GDVN – Tuy học một chương trình, nhưng sinh viên được cấp mã sinh viên và hưởng quyền lợi ở cả 2 cơ sở giáo dục của Mỹ và Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam trên trường quốc tế, lĩnh vực kinh tế nói chung và kinh tế – tài chính nói riêng nhận được sự quan tâm đông đảo từ mọi người.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học lựa chọn tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành Kinh tế – Tài chính để phục vụ nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
Chương trình đào tạo liên kết quốc tế do Mỹ cấp bằng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền – Trưởng Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo ngành Kinh tế – Tài chính của đơn vị này là chương trình liên kết quốc tế, được Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đào tạo với Trường Đại học Southern New Hampshire (Mỹ).
“Ngành học này được tuyển sinh dựa trên nhu cầu của người học và bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam thời điểm những năm 2010. Khi đó, nhiều học sinh và phụ huynh có nhu cầu cho con được tiếp cận những nền giáo dục mới, có thể sử dụng ngoại ngữ học các môn chuyên ngành để gia tăng cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài.
Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2010, ngành Kinh tế – Tài chính được tuyển sinh và đào tạo tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội” – Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền thông tin thêm.
Mục tiêu đào tạo của ngành học này là giúp sinh viên có kiến thức, chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính; có sự hiểu biết vượt trội, đa chiều về thị trường, nền kinh tế Việt Nam và thế giới; đồng thời, sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công việc.
Điểm cộng của chương trình đào tạo ngành Kinh tế – Tài chính này là cả cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đều được kiểm định bởi những tổ chức kiểm định uy tín trên thế giới. Được biết, chương trình ngành Kinh tế – Tài chính này được kiểm định bởi NECHE (New England Commission of Higher Education – Ủy ban Giáo dục đại học vùng New England); và được ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs – Hội đồng Kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh) kiểm định chương trình đào tạo.
Mặc dù là chương trình đào tạo do trường bên Mỹ cấp bằng, nhưng quá trình đào tạo lại được giám sát chặt chẽ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội, nên bằng tốt nghiệp của sinh viên vừa có giá trị quốc tế, lại vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.
Điều này cũng có nghĩa, học một chương trình nhưng sinh viên được cấp mã sinh viên và hưởng quyền lợi của cả 2 cơ sở giáo dục, là Trường Đại học Southern New Hampshire và Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nói thêm về sự phối hợp giữa hai cơ sở giáo dục trong việc đào tạo ngành học, cô trưởng khoa cho biết, 40% giảng viên của ngành học là do phía Trường Đại học Southern New Hampshire cử sang Việt Nam giảng dạy. Các môn học còn lại sẽ do giảng viên Bộ môn Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và giảng viên thỉnh giảng tại các trường đại học trong lĩnh vực về kinh tế, tài chính của Việt Nam đảm nhận.
Ngoài ra, sinh viên theo học chương trình này còn có cơ hội được học 6 – 12 tháng tại Trường Đại học Southern New Hampshire, tham gia lớp học tại Mỹ (nhưng chỉ phải đóng học phí bằng mức ở Việt Nam thay vì phải đóng học phí cao như những sinh viên Mỹ khác).
Hiện nay, học phí ngành học này khi học tại Việt Nam là 2.500 USD/năm trong khi học phí tại Mỹ là 29.300 USD/năm (học phí ngành không thay đổi, chỉ thay đổi theo tỉ giá USD từng giai đoạn).
Là sinh viên năm 4 ngành học này của trường, Hà Kiều Linh cho biết, bản thân khá phân vân giữa lựa chọn học ngoại ngữ hay học kinh tế khi chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
“Vì cả hai khối ngành này đều quan trọng và có nhiều cơ hội cho tương lai, nên mình đã cân nhắc, tìm hiểu thông tin rất kỹ. Trong quá trình ấy, mình biết đến ngành Kinh tế – Tài chính của Trường Đại học Ngoại ngữ. Nhận thấy ngành học đáp ứng cả 2 yêu cầu mà mình mong muốn, nên mình đã đặt nguyện vọng” – bạn Kiều Linh chia sẻ.
