Đầu tháng 3/2024, Quyết định số 585/QĐ-ĐHQGHN về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy, thạc sĩ chính quy, tiến sĩ năm 2024 cho các đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được ban hành. Theo đó, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, Trường Đại học Ngoại ngữ tuyển sinh 2.350 sinh viên, tăng 400 chỉ tiêu và tuyển sinh thêm ngành Sư phạm tiếng Đức (mở cách năm) so với năm 2023.
Cụ thể, chỉ tiêu chương trình đào tạo chuẩn là 2.000 và liên kết quốc tế là 350. 9 CTĐT ngành Ngôn ngữ là: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Ả Rập, Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia. 5 CTĐT ngành Sư phạm bao gồm: Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm tiếng Trung Quốc, Sư phạm tiếng Đức, Sư phạm tiếng Nhật, Sư phạm tiếng Hàn Quốc. Trường tuyển sinh 01 CTĐT quốc tế liên kết với Đại học Southern New Hampshire (Hoa Kỳ) là Kinh tế – Tài chính.
Trường giữ ổn định bốn phương thức xét tuyển như năm ngoái gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ; Xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nhiều nhất với 1.000 chỉ tiêu.
Ở phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, ngoài áp dụng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thí sinh có giải quốc gia, quốc tế, trường xét hai nhóm thí sinh khác. Một là thí sinh dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; thành viên đội tuyển quốc gia thi khoa học, kỹ thuật quốc tế. Các em cần có hạnh kiểm tốt trong ba năm học THPT và có điểm thi tốt nghiệp đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành (mức này sẽ công bố sau). Hai là nhóm thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; kỳ thi Olympic, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội môn Ngoại ngữ; kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Riêng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp địa phương cần có học lực giỏi, điểm trung bình chung ba năm đạt từ 8,5 trở lên. Với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, trường xét thí sinh có chứng chỉ VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) từ B2 trở lên, do trường tổ chức; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5, TOEFL iBT từ 72 hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác từ B2 trở lên. Những thí sinh này phải có tổng điểm thi tốt nghiệp hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển từ 14 điểm trở lên (bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn). Ngoài ra, trường xét thí sinh có chứng chỉ A-Level với ba môn (bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn) theo các tổ hợp, đạt từ 60/100 điểm mỗi môn, điểm SAT từ 1100/1600, điểm ACT từ 22/36 trở lên. Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh đăng ký cần có điểm thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ đạt từ 6 và điểm bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 80/150 điểm trở lên hoặc điểm bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM đạt từ 750/1200 điểm. Phương thức xét tuyển thứ tư là dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi, theo từng tổ hợp xét tuyển, trong đó Ngoại ngữ nhân đôi, cộng với điểm ưu tiên. Mỗi ngành học chỉ có một điểm xét tuyển, không phân biệt điểm xét tuyển giữa các tổ hợp. |
Hiện Trường Đại học Ngoại ngữ vẫn đang tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, truyền thông tuyển sinh đại học.
———
Group trao đổi thông tin và hỗ trợ tư vấn trực tiếp dành cho Thí sinh và Phụ huynh tại Facebook: ULIS Support for K58 (Tư vấn tuyển sinh đại học chính quy năm 2024): fb.com/groups/ulis.k58
Hotline 24/7: 0888.18.1955/ 0979.292.969/ 0986.455.599(LKQT)
Chuyên trang tuyển sinh: ulis.vnu.edu.vn/tuyensinh2024