TIN TỨC


“Mọi điều thú vị trong cuộc sống đều bắt đầu từ Ngoại ngữ!”

Anh Nguyễn Xuân Tuyến là cựu sinh viên K33 Khoa Anh. Từng là thư ký của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hiện anh đang đảm nhiệm cương vị Hàm Vụ phó Vụ Nông nghiệp Văn phòng Chính phủ. Hãy lắng nghe anh chia sẻ về chuyện nghề và những cơ hội có được từ ULIS nhé!

Học Ngoại ngữ ra làm được gì?

Đây là câu hỏi hóc búa tôi đặt ra cho mình từ hơn 20 năm trước, khi còn là cậu học sinh trường chuyên, chỉ thạo mỗi việc viết lại câu, chia động từ, nhớ các cụm thành ngữ… Câu hỏi theo tôi suốt 4 năm học tập tại ULIS, và tôi chỉ dần có câu trả lời khi trải nghiệm nhiều công việc khác nhau.

 

Là sinh viên chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh, tôi được đắm mình trong môi trường tiếng Anh học thuật chuẩn mực, với những kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hoá Anh, Mỹ và các nước nói tiếng Anh; được rèn luyện từ căn bản đến nâng cao những kỹ năng thực hành tiếng, thuyết trình, thương thảo, các kỹ năng văn phòng… Học Ngoại ngữ cũng cho tôi sự tự tin, phông kiến thức xã hội khá rộng, xu hướng “mở”, khả năng giao tiếp tương đối tốt… Nói một cách nôm na là nói được, chơi được, làm được. Tôi cũng từng là cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, và thấy mình làm cũng tạm. Tôi cảm nhận rằng, hình như sinh viên ULIS nào cũng có thể làm cán bộ Đoàn – Hội giỏi.

Rời ULIS, những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm từ Ngoại ngữ trở thành chiếc “chìa khoá vạn năng”, mở ra nhiều cánh cửa sau này. Những cánh cửa, trong nhiều trường hợp, nếu chỉ nhìn qua sẽ không thấy có nhiều sự liên quan với nhau. Sợi dây xuyên suốt chính là vốn ngoại ngữ và sự nhanh nhạy, khả năng thích nghi nhanh của “dân ngoại ngữ”.

Ra trường, nhờ cơ duyên từ đi làm gia sư tiếng Anh, tôi được mời về Hãng phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó, với vốn tiếng Anh khá và sự nhanh nhẹn khi làm bài IQ test, tôi trúng tuyển vào làm việc tại Phòng Kinh doanh Thương mại của Công ty Bay dịch vụ Hàng không. Ngoại ngữ giúp tôi nhanh chóng nắm bắt kiến thức chuyên ngành để hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng nhờ tiếng Anh, tôi chuyển hướng sang làm báo tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Phương châm của người đứng đầu VTC khi ấy là ưu tiên tuyển người tốt nghiệp các trường “Ngoại”. Lý do là, những người giỏi ngoại ngữ thì có thể chỉ cần xem các chương trình quốc tế để tự học cách làm, tự thực hành “ngon lành” mà chưa cần qua các trường lớp chuyên ngành. Còn nhớ, những năm 2004 – 2008, VTC đã có giai đoạn phát triển rực rỡ với nòng cốt là những “lính chiến” gốc gác dân “ngoại”, tự học nghề. Tất nhiên, ngoại ngữ phải kèm theo ý thức tự rèn luyện. Tại VTC, tôi bắt đầu từ mảng Công nghệ thông tin, sau chuyển Thể thao, Thị trường Chứng khoán, Thời sự, rồi làm phóng viên chuyên trách Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Chuyển công tác về Văn phòng Chính phủ, tôi tiếp tục làm chuyên trách báo chí cho các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (tài chính – ngân hàng) và Trịnh Đình Dũng (các ngành sản xuất). So với đồng nghiệp, tôi lợi thế hơn một chút, chính là vốn ngoại ngữ và những gì ngoại ngữ mang lại, giúp tôi tự tin tác nghiệp bình đẳng với phóng viên quốc tế.

Cũng chính nhờ ngoại ngữ, tôi được trao học bổng của Chính phủ Nhật Bản (JDS) cho khoá học Thạc sĩ 2 năm tại Tokyo, ngành Chính sách Công.

Trên cương vị Thư ký Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, một trong các lĩnh vực tôi được giao phụ trách giúp việc Phó Thủ tướng là đối ngoại, và mấu chốt vẫn là ngoại ngữ.

Từ những trải nghiệm bản thân, tôi có trả lời câu hỏi đã nêu rằng, học ngoại ngữ để làm được mọi việc, làm tốt nhiều việc. Một cách hình ảnh, tôi không coi vốn tiếng Anh của mình là cái cưa hay chiếc đục – những công cụ lao động giản đơn, mà coi đó là cây bút, để cùng với những kiến thức và kỹ năng chuyên môn khác, viết nên nhiều câu chuyện thú vị hơn.

Với tôi, mọi điều thú vị trong cuộc sống đều bắt đầu từ Ngoại ngữ!