Chia sẻ thêm về quá trình học tập, Kiều Linh cho rằng chương trình học khá thú vị và đa dạng. Ngoài các học phần về kinh tế, tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp, sinh viên còn được tham gia các học phần về cảm thụ âm nhạc, marketing…
Tuy nhiên, sinh viên này cho rằng đây không phải là một ngành học dễ. Bởi đặc thù ngành học đòi hỏi kiến thức toán học và phân tích, nên nếu không học tốt Toán sẽ là một thách thức.
“Ngoài ra, mình từng gặp khó khăn trong việc học tập với giảng viên nước ngoài ở giai đoạn đầu. Một số môn, mình không bắt kịp với tốc độ giảng dạy của giảng viên nên cảm thấy khó hiểu và bị nản chí. Đây không phải là khó khăn của riêng mình, mà là khó khăn của chung nhiều sinh viên khi mới theo học ngành này.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn đó, Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ của trường đã tổ chức các lớp trợ giảng miễn phí bằng tiếng Việt. Trong các buổi trợ giảng này, sinh viên được giải đáp thêm để hiểu rõ những kiến thức chưa kịp tiếp thu. Mình nghĩ đây là một giải pháp tốt để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập mà không phải chương trình liên kết quốc tế nào cũng có được” – bạn Hà Kiều Linh cho hay.
Chia sẻ thêm về vấn đề hỗ trợ sinh viên còn yếu về ngoại ngữ, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm: “Đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, sinh viên của ngành học cần phải đạt điều kiện tiếng Anh trình độ Bậc 4 (tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu ngoại ngữ chung Châu Âu) thông qua việc thi các chứng chỉ ngoại ngữ thông qua việc thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, VSTEP, TOEFL…
Trong trường hợp trình độ tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu đạt trình độ bậc 4, sinh viên có thể tham dự 1 – 2 khóa tiếng Anh tăng cường để chuẩn bị kiến thức và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ như yêu cầu.
Sinh viên ngành Kinh tế – Tài chính có khả năng thực chiến tốt
Được biết, ngành Kinh tế – Tài chính tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội được đưa vào hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên thí sinh có thể đặt nguyện vọng xét tuyển vào ngành học này trên cổng thông tin xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong 5 năm gần đây, ngành Kinh tế – Tài chính của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh khoảng 300 – 400 sinh viên/khóa. Dự kiến, năm 2024, trường tuyển sinh 350 chỉ tiêu.
Theo thống kê của phóng viên, trong 6 năm gần đây (từ 2018 – 2023), mức điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành học này của trường dao động từ 19.07 – 26.68 điểm. Cụ thể, năm 2018 là 22 điểm, 2019 là 19.07 điểm, 2020 là 24.86 điểm, 2021 là 26 điểm, 2022 là 24.97 điểm và 2023 là 26.68 điểm.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 10 khóa sinh viên tốt nghiệp ngành học này. Qua khảo sát của trường, có đến 98% sinh viên có việc làm (sau 3 tháng tốt nghiệp) tại các ngành nghề như: tài chính, đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, truyền thông, marketing…
“Sinh viên theo học ngành Kinh tế – Tài chính của trường là những sinh viên được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, hơn nữa, sinh viên còn sử dụng thông thạo ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh). Đây là một điểm mạnh của sinh viên khi theo học chương trình đào tạo liên kết quốc tế ngành Kinh tế – Tài chính của Trường Đại học Ngoại ngữ so với sinh viên chuyên về ngôn ngữ hoặc chuyên về kinh tế, tài chính, giúp các em mở rộng cơ hội việc làm” – Tiến sĩ Hiền nhận định.
