TIN TỨC


Giới thiệu Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á

Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á là một bộ môn trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, Bộ môn tham gia đào tạo ngôn ngữ thuộc các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào,… như ngoại ngữ hai cho sinh viên của Trường.

1.Giới thiệu chung

Năm 2001, tiếng Thái bắt đầu được giảng dạy tại trường như Ngoại ngữ 2 dưới sự hợp tác của các chuyên gia người Thái. Ban đầu chỉ có 30 sinh viên đăng ký học. Qua thời gian, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà trường; sự giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, đội ngũ cán bộ và sinh viên của trường ngày một đông hơn. Tính đến nay, đã có hơn 400 sinh viên học tiếng Thái như ngoại ngữ 2, trong đó có nhiều sinh viên đã ra trường hiện đang làm việc tại các cơ quan như Đại sứ quán Thái tại Hà Nội, Lãnh sự quán Thái tại TPHCM, Thương vụ Thái Lan, Đài tiếng nói Việt Nam và 1 số công ty của Thái Lan ở Việt Nam.

Bộ môn NN&VH Đông Nam Á chính thức được thành lập từ ngày 24 tháng 1 năm 2019, trở thành một Bộ môn riêng biệt trực thuộc trường. Hiện nay Bộ môn có 4 giảng viên: 2 giảng viên tiếng Thái và 2 giảng viên tiếng Lào. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tuyển dụng thêm 2 giảng viên tiếng Thái để củng cố đội ngũ giảng viên của Bộ môn.

Bộ môn NN&VH Đông Nam Á có quan hệ tốt và thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan. Sinh viên học tiếng Thái của trường tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức như: Chương trình giao lưu sinh viên Thái Lan – Việt Nam; Lễ hội Thailand Day. Đặc biệt, tham gia cuộc thi Hùng biện tiếng Thái Lan toàn quốc do Đại sứ quán Thái Lan tổ chức, sinh viên của trường ĐHNN-ĐHQGHN đều đạt được giải cao.Ngoài ra, hàng năm Bộ Ngoại giao Thái Lan cấp học bổng cho 10 sinh viên đi thăm quan, học tập tại trường Đại học Srinakharinwirot, Bangkok trong thời gian 1 tháng.

Đội ngũ giảng viên của Bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á

 2.Lời ngỏ từ Trưởng Bộ môn

“Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á mong muốn cùng người học khám phá và chiếm lĩnh kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa của các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào. Hiện nay sau khi cộng đồng kinh tế Asean được thành lập, các quốc gia trong Đông Nam Á ngày càng mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực thì việc học thêm một ngoại ngữ hiếm như là tiếng Thái Lan hay tiếng Lào bên cạnh ngoại ngữ chính mà các em đang theo học không chỉ giúp các em hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa của nước láng giềng gần gũi mà còn mang lại những cơ hội mới về việc làm trong tương lai.” _ThS. Nguyễn Thị Vân Chi

3.Triển vọng nghề nghiệp

Sau khi học các môn ngoại ngữ 2 tiếng Thái, tiếng Lào, kết hợp cùng ngoại ngữ chính mà sinh viên theo học tại trường ĐHNN -ĐHQGHN, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trở thành:

  • Cán bộtrong các cơ quan chính phủ trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chính trị, thương mại, quân sự…
  • Nhân viêntrong Đại sứ quán Thái Lan, Lào
  • Giảng viêntiếng Việt trong các trường Đại học bên Thái
  • Hướng dẫn viêndu lịch cho các công ty du lịch
  • Phiên dịch viêntrong các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

4.”Tâm thư”

