Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với những lo lắng, hoang mang của các bạn du học sinh Việt Nam trở về nước, các bạn học sinh lỡ kế hoạch du học nước ngoài không biết rằng có thể tiếp tục học tập ở đâu, giáo dục trong nước có những cơ hội nào khác cho các bạn hay không?? Chương trình “VNU-IS Live Talk 2020” của Khoa Quốc tế đã quyết định phát sóng một số đặc biệt mang tên “ĐHQGHN - Điểm đến không chỉ vì dịch Covid-19” để “cứu nguy” cho các bạn về những băn khoăn đó. Chương trình với sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt: GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo – ĐHQGHN; TS. Nguyễn Trung Hiển, Trưởng phòng CTHSSV, Thành viên Thường trực HĐTS Khoa Quốc tế - ĐHQGHN và ThS. Đào Thị Thanh Hoa, Phó Trưởng phòng CTHSSV, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN. ĐHQGHN tiếp nhận du học sinh trở về lánh dịch Covid 19 như thế nào? Hãy cùng chúng tôi điểm lại những thông tin đáng chú ý trong bài viết sau:
Thưa thầy Thảo, với trải nghiệm cá nhân của các thầy đối với nền giáo dục Việt Nam cũng như nền giáo dục quốc tế, đồng thời với những quan sát của các thầy với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã đi du học, các thầy có góc nhìn hay lời khuyên nào khác cho các em về cơ hội học tập tại Việt Nam không?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Phương châm của tôi là “Tìm đơn giản trong đơn giản” vì vậy với vấn đề này tôi cũng có những cái nhìn rất đơn giản. Nhiều bạn đã phải hoãn kế hoạch đi du học không tránh khỏi cảm giác buồn phiền nhưng tôi lại thấy rằng mỗi sự việc nào đó xảy ra đều sẽ mở ra cho chúng ta một cơ hội mới. Tại sao các em không đặt ví dụ rằng nếu thời điểm này các em đã sang theo học ở một ngôi trường nước ngoài nào đó và hiện tại vì dịch bệnh các em phải quay trở về Việt Nam, thực tế đã chứng minh điều đó. Vậy thì các em chưa sang, em cần phải nhận thấy đó là một may mắn trước tiên. Điểm thứ hai, đây cũng là thời gian để chúng ta nhìn lại cuộc sống xung quanh, cuộc sống không chỉ có học tập, nghiên cứu mà còn liên quan đến các mối quan hệ xã hội, liên quan đến sức khỏe, môi trường sống. Đây chính là thời gian để các em nhìn tổng quan lại. Các em đang sống ở nơi mà công tác phòng chống dịch rất hiệu quả so với thế giới thì đó cũng là một điều may mắn. Điểm thứ ba nữa, trước đây các em thường dành sự quan tâm đến các trường đại học ở nước ngoài thì hiện tại cũng là thời điểm để các em nhìn lại giáo dục trong nước. Giáo dục nước ta trong những năm qua phát triển tương đối nhanh và có nhiều trường đại học có thứ hạng cao trên bản đồ giáo dục thế giới, nhiều chương trình đào tạo có chất lượng quốc tế hóa cao và chất lượng giáo dục không ngừng cải thiện. Rất nhiều bạn sinh viên đã học và tốt nghiệp tại ĐHQGHN nói chung, Khoa Quốc tế nói riêng đã làm việc tại trong và ngoài nước đã để lại những dấu ấn rất tốt. Chính vì vậy đây là cơ hội để các em nhìn nhận lại các trường có chất lượng đào tạo tốt để theo học. Tôi tin rằng trong các em bỏ lỡ đi du học năm nay sẽ có nhiều em cảm thấy rằng “Mình lỡ một lần đi du học nhưng đôi khi lại là may mắn của mình trong những năm sau”. Các em hãy tiếp cận vấn đề một cách tích cực để thấy được những cơ hội thay vì chán nản, buồn phiền.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Bản thân tôi có cơ hội trải nghiệm đồng thời cả giáo dục trong nước và giáo dục nước ngoài thì tôi thấy rằng đúng như thầy Thảo nói thì đây chính là cơ hội để các em sống chậm lại và tìm điều gì em thực sự cần trong giai đoạn chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Tôi thường nhắc các bạn học sinh rằng cánh cửa du học chỉ là 1 cánh cửa trong rất nhiều cánh cửa khác. Các cánh cửa khác nhau nhưng cuối cùng cũng sẽ đưa em đến một đích đến và mỗi cảnh cửa sẽ cho em những ưu thế riêng. Với tôi, khoảng thời gian học tập tại Việt Nam là khoảng thời gian vô cùng hữu ích giúp tôi định hình được tính cách, xác định được điểm mạnh, điểm yếu, hiểu rõ hơn lĩnh vực mình yêu thích và khi chuyển tiếp sang nền giáo dục nước ngoài thì khoảng thời gian học tại Việt Nam chính là nền tảng giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học tập lúc đó. Tôi quan niệm rằng, trong mỗi khó khăn đều tiềm ẩn những cơ hội, nếu như em biết nắm bắt cơ hội đó em có thể có cho mình phương án tối ưu trong bối cảnh tình hình dịch đang phức tạp như hiện nay.