Anh Trần Ngọc – cựu sinh viên ngành Kinh tế – Tài chính, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện là Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty chứng khoán VPS cho biết: “Bản thân là một sinh viên trưởng thành từ ngành học, lại may mắn được thầy/cô hướng dẫn và chọn đúng môi trường làm việc nên đã đạt một số thành tích nhất định trong công việc.
Vì vậy, tôi luôn mong muốn có thể trở thành cầu nối giữa nhà trường và công ty, vừa giúp sinh viên của ngành Kinh tế – Tài chính của trường tìm được môi trường làm việc phù hợp, vừa giúp công ty tuyển dụng và đào tạo những ứng cử viên sáng giá”.
Hiện nay, bên cạnh việc tuyển dụng sinh viên ngành học này tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty chứng khoán VPS cũng tuyển dụng sinh viên của nhiều cơ sở giáo dục đại học khác.
Sinh viên ngành Kinh tế – Tài chính có thể thực tập và làm việc tại nhiều vị trí như: môi giới chứng khoán, truyền thông, chuyên viên phân tích kĩ thuật và chuyên viên phân tích cơ bản,…
“Mức lương trung bình của các bạn sinh viên mới ra trường làm mảng truyền thông, phân tích dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Còn với các bạn là môi giới, mức lương sẽ cao hơn, bởi bên cạnh lương cứng, các bạn còn có chi phí hoa hồng. Trung bình, nhân viên chính thức tại VPS đều có thu nhập trên mốc 20 triệu đồng/tháng.
Với những bạn nổi trội, biết xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội (như Youtube, Tiktok…) và chuyển đổi tốt thì còn thu nhập đạt 9 chữ số và có thể phát triển lên vị trí quản lý” – anh Trần Ngọc thông tin thêm.
Đánh giá thêm về khả năng của sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế – Tài chính, anh Ngọc nhận thấy đây là những sinh viên được đào tạo bài bản, có kiến thức nền tảng vững vàng về kinh tế, tài chính doanh nghiệp, kế toán, phân tích đầu tư, phân tích dự án… Hiểu biết về quản lý tài chính, phân tích số liệu và đặc biệt là sự nhạy bén với thị trường tài chính là những yếu tố quan trọng để các bạn có thể bắt nhịp tốt với môi trường làm việc.
Bên cạnh đó, khi làm việc trong lĩnh vực này, khả năng thực chiến là rất quan trọng. Ngoài kiến thức lý thuyết, cần có kỹ năng thực hành thông qua thực tập, dự án thực tế, hoặc các hoạt động ngoại khóa liên quan ngành học.
Về mảng này, anh Ngọc đánh giá sinh viên ngành Kinh tế – Tài chính Trường Đại học Ngoại ngữ có nhiều lợi thế, vì các bạn rất năng động và được nhà trường tạo điều kiện cho tham gia nhiều hoạt động để nâng cao kỹ năng thực tế trong quá trình học tập.
“Tuy nhiên, cũng cần xem xét tới những thách thức mà các bạn sinh viên mới ra trường khi làm trong lĩnh vực này có thể gặp phải. Bởi sự cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế, tài chính rất lớn, nên sẽ đòi hỏi người làm việc trong lĩnh vực này liên tục học hỏi và nâng cao hiểu biết của mình.
Trong thời đại công nghệ, việc có kiến thức vững về công nghệ thông tin và biết cách sử dụng các thiết bị công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc chắc chắn sẽ là lợi thế cạnh tranh của sinh viên mới ra trường.
Ngoài ra, trong công việc liên quan đến tài chính và chứng khoán, việc giao tiếp hiệu quả với các đối tác, khách hàng và đồng nghiệp là rất quan trọng. Vậy nên đối với những sinh viên không có kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề tốt sẽ là một rào cản lớn. Do đó, để công việc có hiệu quả, sinh viên cần trau dồi những kỹ năng trên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường” – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty chứng khoán VPS cho biết thêm.