 Th.S. Nguyễn Mai Phương- Giảng viên tiếng Thái

“Đã 15 năm trôi qua từ ngày đầu tiên tôi được học tiếng Thái tại trường ĐHNN – ĐHQGHN. Hồi mới bắt đầu học, như tâm lý chung của nhiều bạn khác, tôi thấy sợ và lo lắng lắm, vì thấy chữ tiếng Thái nhìn không khác gì “giá đỗ” với “mỳ tôm”. Ấy thế mà càng học lại càng thấy tiếng Thái sao mà gần gũi với tiếng Việt đến lạ, không chỉ là sự tương đồng về cấu tạo từ, thanh điệu, cách ghép vần mà còn cả ngữ pháp, cách diễn đạt và nhiều phương diện khác nữa. Và cứ thế, với sự chỉ dạy ân cần và tận tâm của các thầy cô giáo, tiếng Thái cứ dần dần “ngấm” vào tôi một cách tự nhiên tự bao giờ không hay. Vì vậy mà sau khi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm tiếng Anh Chất lượng cao, tôi quyết định đi học tiếp Thạc sỹ về Giảng dạy tiếng Thái cho người nước ngoài tại trường đại học Srinakharinwirot, Bangkok, Thái Lan, với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc giới thiệu thứ ngôn ngữ và văn hóa của một đất nước mà tôi gắn bó tới với nhiều sinh viên ULIS nói riêng và các bạn trẻ Việt Nam nói chung. Rất mong ngày sẽ càng có nhiều thế hệ sinh viên ULIS yêu thích và đam mê tiếng Thái hơn nữa”

 Phoumphithath OUPASEUTH – Giảng viên tiếng Lào

“Tôi cảm thấy rất may mắn và vui mừng khi được trở thành giảng viên tại ULIS, có những anh chị đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi làm quen với môi trường mới. Bộ môn NN&VH Đông Nam Á được thành lập cách đây không lâu và tôi cảm thấy rất hân hạnh khi được giảng dạy ngôn ngữ của quốc gia mình và giới thiệu nền văn hóa của đất nước Lào cho các bạn sinh viên tại ngôi trường này. Tôi sẽ cố gắng cháy hết mình vì công việc và truyền lửa đam mê cho các em sinh viên học tốt ngôn ngữ mới này.”

  Lê Văn Khải – Giảng viên tiếng Lào

“Mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam Lào đang ngày càng được hai Đảng – Nhà nước củng cố và thắt chặt, mối quan hệ mật thiết về chính trị và cả kinh tế, xã hội giữa hai nước đang ngày càng đơm hoa. Ngoài ra, về mặt kinh tế, Việt Nam ta là một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu vào CHDCND Lào trên cơ sở đối tác chiến lược và toàn diện. Những yếu tố đó là cơ sở cho việc thành lập và giảng dạy tiếng Lào của Bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á trường Đại học Ngoại ngữ Đại học quốc gia Hà Nội chúng ta ngày nay. Với đội ngũ giáo viên am hiểu, có nhiều năm học tập và nghiên cứu ngôn ngữ Lào. Ngôn ngữ và văn hóa Lào sẽ trở nên gần gũi và dễ dàng hơn bao giờ hết đối với các bạn sinh viên.Từ đó, với hành trang kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Lào, các bạn sẽ trở thành một phần đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị Việt Lào thêm gắn bó, sâu sắc trong tương lai, đúng như những lời mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói

Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long

Chúc các bạn học tập với lòng đam mê và đạt nhiều thành công trong tương lai.”

6.Các hình ảnh hoạt động

Ảnh Nhà trường đón tiếp Đại sứ Thái Lan đến thăm và làm việc

Ảnh Phó Hiệu Trưởng Ngô Minh Thủy tham dự Lễ kỷ niệm Chương trình giao lưu Thanh niên Việt Nam-Thái Lan do Đại sứ quán Thái Lan tổ chức

Ảnh sinh viên học tiếng Thái tham gia khóa học mở rộng tại trường Đại học Srinakharinwirot, Bangkok, Thái Lan

  

Ảnh sinh viên ULIS tham gia Cuộc thi hùng biện tiếng Thái toàn quốc

 7.Thông tin liên hệ

Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á
Địa chỉ: P401 Tầng 4 nhà A1, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: máy bàn: 02462966359
Fanpage: https://www.facebook.com/tiengthaiulis/