TIN TỨC


Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia: Ngành học mới đầy hứa hẹn ở ULIS

Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia: Ngành học mới đầy hứa hẹn ở ULIS” là bài viết được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. ULIS Media trân trọng giới thiệu về bài viết này cùng bạn đọc.

Nội dung chi tiết như sau:

Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia: Ngành học mới đầy hứa hẹn ở ULIS

Phùng Hà Thanh

Năm học 2023-2024, được sự phê duyệt của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Ngoại ngữ lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo bậc cử nhân Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia với mã ngành riêng (7220212QTD). Đây là một ngành đào tạo mới được hình thành với nhiều tâm huyết và nâng niu, dựa trên nhiều năm kinh nghiệm cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học của trường. Ngành học đánh dấu một bước phát triển mới của trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cũng như giáo dục khai phóng ở bậc đại học của Việt Nam. Bài viết này giới thiệu những điểm đặc sắc của chương trình cử nhân Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia tại Đại học Ngoại ngữ (ULIS), ĐHQGHN.

  Nếu các bạn hỏi tôi mùa tuyển sinh 2023 trường ĐHNN-ĐHQGHN có gì mới, chắc chắn tôi sẽ trả lời ngay, đó là ngành học mới sẽ được tuyển sinh năm nay – ngành Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia. Nó là sự kết tinh những nội dung hấp dẫn, lý thú nhất đã có được của trường thông qua đào tạo các ngành học về ngôn ngữ và sư phạm trước đây. Nó ra đời với sự chuẩn bị một cách chu đáo của trường và đặc biệt là của Khoa Ngôn ngữ Văn hoá các nước nói tiếng Anh trong nhiều năm vừa qua.

 

TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. Thiết kế nhân văn và thực tiễn theo triết lý giáo dục khai phóng

Thương hiệu giáo dục khai phóng bậc đại học nổi bật ở Việt Nam hiện giờ là Đại học Fulbright Việt Nam, một trường đại học quốc tế được thiết lập từ quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và có mức học phí rất cao so với mức thu nhập trung bình của người Việt Nam. Những chương trình đại học của Việt Nam cũng có những yếu tố của giáo dục khai phóng nhưng thường không được nhận diện gắn với cụm từ này. Đa phần các ngành học được định hình bởi một khu vực nghề nghiệp hay kiến thức chuyên biệt.

Ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia, được phát triển từ kinh nghiệm 05 năm triển khai định hướng Quốc tế học, ngành Ngôn ngữ Anh và truyền thống hơn 65 năm nghiên cứu và giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài ở ULIS, là một chương trình giáo dục khai phóng. Đó không phải là việc lấy một cụm từ gắn với sự tiến bộ của phương Tây để xây dựng thương hiệu. Giáo dục khai phóng thực sự nằm ở thiết kế tỉ mỉ và mạch lạc để hướng tới sự phát triển con người nhân văn có bản lĩnh vững vàng, năng lực phù hợp với những công việc đòi hỏi hiểu biết về văn hóa xã hội và giao tiếp với con người. Nó không phải chỉ là một ước mơ tự do mà là một thiết kế thực tiễn trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và việc làm biến động. Thế hệ trẻ cũng phải đối mặt với các vấn đề về bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Vì thế, thay vì chỉ tham gia vào xã hội như một mắt xích trong dây chuyền sản xuất, người học cần hiểu và sáng tạo bản thân mình, biết mình muốn đóng góp những gì cho cộng đồng.

  Với cá nhân mình, trải nghiệm cùng định hướng Quốc tế học ngành Ngôn ngữ Anh, bây giờ đã phát triển thành ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia, là khoảng thời gian khiến mình hiểu về bản thân mình, hiểu về giá trị mình muốn tạo ra thông qua chiêm nghiệm thế giới, và còn hơn thế.

