TIN TỨC


Thủ khoa đầu ra ngành Luật: 'Học luật nhưng không phải học thuộc lòng các bộ luật'

Từ điểm xuất phát “bình thường” đến những thành tích nổi bật

“Em rất xúc động và tự hào khi được đứng trên bục vinh danh những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Hà Nội năm nay. Đây là một khởi đầu thuận lợi, đồng thời cũng là động lực để bản thân em cố gắng, nỗ lực hơn nữa nhằm xứng đáng hơn với danh hiệu này”, Phương chia sẻ về cảm xúc của bản thân.

Khi biết hồ sơ của mình đã được vào vòng cuối cùng để xét chọn thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học năm 2018, Phương cho biết em không bất ngờ, bởi để có thể đạt được kết quả này, em đã có những nỗ lực, phấn đấu không ngừng trong suốt thời gian sinh viên.

Tân thủ khoa đầu ra của Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, kết quả thi đại học của em không cao, không nổi bật khi chỉ đạt 23,5 điểm khối D1.

“Thậm chí, năm đầu tiên ở đại học, lực học em cũng rất bình thường. Nhưng trong sự kiện của trường có mời về những anh chị thủ khoa của trường để giao lưu với sinh viên có nhiều người đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.

Em tìm hiểu và thấy để đạt được danh hiệu này, sinh viên phải nỗ lực phấn đấu ở tất cả các mặt: học tập, tham gia các hoạt động cộng đồng dành cho sinh viên, hoạt động thể thao… Em đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho mình và cuối cùng cũng đạt được”, Phương hào hứng chia sẻ.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích và đặc biệt là được TP Hà Nội vinh danh thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc nhưng Phương cho biết danh hiệu này cũng đặt lên vai em một áp lực vô hình nhưng rất nặng nề.

“Lúc nào em cũng nghĩ là bản thân phải cố gắng thật nhiều, hết mình trong công việc để đạt được kết quả tốt, để mọi người, đặc biệt là gia đình không thất vọng về bản thân mình”, Phương tâm sự.

“Học ngành Luật không phải là thuộc lòng các điều luật, bộ luật!”

Trả lời cho câu hỏi: Liệu sinh viên ngành Luật có vất vả hơn các ngành khác khi phải học thuộc các bộ luật, điều luật?, tân cử nhân xuất sắc Khoa Luật hào hứng chia sẻ:

“Đây cũng là thắc mắc mà nhiều em học sinh lớp 12 còn lo lắng khi định đăng ký vào học ngành Luật. Thực tế thì ngay đến cả luật sư, thẩm phán cũng không thể nào nhớ hết được các điều luật, mà luật của Việt Nam thì liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nên càng khó khăn nếu phải học thuộc lòng từng điều một”.

“Vì vậy, thứ mà sinh viên ngành Luật học không phải là thuộc lòng từng điều luật mà ở đây là nguyên tắc và cách áp dụng luật. Nghĩa là phải học tư duy pháp lý. Việc tư duy pháp lý các bạn sẽ được hình thành và nuôi dưỡng trong quá trình học 4 năm”, nữ thủ khoa tốt nghiệp này lý giải.

Suốt thời gian là sinh viên, Nguyễn Thị Phương không đi làm thêm nhiều, cô bạn chủ yếu tự làm bánh rồi bán hàng online để trang trải thêm cho cuộc sống của bản thân. Ngoài ra, nhờ kết quả học tập tập xuất sắc mỗi kỳ học Phương cũng giành được học bổng để giảm bớt đi gánh nặng học phí của bản thân cho gia đình.

“Em không làm thêm các công việc bên ngoài vì thấy bản thân không hợp, ngoài ra còn bởi đặc thù ngành Luật, khi là sinh viên năm 1, 2, 3 thì sẽ không có công việc nào liên quan đến lĩnh vực mà em học cả. Thường đến năm cuối chúng em mới đi thực tập, mà phần lớn là thực tập không lương”, Phương cho biết.

Nhiều bạn sinh viên cho rằng nên đi làm thêm để có thêm nhiều kinh nghiệm, lại có thêm thu nhập, bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, Phương cho rằng sinh viên năm nhất, năm hai vẫn nên tập trung vào việc học để bản thân có được nền tảng kiến thức vững chắc, đặc biệt các bạn học về luật pháp.

Ngoài ra khi có thời gian rảnh các bạn có thể làm đi làm part time miễn sao không để ảnh hưởng đến việc học, bởi học mới là việc công việc chính của sinh viên, là lý do bố mẹ tiếp tục nuôi bạn khi đã đến tuổi trưởng thành. “Dù lựa chọn hay làm công việc nào đi chăng nữa thì nó cũng giúp các bạn được trải nghiệm và học được một hay nhiều điều gì đấy”, tân cử nhân Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Theo Đời sống & Pháp lý