Thầy Thảo có thể giới thiệu về ĐHQGHN trong bản đồ giáo dục thế giới để các vị phụ huynh cũng như các em học sinh được biết được không ạ?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: ĐHQGHN là cơ sở giáo dục có khả năng hội nhập và quốc tế hóa phát triển trong thời gian dài, đồng thời cũng là số ít đại học tại Việt Nam ghi tên vào bản đồ giáo dục thế giới. Khi chúng ta nhìn ngược lại, trong 3 năm trở lại đây ĐHQGHN liên tiếp có vị trí cao trong bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới. Năm 2018-2019 chúng ta đứng top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới. Đến năm 2020 khi nhìn lại thì hầu hết các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới chúng ta đều có tên và có vị trị cao như các bảng xếp hạng QS, Times Higher Education,..với vị trí từ 800-1000. Các chỉ số đánh giá của chúng ta cũng liên tục tăng, các chỉ số quốc tế hóa, chất lượng sinh viên, giảng viên, công bố quốc tế chúng ta đều có những cải thiện không ngừng. Ở khu vực Châu Á, năm 2020 ĐHQGHN đứng ở vị trí 147. Đây là vị trí tương đối cao. Đặc biệt nổi bật ở ĐHQGHN là những ngành khoa học về Vật lý hay Thiên văn học đều có vị trí từ 400-450. Như vậy có thể thấy ĐHQGHN đa ngành đa lĩnh vực và dễ dàng tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, hơn nữa tương tác giữa các trường trong ĐHQG của chúng ta cũng rất khác với các trường bên ngoài. ĐHQGHN có tất cả các lĩnh vực có thể kể đến như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn, Ngoại ngữ, Khoa học sức khỏe, Kinh tế, Luật, Tài chính, Kế toán, Kiểm toán,..Nói một cách tổng quát thì ở ĐHQGHN chúng ta có 7 lĩnh vực lớn tuyển sinh hàng năm chỉ có duy nhất lĩnh vực mà chúng ta chưa có đó là Âm nhạc - Thể dục - Thể thao. Tôi biết rằng ở Khoa Quốc tế có chương trình về Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch, như vậy là chúng ta cũng đã từng bước tiếp cận đến lĩnh vực này. Tổng kết lại, ĐHQGHN là môi trường giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, nếu bạn tìm một ngành học nào đó mà không có ở các trường khác thì đến với ĐHQGHN thì chúng tôi luôn có câu trả lời. Đó là thương hiệu chúng tôi xây dựng trong thời gian qua.
