hơn về du học. Đến năm cuối, khi gần tốt nghiệp, mình quyết định làm hồ sơ xin học bổng. Mình tin rằng, với những kiến thức về ngôn ngữ đã được trang bị trong gần bốn năm tại ULIS, cũng như việc tham gia tương đối nhiều các hoạt động và các cuộc thi của nhà trường sẽ giúp mình đạt được học bổng thuận lợi hơn. Mình có quyết tâm thử sức mình ở hai loại học bổng là học bổng Khổng Tử CIS và học bổng chính phủ Trung Quốc CSC. May mắn thay, mình đỗ cả hai học bổng và cuối cùng mình quyết định chọn Thượng Hải là bến đỗ cuối cùng của bản thân.”

Hoàn thiện giấc mơ du học tại một đất nước mà bản thân vô cùng yêu thích, thế nhưng dịch bệnh COVID 19 lại cản bước cô bạn một khoảng thời gian dài học trực tuyến ở nhà, quả thực, bản thân Chung cảm thấy rất tiếc nuối và hụt hẫng. Thế nhưng, điều gì tốt đẹp rồi sẽ đến. “Đến năm hai, khi dịch bệnh đã phần nào được thuyên giảm, Trung Quốc mở lại cửa biên giới, mình đã thực sự bắt đầu trải nghiệm cuộc sống du học ở Thượng Hải. Đến trường, mình được tham gia rất nhiều hoạt động từ tham quan các bảo tàng lớn, học pha trà theo kiểu truyền thống Trung Quốc, đi tham quan cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn tại Thượng Hải và vô cùng nhiều những hoạt động trải nghiệm văn hóa khác. Ngoài ra, mình có cũng dịp đi chơi khám phá những thành phố khác như Hàng Châu, Tô Châu, cũng như tham gia đi phiên dịch tại các triển lãm, hội chợ lớn tại Thượng Hải. Điều này giúp mình tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, quen được những người bạn mới và khám phá được nhiều điều mới mẻ.”

Hoạt động: 中国茶文化传承喝体验 – Hoạt động tìm hiểu văn hóa trà Trung Quốc

(Ảnh chụp tại phòng 中国文化实验室 phòng thực nghiệm văn hóa Trung Quốc – Trường ĐHSP Hoa Đông)

Chia sẻ với những bạn đang có ý định đi du học, Chung gửi gắm một câu nói mà bản thân vô cùng tâm đắc: “Nếu cửa sổ nhà cậu nhỏ quá, hãy đi ra ngoài và mở cánh cửa lớn hơn bằng đôi mắt.” “Không biết tương lai phía trước như thế nào, nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, hành trình này đã và đang cho mình rất nhiều trải nghiệm. Nó giúp cho mình vững vàng hơn về mặt suy nghĩ, đồng thời mở rộng thêm những mối quan hệ mới. Từ ấy, thế giới quan của mình cũng được mở rộng hơn. Vậy nên, chúng ta hãy cứ đi và tiếp tục khám phá thế giới này. Chúc các bạn, các em sẽ có bốn năm thật tuyệt vời tại ULIS và có một hành trình du học thật nhiều trải nghiệm.”

Nguyễn Võ Nguyệt Minh

Nguyễn Võ Nguyệt Minh là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung định hướng Kinh tế, khóa Qh.2017. Hiện Minh đang du học tại Đại học Vũ Hán ở Hồ Bắc theo diện Học bổng toàn phần CSC.

Chia sẻ về lý do tham gia chương trình du học, Minh cho biết: “Nhờ vào chương trình trao đổi một năm của ULIS, năm 2019 là lần đầu tiên mình được ghé chân tới Trung Quốc. Có lẽ không một từ ngữ nào có thể diễn tả sự  biết ơn của mình lúc ấy, vì ULIS đã hiện thực hóa giấc mơ được bước chân qua đất nước mà từ lâu mình đã vô cùng yêu thích.”

Từ một con người không yêu thích tiếng Trung, sau một quãng thời gian “miệt mài” với con chữ và văn hóa nơi đây thông qua lời kể và kiến thức bản thân trang trải được tại giảng đường ở ULIS, Minh đã trở thành một người có niềm yêu thích sâu sắc với tiếng Trung và với đất nước đẹp đẽ này. “Một năm đó đủ để mình quyết tâm nhất định phải đặt chân quay lại Trung Quốc thêm lần nữa để tận hưởng cuộc sống du học sinh ở nơi đây”.

Tiếng Trung với Minh là cái duyên, chính là nhờ vào “bà mối” duyên tơ ULIS. “Năm 2017, khi mình bước chân vào trường, những gì mình biết về tiếng Trung chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Thế nhưng sau bốn năm học, điều mình đạt được là kiến thức về ngôn ngữ, về văn hoá và con người Trung Quốc. Đây thực sự là điều khiến bản thân mình vô cùng biết ơn và trân trọng. Thế nên, khi qua Trung Quốc du học, mình không gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngôn ngữ lẫn văn hoá nơi đây chính là nhờ vào sự đào tạo trong bốn năm học của các thầy cô ở ULIS”.

Checkin cổng trường Đại học Vũ Hán

Chia sẻ về những trải nghiệm mà bản thân tích lũy được sau thời gian dài tại Trung Quốc và những định hướng trong tương lai, Minh cho biết: “Trải nghiệm mà mình có khi bước chân qua Trung Quốc du học vô cùng mới mẻ. Đó là những lần đầu mình được đi tàu điện ngầm, đi tàu cao tốc, lần đầu được trải nghiệm cuộc sống không tiền mặt (thậm chí ăn xin cũng dùng QR code,…), và còn rất nhiều những lần đầu thú vị khác nữa.

Minh cũng chia sẻ rằng sau khi qua Trung Quốc, cô bạn cũng được đi du lịch rất nhiều nơi, tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hoá Trung Quốc. Điều này rất có ích với định hướng tương lai sau này của cô bạn là trở thành giáo viên dạy tiếng Trung. Minh có thể chia sẻ cho học sinh mình những trải nghiệm của bản thân để học sinh có thể hiểu biết nhiều hơn về đất nước và con người Trung Quốc.

 Mùa hoa anh đào tại trường Đại học Vũ Hán

Hương Giang

Facebook Chat Widget by CAIT