Là sinh viên lớn tuổi nhất tại Khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội, Lee San đặt mục tiêu trở thành chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, hành trình cậu tìm thấy ước mơ không hề bằng phẳng.
Năm 2016, Lee San vừa tròn 20 tuổi, tốt nghiệp THPT tại Malaysia và có 2 năm “gap year” (kỳ nghỉ kéo dài 7-12 tháng trước khi vào đại học) ở Australia. Tự nhận mình chỉ là một người trẻ bình thường, San lao vào kiếm tiền với công việc làm phục vụ 100 tiếng/tuần tại nhà hàng Hàn Quốc, trong đầu luôn quẩn quanh suy nghĩ phải tìm ra ước mơ của bản thân.
Mọi chuyện vẫn sẽ diễn ra như chiếc đồng hồ tính giờ mỗi ngày, nếu như không có lần San quay sang hỏi người bạn thân: “Theo cậu, tôi nên ở lại Australia kiếm việc làm hay đi học đại học tại một nơi khác?”.
“Cuộc sống ở Australia là lựa chọn an toàn, trong khi tìm kiếm những trải nghiệm mới là quyết định nhiều rủi ro. Vậy cậu muốn chọn điều gì?”, bạn của San nghĩ một lúc rồi trả lời.
Sau đó, chàng thanh niên 20 tuổi đưa ra quyết định: Du học tại Việt Nam - nơi anh trai cậu từng sống một thời gian dài. Lần đầu tiên, San bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Tiếp bước anh trai, San chọn Khoa Quốc tế ở Đại học Quốc gia Hà Nội - môi trường học tập được chàng sinh viên Hàn Quốc đánh giá là “lý tưởng”. San cho biết chương trình học ở đây vừa giúp cậu thu nạp kiến thức chuyên ngành bằng tiếng Anh, vừa có thể trau dồi tiếng Việt với đồng môn bản địa. “Năm 2008, tôi từng sống ở TP.HCM và thêm một lần trở lại Việt Nam, tôi được chứng kiến đất nước này phát triển rất nhanh, hứa hẹn đầy tiềm năng trong tương lai. Tôi quyết định theo học tại Việt Nam để phát triển bản thân, cũng như tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa nơi đây”, San kể lại.
Cũng như bao người ngoại quốc khác, San sợ nhất phải đi xe máy tại Việt Nam. Nhìn dòng người chật cứng trên các tuyến đường giờ cao điểm đủ khiến cậu sinh viên lo lắng. Nhưng ngay cả khi không tham gia giao thông, trong cậu cũng chất chồng những lo lắng thường nhật khác.
“Ngôn ngữ luôn là rào cản của mọi sinh viên nước ngoài. Dù chọn học đại học bằng tiếng Anh, tôi vẫn sợ viễn cảnh mỗi khi nói mà sinh viên không hiểu, các thầy cô lại chuyển sang giải thích tiếng Việt. Nhưng may mắn thay, điều đó đã không xảy ra tại Khoa Quốc tế. Chúng tôi được học 100% bằng tiếng Anh, sinh viên nước ngoài nhận sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình từ các thầy cô và cán bộ trong khoa”.
Dẫu vậy, để thực sự hòa nhập môi trường và văn hóa bản địa, San quyết định học tiếng Việt với “đội ngũ giảng viên” là bất kỳ ai xung quanh, từ bạn học, thầy cô đến những cán bộ, nhân viên trong khoa. Cậu lựa chọn đi con đường vất vả hơn, tốn thời gian hơn, nhưng bù lại là sự kết nối dễ dàng hơn.
Lên giảng đường muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa, đến khi bước sang năm thứ 2, San lại trở về quê hương để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Với những mối quan hệ bạn bè dần trở nên thân thiết cùng ước mơ cháy bỏng được định nghĩa bản thân, cậu luôn mong ngóng một ngày trở lại Việt Nam, hoàn thành việc học tập.
Trở lại giảng đường sau 2 năm, cậu sinh viên Hàn Quốc không khỏi bỡ ngỡ: “Khoa Quốc tế trước đó chỉ có 3 sinh viên nước ngoài, nhưng khi tôi trở lại đã có hơn 20 bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Số lượng giảng viên nước ngoài cũng tăng lên đáng kể. Điều này khiến tôi ngạc nhiên lẫn vui mừng”.