Là sinh viên ĐHQGHN các em nhận được những lợi thế gì?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Đã là sinh viên ĐHQGHN các em có nhiều lợi thế, là sinh viên Khoa Quốc tế các bạn còn có nhiều lợi thế hơn nữa. Lợi thế đầu tiên, liên quan đến vị thế và chất lượng đào tạo của ĐHQGHN được rất nhiều các trường đại học trên thế giới công nhận, vì vậy khi là một sinh viên của trường, bạn sẽ được nhiều trường đại học biết đến hơn. Thứ hai đó là các em có nhiều cơ hội từ mạng lưới đối tác rộng lớn của ĐHQG, chúng ta liên kết với các trường đại học trên cả 5 châu lục, từ các trường đại học danh giá nhất, các trường đại học lâu đời nhất chúng ta cũng có quan hệ hợp tác, chúng ta không chỉ hợp tác về nghiên cứu khoa học mà còn hợp tác để hình thành những chương trình liên kết quốc tế, trao đổi sinh viên quốc tế. Thứ 3, cũng nhờ vị thế của ĐHQGHN, có nhiều hơn các bạn sinh viên quốc tế biết đến và theo học tại các trường thuộc ĐHQGHN, đặc biệt là Khoa Quốc tế tạo ra những môi trường quốc tế để các bạn có thể trải nghiệm, đồng thời vì vị thế của trường được nâng cao mà việc chuyển tiếp và được chấp nhận chứng chỉ ở các trường ĐH nước ngoài dễ dàng hơn. Bởi việc trao đổi và công nhận tín chỉ qua lại giữa các trường đại học nước ngoài không phải trường đại học nào trong nước cũng có thể làm như vậy mà cần phải là những trường đại học có danh tiếng, có chất lượng đào tạo được công nhận. Nếu bạn là sinh viên của ĐHQGHN tôi có thể đảm bảo rằng hầu hết các trường nước ngoài bạn đều có thể được công nhận tín chỉ hoặc chuyển tiếp đến các trường đó. Điểm thêm nữa mà bạn có thể nhận được đó là số lượng học bổng khổng lồ dành cho các bạn sinh viên. Ngoài ra, em còn có cơ hội nhận được bằng kép bởi các trường đại học thành viên trong ĐHQGHN.
Không biết điều gì đã thu hút các bạn sinh viên quốc tế đến với ĐHQGHN nói chung và Khoa Quốc tế nói riêng, mong thầy Hiền hãy chia sẻ cho các bạn học sinh biết
TS. Nguyễn Trung Hiển: Nói về vấn đề này, tôi sẽ chia ra thành các nhóm đối tượng. Đối tượng đầu tiên là các bạn sinh viên chuyển tiếp từ các trường đại học nước ngoài đến Khoa Quốc tế. Ngay từ năm 2018, 2019 đã tiếp nhận rất nhiều đợt sinh viên từ trường ĐHQG Singapore, sinh viên từ Canada, Mỹ sang trao đổi và có những hoạt động giao lưu cùng với sinh viên Việt Nam. Lý do mà họ lựa chọn Khoa Quốc tế là bởi tại Việt Nam, ĐHQGHN là một trong các trường đại học Top đầu cùng với vị thế cao trên bản đồ thế giới. Cùng bởi vậy, việc các trường đại học hàng đầu trên thế giới tìm đến hợp tác với Khoa Quốc tế, với ĐHQGHN là hoàn toàn logic, hợp lý. Quay lại với Khoa Quốc tế, hiện nay Khoa có rất nhiều các bạn sinh viên quốc tế đang theo học “full-time” tại Khoa. Sinh viên của chúng tôi đến từ 10 quốc gia và 4 châu lục trên thế giới. Năm nay, do tình hình dịch căng thẳng nên rất nhiều bạn sinh viên đã trúng tuyển hoặc đang chuẩn bị hồ sơ nhưng lại gặp khó khăn để có thể sang theo học tại Khoa. Các bạn chọn Khoa Quốc tế ngoài là một đơn vị trực thuộc ĐHQGHN thì Khoa có bề dày 18 năm đào tạo các chương trình chuẩn quốc tế với công nghệ đào tạo phát triển theo từng quá trình. Hiện tại Khoa đang có 10 Chương trình đào tạo bậc cử nhân và 5 Chương trình đào tạo sau đại học. Tất cả các chương trình tại Khoa đều được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, ngoài lượng giảng viên nước ngoài từ 25-30% với các chương trình cử nhân hoặc 40-50% với các chương trình sau đại học thì lượng giảng viên còn lại của Khoa Quốc tế đều được đào tạo từ nước ngoài về, vì vậy mà tư duy cũng như phương pháp đào tạo rất phù hợp, đáp ứng được kỳ vọng của các bạn sinh viên quốc tế. Từ thực tế quan sát cũng như những chia sẻ của các bạn trên mạng xã hội thể hiện sự hài lòng về giảng viên, sự nhiệt tình, chất lượng đào tạo. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Ngoài ra ở Khoa Quốc tế chúng tôi còn tạo ra nét văn hóa, cộng đồng hội nhập, gắn kết, ví dụ như ngày 24/7 vừa rồi, Khoa có tổ chức ngày hội quốc tế “International Day” để tạo cho các bạn sinh viên quốc tế cũng như các bạn sinh viên trong Khoa sân chơi trẻ trung, tạo sự tương tác, giới thiệu nét văn hóa, bản sắc dân tộc với nhau. Đặc biệt, tới đây Khoa Quốc tế sẽ ra mắt câu lạc bộ sinh viên quốc tế để các bạn được hỗ trợ, được giao lưu sâu và thường xuyên hơn thay vì chỉ tham giam trong các hoạt động lớn. Một ưu điểm nữa, đó là phương thức xét tuyển của Khoa Quốc tế cũng như ĐHQGHN hiện nay rất đa dạng, phù hợp với hệ thống giáo dục quốc tế vì vậy dễ dàng cho các sinh viên quốc tế có thể đăng kí theo học. Và đặc biệt, tới đây khi các chương trình đào tạo bằng kép được triển khai bằng tiếng Anh thì các bạn sinh viên quốc tế cũng có cơ hội nhận được thêm một tấm bằng từ đại học khác thuộc ĐHQGHN. Tất cả những đặc điểm trên chính là lý do rất nhiều bạn sinh viên quốc tế lựa chọn ĐHQGHN nói chung và Khoa Quốc tế nói riêng.
