TIN TỨC


Cơ hội nào cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực quản trị chất lượng giáo dục?

Hãy cùng lắng nghe một số chia sẻ của các chuyên gia nghiên cứu và thực hành quản trị chất lượng giáo dục tại Buổi Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị Chất lượng giáo dục do Khoa Quản trị Chất lượng – Trường Đại học Giáo dục tổ chức diễn ra từ ngày 1/3. Theo đó, một số yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn và dự báo cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành Quản trị chất lượng giáo dục đã được các chuyên gia gợi ý với 3 hướng công việc chính gồm: Khảo thí, Kiểm định chất lượng giáo dục, Đảm bảo chất lượng giáo dục.

Cần hiểu thế nào về quản trị chất lượng?

Quản trị chất lượng là các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát tổ chức về chất lượng, bao gồm: Lập chính sách và mục tiêu chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng. Quản trị chất lượng đảm bảo cho tổ chức làm đúng những việc phải làm và những việc quan trọng theo triết lí “làm việc đúng” và “làm đúng việc”, “làm đúng ngay từ đầu” và “làm đúng tại mọi thời điểm”.

Để làm được những điều này, những cán bộ quản trị chất lượng cần phải trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị chất lượng.

Yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước

Những năm gần đây, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam được phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng) đã được phân bố rộng khắp cả nước. Quy mô đào tạo cũng tăng nhanh để từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã quan tâm đặc biệt tới công tác đảm bảo chất lượng và chỉ đạo triển khai trên toàn hệ thống giáo dục. Yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: các trường đại học cần kiểm định chất lượng định kỳ 5 năm một lần, 100% các cơ sở giáo dục phải có đơn vị đảm bảo chất lượng. Điều này đòi hỏi các trường phải có đội ngũ chuyên trách triển khai công tác đảm bảo chất lượng.

Nhìn nhận cơ hội từ những thách thức đối với nhân sự làm việc trong lĩnh vực khảo thí

Theo TS. Nguyễn Thị Quỳnh Yến – Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, hiện nay công tác khảo thí đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn sâu.

Ở một số đơn vị, công tác đảm bảo chất lượng chưa được chú trọng đúng mức. Một số trường đại học, phòng đảm bảo chất lượng chỉ có một trưởng phòng và một nhân viên. Nhiều cán bộ chuyển công tác từ lĩnh vực khác sang làm công tác bảo đảm chất lượng nên năng lực và bằng cấp phần lớn chưa đáp ứng điều kiện chuyên môn.

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Yến – Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN

Song song với tiềm năng phát triển của ngành, thì thực trạng thiếu hụt nhân sự và khả năng đáp ứng của nhân sự với các xu hướng khảo thí mới cũng là một thách thức lớn.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm công tác quản trị chất lượng giáo dục đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ khi không chỉ tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam, mà tại các cơ sở giáo dục mang yếu tố nước ngoài như Hội đồng Anh, IDP, IIG… cũng đang cần tuyển dụng nhân sự với mức lương tốt.

Yêu cầu nghiệp vụ và dự báo lao động trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục

Nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng cần có đủ kiến thức, kĩ năng và thái độ cần thiết trong lĩnh vực này. Về mặt chuyên môn, người làm cần nắm được những quy trình, chu kì, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, thang đánh giá trong Kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng cũng cần liên tục cập nhật các xu thế kiểm định chất lượng giáo dục mới.

TS. Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQGHN

TS. Tạ Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQGHN cho biết, nhân sự tham gia hệ thống KĐCLGD các cấp gồm 05 đối tượng chính: nhân sự tham gia quản lí nhà nước về KĐCLGD (cấp Bộ, Sở giáo dục, Phòng giáo dục); nhân sự tham gia hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục; nhân sự của các tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục; Các kiểm định viên, Chuyên gia độc lập; chuyên gia KĐCLGD của các tổ chức KĐCLGD nước ngoài.

Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục phổ thông và mầm non. Tại Bộ GD&ĐT có Cục Quản lí chất lượng là cơ quan tham mưu về công tác ĐBCL và KĐCLGD; tại các Sở giáo dục có các phòng Quản lý chất lượng.