Những năm vừa qua, quy mô sinh viên của Khoa Quốc tế cao gấp 3 lần, số lượng giảng viên nước ngoài cũng tăng tới 30%. Bên cạnh đó, đa phần thầy cô người Việt được đào tạo ở nước ngoài, đóng vai trò là cầu nối tương tác tích cực với du học sinh, đồng thời giúp chất lượng đào tạo của khoa đến gần hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Giáo trình giảng dạy cũng liên tục được cập nhật với sự tham gia tư vấn từ các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, hướng đến mục tiêu bám sát thực tiễn, giúp sinh viên mở mang góc tiếp cận. Sự thay đổi cả về lượng và chất ấy đến từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ điều hành Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
San cho biết trên giảng đường cũng như ngoài đời sống, cậu hay bất kỳ sinh viên nào cũng luôn được khuyến khích là chính mình. Bên cạnh nâng cao chất lượng giảng dạy, các thầy cô, cán bộ còn tổ chức nhiều hoạt động giúp sinh viên phát triển thế mạnh, không có sự phân biệt, gò ép theo khuôn mẫu.
Nhiều hoạt động ngoại khóa như định hướng phát triển nghề nghiệp, khám phá bản thân, tăng cường kỹ năng… cũng được khoa triển khai linh hoạt, phù hợp với sở thích, mong muốn của sinh viên. Mỗi năm, Khoa Quốc tế lại tự làm mới mình để nâng cao chất lượng, giúp người học có thêm nhiều trải nghiệm cả về kỹ năng lẫn kiến thức.
25 tuổi, học năm thứ 3, San nghiễm nhiên lọt top sinh viên “cao tuổi” nhất Khoa Quốc tế. Chàng trai Hàn Quốc còn nổi tiếng trong trường nhờ bảng thành tích đáng nể: Là chủ nhiệm CLB sinh viên quốc tế do chính cậu sáng lập, phóng viên đài KTV của Hàn Quốc tại Việt Nam, học 16 môn trong một học kỳ, đạt GPA 3.6/4 và được nhận vào làm tại công ty phát triển hạ tầng đô thị của Hàn Quốc.
Trở thành sinh viên tiêu biểu nhưng San thừa nhận mình không có bí quyết hay động lực gì, đó chỉ đơn giản là con đường cậu muốn và tất yếu phải đi.
San tâm sự: “Nhiều người cho rằng tôi phải phấn đấu lắm để hoàn thành nhiều việc cùng lúc. Nhưng phải nói thật rằng tôi không thấy vất vả gì, vì xung quanh có rất nhiều người tin tưởng, hỗ trợ và ủng hộ, nói rằng tôi có thể làm được mọi thứ mà mình mong muốn”.
Ngoài kiến thức sách vở, cậu tâm niệm những điều tạo nên thành công trong học tập gồm có: Thái độ chăm chỉ, sự cố gắng, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình.
Dù nhận mình không phải tuýp thông minh hay chăm chỉ, cậu sinh viên 25 tuổi vẫn được nhiều thầy cô và cán bộ Khoa Quốc tế ấn tượng bởi tính cách nhiệt tình đến “phiền phức”. Cách đây 3 năm, khi “chân ướt chân ráo” vào học, cậu vẫn còn bộc lộ bản tính nóng nảy, mọi vấn đề đều mong muốn phải giải quyết ngay tức thì và thường để cảm xúc lấn át.
Nhưng sau những năm tháng trải nghiệm, học hỏi, làm việc với các thầy cô Khoa Quốc tế, San trở nên từ tốn, trưởng thành hơn. Mỗi khi có vấn đề nảy sinh, cậu sẽ xem xét kỹ lưỡng, tìm ra phương án trình bày rõ ràng cùng hướng giải quyết trước khi gõ cửa văn phòng Khoa đề đạt với thầy cô. Biết điều tiết cảm xúc, tư duy mở và cầu thị là những điều San rút ra trên hành trình mài giũa tại giảng đường.
Tại Khoa Quốc tế, các phòng chức năng, văn phòng của giảng viên hay thậm chí chủ nhiệm Khoa đều rộng mở, tiếp đón sinh viên đến trao đổi, chia sẻ quan điểm bất cứ lúc nào. Tận dụng lợi điểm đó, San mạnh dạn đến tìm thầy cô để nói lên ý kiến, tâm tư của mình khi có khúc mắc. Đỉnh điểm, có hôm cậu ngồi chia sẻ hơn 3 tiếng đồng hồ với các lãnh đạo phòng Công tác học sinh sinh viên, trình bày và thảo luận tìm cách giảm bớt khó khăn của nhóm sinh viên nước ngoài trong quá trình học tập xa nhà.