 

Mình thấy rằng ở bất kỳ đâu, sự nhạy bén về các vấn đề xã hội, nhạy cảm trong các mối quan hệ cá nhân cũng giúp mình nổi bật hơn trong công việc.

Đỗ Thị Minh Anh, QH2016E32

Cán bộ truyền thông, Rosa-Luxemburg-Stiftung Southeast Asia.Hanoi

Những môn học trong chương trình đem tới tri thức liên ngành (ngôn ngữ-văn hóa, báo chí-truyền thông, nghiên cứu phát triển) và chuyên sâu, chỉ ra cách thức vận hành của xã hội, gỡ bỏ sự thù ghét và những định kiến thông thường. Nhiều môn học có thể xa lạ với học sinh phổ thông. Nhiều người sẽ không quen khi không thấy những học phần mà tên của chúng chỉ ra các kỹ năng làm nghề như nguyên lý của quảng cáo và tiếp thị, tổ chức và quản trị sự kiện, kỹ năng viết báo điện tử, sản xuất tin tức, v.v. Những kỹ năng này được rèn luyện với hệ thống bài tập ở từng học phần cũng như các học phần dành riêng để làm dự án. Chúng rất quan trọng, chiếm một thời lượng lớn của chương trình, nhưng theo triết lý giáo dục khai phóng, khả năng phân tích các hiện tượng văn hóa và truyền thông mới là nền tảng của bản lĩnh trong cuộc sống và nghề nghiệp. Với môn Toàn cầu hóa và sự tạo thành các xã hội đương đại, sinh viên hiểu hơn về bá quyền văn hóa, dòng tiền và sự vận hành của thị trường. Với môn Di cư và các cộng đồng xuyên quốc gia, sinh viên hiểu về lịch sử của một số cộng đồng, biết tôn trọng sự khác biệt, chia sẻ những nỗi đau và niềm vui của họ. Môn Truyền thông xuyên quốc gia và các văn hóa số tìm hiểu các hệ hình cộng đồng và danh tính, mối quan hệ giữa thuật toán mạng xã hội và tính tự chủ của con người, những thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và công dân do dữ liệu lớn và thuật toán, v.v.

  Giáo dục khai phóng thực sự nằm ở thiết kế tỉ mỉ và mạch lạc để hướng tới sự phát triển con người nhân văn có bản lĩnh vững vàng, năng lực phù hợp với những công việc đòi hỏi hiểu biết về văn hóa xã hội và giao tiếp với con người. Nó không phải chỉ là một ước mơ tự do mà là một thiết kế thực tiễn trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và việc làm biến động. Mình vẫn hay nhận được câu hỏi là học chương trình này thì có thể làm được những công việc gì, và thường câu trả lời được mong đợi là một số ít công việc cụ thể. Nhưng học ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia thì lại có thể rất linh hoạt về công việc. Ở độ tuổi 17-18, nhiều bạn chưa biết, chưa cần, và chưa nên theo một chuyên môn hẹp nào. Nếu miễn cưỡng chọn một chuyên môn hẹp ngay từ đầu thì dễ thành không hợp, hạn chế lựa chọn về sau, dẫn đến những lãng phí hay khủng hoảng lớn. Vậy nên, lựa chọn giáo dục khai phóng là một lựa chọn có tính nuôi dưỡng và rất thực tiễn, ngay cả khi tính tới những công việc sau này.

 

TS. Phùng Hà Thanh, Phó Trưởng khoa phụ trách đào tạo và truyền thông,

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh

  Theo triết lý giáo dục khai phóng, chúng tôi trân trọng mọi ý tưởng của các em, mọi phong cách cá nhân của các em. Và hơn hết, các em sẽ được phát triển để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

 

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh

2. Tiếng Anh và văn hóa–truyền thông trong tính động, xuyên quốc gia & địa phương

Ngoài các môn chung dành cho toàn bộ sinh viên của trường được giảng dạy bằng tiếng Việt, các môn học khác được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây vẫn là thực hành truyền thống dành cho sinh viên ngành tiếng Anh của ULIS. Trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh, sinh viên cũng sẽ thực hiện các thao tác và công trình dịch thuật để trân trọng khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt hay các thứ tiếng mẹ đẻ khác (với sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên quốc tế). Ngoài ra, trường có thế mạnh về các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Người học có thể chọn học thêm một ngoại ngữ thứ 2: Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, hoặc Thái. Ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia không có chuẩn đầu ra ngoại ngữ 2 như các ngành ngôn ngữ và sư phạm của trường.