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Tôi sẽ bổ sung thêm một lợi thế mà thường chúng ta quên nhắc đến. Ở ĐHQGHN, tính tự tác, tự học của sinh viên rất cao, chính vì vậy ĐHQGHN cung cấp cho các bạn học sinh lượng học liệu khổng lồ, những cơ sở dữ liệu phục vụ việc học tập rất mạnh, thư viện điện tử cũng phát triển lớn mạnh đáp ứng được nhu cầu của sinh viên rất nhiều. Lợi thế đấy có thể không được mọi người nhìn thấy quá rõ, nhưng điều ấy đối với một chương trình đào tạo, một người học thì học liệu như người thầy thứ hai. Ít có nhiều trường đại học có cơ sở dữ liệu lớn như ĐHQGHN. Với các bạn sinh viên quốc tế đến với chúng ta, gặp khó khăn nếu các học liệu phải dịch từ tiếng Việt, vì vậy nguồn học liệu dồi dào giúp các em có khả năng tự học để những bước đầu thuận lợi hơn. Ngay cả các bạn học sinh trong nước cũng vậy, có nguồn học liệu lớn như vậy, các bạn rèn được khả năng tự học, tự kiểm tra và tiếp cận được với thế giới bao la hơn.
Việc xét tuyển đối với những bạn thí sinh ban đầu có dự định du học ở các trường và khoa trong ĐHQGHN có thuận lợi không thưa thầy?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Trước hết, ta phải nói rằng không vì lý do dịch Covid mà ảnh hưởng tới hoạt động của ĐHQGHN. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ sinh viên quốc tế đến học tại ĐHQGHN tăng lên nhiều theo thời gian và tỉ lệ các sinh viên xét tuyển theo bậc THPT hay chương trình quốc tế rất nhiều. Do vậy, phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN đa dạng dần, và mở rộng phạm vi đối tượng để các em có thể đặt nhiều mục tiêu nhưng đích đến chỉ có 1, ví dụ như chương trình du học tại chỗ tại ĐHQGHN, các em vẫn đạt được mục tiêu là một tấm bằng của đại học nước ngoài, một chuyên ngành mong muốn, kết quả đào tạo mong muốn để mình trở thành công dân toàn cầu, mình có thể làm việc ở Việt Nam hay bất kỳ nước nào trên thế giới. Do vậy, từ năm 2017-2020, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển truyền thống như xét điểm thi THPT, năm 2017 có thêm xét tuyển A-LEVEL, năm 2018 xét tuyển thêm bằng điểm SAT, ACT… Tiếp đến, chúng ta sẽ hướng tới cả các bạn sinh viên nước ngoài ở các bậc học khác nhau đang học tại một trường đại học tại nước ngoài hay chuyển trường về ĐHQGHN hoặc các em tốt nghiệp bậc THPT ở nước ngoài, nếu em có quốc tịch nước ngoài thì em sẽ xét tuyển là sinh viên nước ngoài, nếu sinh viên là người Việt Nam như là con em đại sứ quán, con em Việt kiều học THPT ở nước ngoài thì sẽ xét tuyển như thế nào thì chúng tôi đang cân nhắc, xem xét ở mọi góc cạnh để phù hợp với tình hình thực tế mà vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo. Khoa Quốc tế còn có nhiều phương thức xét tuyển đa dạng hơn nữa trong quá trình xét tuyển và trong từng trường hợp xem xét cụ thể.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Đó là phương thức xét tuyển chung của ĐHQGHN đang áp dụng cho tất cả các trường ĐH thành viên và các Khoa trực thuộc. Còn ở Khoa Quốc tế có những chương trình do ĐH nước ngoài cấp bằng thì Khoa cũng triển khai phương thức xét tuyển theo học bạ và có tổ chức phỏng vấn để làm rõ được kế hoạch học tập, lộ trình nghề nghiệp, mong muốn phát triển sự nghiệp sau này của ứng viên. Đó là những phương thức xét tuyển tôi cho rằng rất phù hợp trong bối cảnh chung, mang tính chất hội nhập trong phương thức xét tuyển.