“Nhiều sinh viên nước ngoài vẫn còn e ngại lên tiếng vì cho rằng mình là thiểu số, phải chấp nhận những thiệt thòi so với sinh viên bản địa. Nhưng tôi không ngại điều đó vì nghĩ rằng mình cần lên tiếng cho những sinh viên quốc tế khác. Trong những lần gặp khó khăn khi đi làm visa, thực tập hay viết khóa luận, tôi sẽ hỏi han mọi người, thu thập thông tin và đề xuất giải pháp tháo gỡ”, cậu cho biết.
Từ trăn trở về chuyện làm cách nào để sinh viên Việt Nam và nước ngoài có thể kết nối cùng nhau, San nhen nhóm ý tưởng thành lập CLB sinh viên quốc tế - nơi tất cả cùng chia sẻ, học hỏi sự đa dạng văn hóa, từ đó kết nối và nâng cao nhận thức, tôn trọng sự khác biệt bên trong mỗi con người.
“Tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ những cán bộ, nhân viên phòng Công tác sinh viên, tuyển sinh quốc tế trong cả quá trình học tập lẫn sinh hoạt. Các thầy cô, anh chị tư vấn rất nhiệt tình khi tôi quyết tâm thành lập CLB, cùng nhau ngồi đến tối muộn thảo luận từ định hướng, chiến lược phát triển cho đến việc thiết kế logo hay viết tờ trình. Họ còn giúp đỡ, khuyến khích tôi thuyết trình ý tưởng bằng tiếng Việt để thu hút đông đảo sinh viên tham gia. ‘Tôn trọng sự đa dạng và kết nối’ là giá trị cốt lõi của CLB sinh viên quốc tế kể từ khi mới thành lập. CLB đã hơn 1 tuổi, dần tạo được sự gần gũi, thân thiết giữa sinh viên Việt Nam và quốc tế”, San chia sẻ.
Kết thúc năm thứ 3, San được nhận vào làm tại một công ty phát triển đô thị và hạ tầng nước ngoài của Hàn Quốc. Những bài học trong 3 năm mài giũa tại VNU-IS trở thành vốn kiến thức đắt giá giúp cậu chứng minh được năng lực với nhà tuyển dụng. “Tôi học kiến thức chuyên ngành liên quan đến kinh doanh quốc tế bằng tiếng Anh và học cả tiếng Việt từ môi trường xung quanh. Sau khi đi làm, tôi mới thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Công ty hiện tại đồng ý tuyển dụng vì tôi có thể dùng thành thạo cả tiếng Hàn, tiếng Anh lẫn tiếng Việt để giao tiếp với người bản địa. Cũng nhờ bộ môn Văn hóa kinh doanh trong chương trình đại học, tôi học được cách giao tiếp với đồng nghiệp hay những người có vị trí cao hơn, biết thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm của mình”, cậu cho biết.
Sau 5 năm, từ chàng trai mơ hồ không biết ước mơ của mình là gì, San giờ đây mong muốn trở thành chuyên gia tài chính và có thêm nhiều năm trải nghiệm môi trường làm việc tại Việt Nam.
“Việt Nam đang phát triển rất nhanh và hội nhập sâu rộng, tôi mong muốn có thể học hỏi thật nhiều trong tương lai. Tôi muốn nhắn nhủ với những du học sinh quốc tế rằng ‘đừng sợ’ khi có bạn dự định theo học Khoa Quốc tế nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội chung, vì ở đây ai cũng hết lòng hỗ trợ sinh viên nước ngoài học tập. Rất nhiều thầy cô đã tu nghiệp ở nước ngoài và thấu hiểu những khó khăn khi đi du học, nên họ dành sự quan tâm lớn đến sinh viên quốc tế. Theo học tại đây, bước ra ngoài vùng an toàn sẽ là những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa mà bạn không muốn bỏ lỡ trong đời”, cậu sinh viên “phiền phức” kết luận.
Nguồn: https://zingnews.vn/nam-sinh-han-quoc-du-hoc-vn-giup-toi-buoc-ra-khoi-vung-an-toan-post1252815.html