Cũng nhờ sử dụng tiếng Anh, ngành học là chương trình Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia (transnational cultural and media studies) đầu tiên ở Việt Nam với cơ sở học thuật là ngành nghiên cứu văn hóa và truyền thông của thế giới. Chương trình tiếp cận văn hóa theo nghĩa động, thiên về các vấn đề đương đại và các mối quan hệ quyền lực (các hiện tượng văn hóa và phương tiện truyền thông mới, cơ chế thị trường, phát triển bền vững), phân biệt với các đường hướng văn hóa học thiên về đọc hiểu các biểu tượng truyền thống và phong tục tập quán.

Văn hóa với tính động của nó được nhìn nhận từ góc nhìn xuyên quốc gia. Xuyên quốc gia không phải chỉ là đặc tính của những sản phẩm văn hóa và truyền thông, những vấn đề khu vực và thế giới, mà còn nằm trong chính sự kiến tạo đời sống cá nhân và cộng đồng ngay tại địa phương.

Các đề tài khóa luận tốt nghiệp về Văn hóa và Truyền thông Xuyên Quốc gia bảo vệ ngày 24/05, tại tiểu ban Quốc tế học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, đơn vị chính phụ trách chương trình.

3. Phương pháp học tập dựa trên hoạt động chân thực

Hoạt động chân thực là những hoạt động có ý nghĩa trong cũng như ngoài lớp học, giúp người học kết nối với bản thân mình, với bạn cùng lớp và thầy cô giáo, với những người đang đi làm và với những vấn đề xã hội đáng quan tâm.

Kết nối với cộng đồng và xã hội là một yếu tố nổi bật của chương trình. Từ kết nối đó, người học có sự để tâm, phát triển các mối quan hệ và kỹ năng làm việc, thấy được tính hữu dụng của tri thức, cách các tri thức khác nhau vận động trong thực tiễn. Sinh viên sẽ tạo podcast, viết bài phê bình phim, v.v. cho khán giả có thật chứ không phải chỉ cho giảng viên. Phỏng vấn nhân vật và nghiên cứu trường hợp cũng là những dạng bài tập được sử dụng nhiều lần. Chương trình có thêm 06 tín chỉ để sinh viên học làm dự án một cách bài bản và triển khai thực tế một dự án xã hội hay dự án truyền thông. Để chuẩn bị cho 06 tín chỉ này, những người làm chương trình và giảng viên đã thiết lập một mạng lưới hợp tác với với những tổ chức và cá nhân đang làm trong lĩnh vực truyền thông và phát triển. Trong quá trình học, sinh viên có cơ hội thực tập tại những vị trí, cơ quan về truyền thông và phát triển.

4. Một số thông tin hữu ích về tuyển sinh chương trình Văn hóa và Truyền thông Xuyên Quốc gia ở ULIS năm 2023

Đây là đường link tới booklet “Giới thiệu ngành đào tạo Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia”: https://bit.ly/3UjdZ4T

Ngoài ra, các bạn học sinh và phụ huynh có thể tham gia nhóm Zalo tư vấn tuyển sinh ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia: https://zalo.me/g/uumvjz553

Thông tin về tuyển sinh đại học vào trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 với các phương án xét tuyển có ở đây: https://ulis.vnu.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-dai-hoc-vao-truong-dai-hoc-ngoai-ngu-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-nam-2023/