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Theo quan sát, tôi nhận thấy rằng 2 tuần trở lại đây, các thông tin về du học sinh trở lại Việt Nam để theo học tương đối nhiều và thế mạnh của Khoa Quốc tế có 2 thế mạnh đó là đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và chương trình liên kết quốc tế và chương trình này có sự đa dạng hơn so với chương trình chuẩn có thể xét tuyển theo kết quả chương trình THPT ngay lập tức, có sự phỏng vấn, trao đổi kiến thức, thông tin về trường và các chương trình đào tạo để các em nắm được. Tôi tin rằng các chương trình liên kết quốc tế tại Khoa Quốc tế là điểm hấp dẫn các du học sinh theo học tại Khoa.
Trở lại ý mà chúng ta đang thảo luận là Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Khoa Quốc tế nói riêng đang áp dụng ngày càng cập nhật các phương thức tuyển sinh mà các trường đại học uy tín trên thế giới cũng đang áp dụng để đánh giá được đa dạng kiến thức của các em để nhận các em vào học tại một môi trường chất lượng cao. Tất nhiên là các bạn có dự định đi du học sẽ có sự chuẩn bị về IELTS hay TOEFL, A-LEVEL, SAT nên phương án xét tuyển mà ĐHQGHN đưa ra rất phù hợp với các bạn. Vậy thì đối với các bạn xét tuyển theo các phương thức khác có được xét tuyển trước khi đăng ký nguyện vọng thi TN THPT không ạ?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Các em sẽ đăng ký xét tuyển trước khi xét tuyển là đối tượng thi THPT. Theo kế hoạch của ĐHQGHN thì các bạn sẽ được biết kết quả trước tùy theo từng trường ĐH thành viên. Thông báo từ các trường sẽ chi tiết hơn, có trường sẽ là 21-8, có trường là 24-8 hoặc 28-8 nhưng theo quy định chung các bạn sẽ biết được kết quả xét tuyển bằng các phương thức khác ngoại trừ xét tuyển bằng điểm thi THPT trước ngày 30-8. Đối với các du học sinh đang học tại nước ngoài thì Bộ giáo dục cũng đang có kế hoạch phù hợp để có thể kéo dài thời gian hơn vì tới năm nay chúng ta mới có trường hợp du học ngược là các bạn đi xong rồi quay về nên Bộ đang nghiên cứu để lựa chọn mốc thời gian phù hợp nhất cho các bạn hơn cả mà vẫn đảm bảo được kế hoạch đào tạo.
Vậy đối với Khoa Quốc tế - ĐHQGHN thì sao ạ, đối với các bạn du học sinh nước ngoài, các bạn có lộ trình học tập đa dạng thì Khoa Quốc tế có phương án tiếp nhận như thế nào? Điều kiện để tiếp nhận các bạn có phù hợp, thủ tục có kéo dài không?