Hiện nay cả nước có 07 tổ chức KĐCLGD trong nước được Bộ GD&ĐT thành lập hoặc cho phép thành lập, 06 tổ chức KĐCLGD nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động.

Yêu cầu nghiệp vụ và dự báo lao động trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục

Giới thiệu về các vị trí việc làm trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, TS. Trần Thị Hoài – Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục – ĐHQGHN cho biết, cử nhân ngành Quản trị chất lượng có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên liên quan đến quản trị chất lượng, khảo thí, quản lí khoa học, quản lí đào tạo và vị trí nghiên cứu viên về quản trị đại học; đánh giá, đo lường chất lượng giáo dục; công tác xếp hạng đại học; công tác phát triển giáo dục; đối sánh chất lượng giáo dục; hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; điều phối hoạt động đánh giá ngoài phục vụ KĐCLGD; quản lí đảm bảo chất lượng giáo dục...

TS. Trần Thị Hoài – Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục – ĐHQGHN

Sau khi ra trường, cử nhân ngành Quản trị chất lượng có thể công tác tại các Học viện, trường Cao đẳng, trường Đại học... và Việt Nam hiện nay có hơn 250 cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Do vậy, có thể thấy cơ hội việc làm, nhu cầu về nhân lực trong công tác Đảm bảo chất lượng là vô cùng lớn.

Với lợi thế được chính các chuyên gia, giảng viên dày dặn kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực Đảm bảo chất lượng, Kiểm định chất lượng, Khảo thí giảng dạy, truyền nghề trực tiếp, các sinh viên ngành Quản trị Chất lượng giáo dục được đào tạo bài bản, được trải nghiệm thực tế và thực tập trong môi trường chuyên nghiệp ở các cơ sở uy tín.

Song song với thuận lợi, ngành quản trị chất lượng giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với người học và ngành giáo dục trong việc liên tục học tập, nghiên cứu và thích nghi với những xu thế mới của giáo dục hiện đại.

Trường Đại học Giáo dục - cơ sở giáo dục duy nhất của cả nước đào tạo nhân sự làm việc trong lĩnh vực quản trị chất lượng giáo dục

Khoa Quản trị Chất lượng Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục thành lập từ năm 2018 trên cơ sở kế thừa và phát triển từ Bộ môn Đo lường và Đánh giá thuộc Khoa Các Khoa học Giáo dục thành lập năm 2013. Khoa hoạt động theo cơ chế phối thuộc với các đơn trong ĐHQGHN như: Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Khảo thí.

Khoa Quản trị Chất lượng được giao nhiệm vụ đào tạo Cử nhân ngành Quản trị Chất lượng Giáo dục (bắt đầu từ năm 2018); đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục (từ năm 2014 trên cơ sở kế thừa và chuyển giao chương trình đào tạo Thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục từ Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục - ĐHQGHN).

Đến nay, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN vẫn là cơ sở giáo dục duy nhất của cả nước đã và đang đào tạo các ngành/chuyên ngành: Quản trị Chất lượng giáo dục, Thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục, Tiến sĩ Đo lường và Đánh giá trong giáo dục.

Sinh viên ngành Quản trị chất lượng giáo dục có cơ hội được học tập với giảng viên là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, đo lường đánh giá như: GS.TS Nguyễn Quý Thanh, GS.TS Lê Ngọc Hùng, PGS.TS Lê Đức Ngọc, PGS.TS. Nguyễn Phương Nga, PGS.TS Nguyễn Công Khanh, PGS.TS Vũ Đỗ Long, PGS.TS Phạm Văn Quyết…

Video giới thiệu Khoa Quản trị Chất lượng

Năm 2023, Trường Đại học Giáo dục dự kiến tuyển sinh 1100 chỉ tiêu cho các nhóm ngành đào tạo sư phạm và ngoài sư phạm. Thông tin chi tiết: Tuyển sinh đại học chính quy năm 2023

Tổng hợp thông tin tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN liên tục được cập nhật theo đường link: Tuyển sinh đại học chính quy

Mọi thắc mắc, hỗ trợ, thí sinh liên lạc theo địa chỉ:

Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: http://education.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn

Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc (024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính)

 

UEd Media