TS. Nguyễn Trung Hiển: Hiện nay Khoa Quốc tế - ĐHQGHN đã ra được thông báo chính thức về việc tiếp nhận các nhóm đối tượng là du học sinh có nhu cầu quay trở lại việt Nam để theo học tại các cơ sở trong nước. Về mặt quy trình, hiện nay Khoa có các chương trình chuẩn do ĐHQGHN cấp bằng và các chương trình do đối tác nước ngoài cấp bằng. Đối với chương trình do ĐHQGHN cấp bằng nếu các em đã đang theo học tại một trường đại học rồi và vẫn còn kết quả chứng chỉ quốc tế các em có thể gửi về Việt Nam để chúng tôi xem xét. Cùng với đó các em gửi kết quả học tập tại nước ngoài, tất nhiên chúng tôi cũng mong muốn các em theo học các chương trình gần như chương trình học mà các em đang theo học tại nước ngoài để có thể xem xét miễn giảm được tối ưu nhất. Ngoài ra, đối với các chương trình do đối tác nước ngoài cấp bằng chúng tôi cũng cơ bản có sự đối chiếu các phương thức xét tuyển khác nhau xem có tiếp nhận được không. Đồng thời cũng trao đổi với bên đối tác để miễn giảm các tín chỉ và môn học các em đã học ở nước ngoài để bớt thời gian học của các em. Ngoài ra, Khoa Quốc tế cũng rất linh hoạt trong giai đoạn này các em có nhu cầu quay trở lại học các môn học tại Khoa Quốc tế bằng tiếng Anh. Nếu trong thời kỳ dịch bệnh, các em muốn quay trở lại học tại trường gốc thì chúng tôi cũng rất hỗ trợ về chuyển đổi bảng điểm và khung chương trình để các em có thể tiếp tục quá trình học bình thường. Tôi tin rằng đó là những hỗ trợ rất kịp thời của Khoa Quốc tế trong khi vẫn bám rất sát các quy định của Bộ hay ĐHQGHN.
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Quay lại với câu chuyện này, khi sinh viên đã đăng ký theo học tại một trường đại học tại nước ngoài thì có một vài trường hợp. Trường hợp thứ nhất là em là năm thứ nhất đã học đủ bao nhiêu tín chỉ rồi thì sẽ được xem xét tiếp nhận vì không có chuyện các em không học gì trong suốt một năm trời, bảng điểm gần như là không có gì thì chúng tôi không thể xem xét tiếp nhận trường hợp đó. Trường hợp thứ hai đó là sinh viên năm cuối và em chỉ còn 5-10 tín chỉ thì sẽ không có một trường đại học nào trên thế giới tiếp nhận. Tôi cũng tin rằng sẽ khó để trường hợp này xảy ra khi các em học 90% ở trường này rồi và quay lại ĐHQGHN học nốt để nhận bằng từ ĐHQGHN. Còn về việc chuyển đổi tín chỉ, thì tôi nghĩ với vị thế của ĐHQGHN hiện nay, các em sẽ được các trường sở tại đồng ý quay về ĐHQGHN để hoàn thành chương trình cử nhân. Còn đối với các em sinh viên năm thứ 1, thứ 2, thứ 3, chúng ta sẽ xem xét bảng điểm học tập, số tín chỉ tích lũy, đầu vào trường gốc như thế nào thì những tín chỉ nào ĐHQGHN sẽ cấp bằng hay những tín chỉ nào các em nghiễm nhiên được chuyển đổi kết quả, nhwuxng tín chỉ còn thiếu các em phải học bổ sung. Những chương trình đào tạo mà ở nước ngoài người ta chỉ rõ là ngành này thì về ĐHQGHN chúng tôi cũng có những chương trình tương đương, không nói là 100% thì chúng tôi sẽ công nhận 30% tín chỉ tương đương để các em hoàn thành nốt. Về cụ thể thì các bộ phận chuyên môn, hội đồng tuyển sinh, phòng CTHSSV, phòng Đào tạo sẽ tham vấn và tiếp nhận các trường hợp đó.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì chủ tịch hội đồng tuyển sinh của Khoa cùng các ban chuyên môn cũng lập một ban chuyên trách để hỗ trợ và xử lý nhanh nhất cho các thí sinh thuộc các trường hợp mà chúng ta đang nhắc đến về việc công nhận tín chỉ và khả năng theo học tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN.
Giả sử dịch bệnh sẽ lắng xuống và tình hình của các nước sẽ ổn định trong vòng một hai năm tới thì cơ hội du học trở lại hay giao lưu trao đổi sinh viên quốc tế tại ĐHQGHN nói chung và Khoa Quốc tế nói riêng sẽ như thế nào? Điều kiện, yêu cầu như thế nào? thủ tục với các bạn ra sao? có chi phí phát sinh gì không?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Đối với đại dịch Covid-19, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng dịch bệnh sẽ được giải quyết khi cả thế giới đang chung tay chống lại dịch bệnh. Còn về phía ĐHQGHN, theo thống kê đã có hơn 20 chương trình liên kết quốc tế, 28 chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy một phần, đa phần thậm chí có một số chương trình phần lớn giảng dạy bằng tiếng anh theo chuẩn quốc tế. Những chương trình này vẫn cho phép các em trao đổi hoặc đối với các chương trình giảng dạy đa phần bằng tiếng anh thì các em đã hoàn thành 30% các học phần và quay về ĐHQGHN du học thì các em sẽ được giảng dạy các môn học bằng tiếng anh. Một điều nữa là các em có thể chuyển sang các chương trình đào tạo chuẩn như các em mong muốn bằng tiếng Việt. Đối với các em du học sinh quốc tế các em cũng có thể học các chương trình bằng tiếng Việt, rất nhiều bạn sinh viên nước ngoài ở Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… du học sẽ học các chương trình tiếng Việt còn các bạn sinh viên Việt Nam có thể không cần theo học các chương trình đó.
ĐHQGHN cũng có công văn 2092 chỉ đạo các đơn vị thành viên, khoa trực thuộc phải công bố chi tiết các ngành đào tạo có tiếp nhận du học sinh trên website để các em tìm hiểu các ngành gần, ngành tương ứng với ngành đang theo học và các thủ tục cần thiết như chiết xuất bảng điểm, đơn đăng ký, nguyện vọng theo học chương trình nào tại ĐHQGHN để hội đồng tuyển sinh xem xét. Hay là học phí hay các chương trình học bổng, hợp tác giữa hai trường như thế nào tùy thuộc vào các đơn vị trực thuộc công bố. Ví dụ như Khoa Quốc tế - ĐHQGHN có hợp tác với trường đối tác thì lúc đó thỏa thuận giữa hai bên về học phí, nộp bên này hay bên kia hay từng trường hợp như thế nào sẽ vào từng khuôn khổ hợp tác như thế. Việc đầu tiên bây giờ là các em cần tìm hiểu ngành nào mình chọn, trường nào mình chọn và tìm hiểu các thông tin, liên hệ cán bộ tuyển sinh. Như Khoa Quốc tế có một đội ngũ sẵn sàng tiếp cận, sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận học sinh để giúp đỡ các em nhiều nhất có thể.
Còn ở Khoa Quốc tế, thầy Hiển có thể cho biết là cơ hội của các bạn như thế nào được không ạ? Ví dụ một bạn thí sinh 2k2 đăng ký chương trình 2+2 và bạn muốn 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm sau được đi du học thì nhà trường sẽ tạo cơ hội như thế nào ạ?
TS. Nguyễn Trung Hiển: Ở Khoa Quốc tế cơ hội cho các bạn đi du học là rất lớn và tôi cũng xin khẳng định đây là lợi thế của Khoa Quốc tế khi khoa đào tạo 10 chương trình cử nhân và 5 chương trình thạc sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Do đó, việc học các chương trình này sẽ là lợi thế lớn cho các bạn mong muốn năm 3, năm 4 được theo học tại các trường đối tác nước ngoài. Hiện nay, Khoa Quốc tế cũng có mạng lưới đối tác giáo dục lớn bao gồm các trường đại học uy tín nước ngoài. Chính vì vậy, các em sẽ dễ dàng được công nhận kết quả học tập năm 1, năm 2 hay công nhận tín chỉ tương đương khi đăng ký du học, chuyển tiếp tại các trường đối tác. Ở Khoa có 2 nhóm mô hình, thứ nhất là nhóm các chương trình do ĐHQGHN cấp bằng thì chúng tôi đã xây dựng các thỏa thuận hợp tác, các thỏa thuận công nhận tín chỉ theo mô hình 2+2 để các em có thể sang Anh, sang Úc để theo học. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có các chương trình liên kết do trường đại học nước ngoài cấp bằng thì các em hoàn toàn có thể theo học 2 năm tại Khoa Quốc tế và 2 năm tại trường đối tác cấp bằng đó. Ngoài ra, các chương trình chuyển tiếp khác các em học sinh và các bậc phụ huynh có thể truy cập website chuyentiep.khoaquocte.vn để nắm thêm thông tin cụ thể. Thêm nữa, tôi cũng đã nhắc tới một mô hình hoàn toàn mới đó là mô hình song bằng, chúng tôi hợp tác với ĐH Keuka (Hoa Kỳ) với chương trình Quản lý và ĐH HELP (Malaysia) với chương trình Marketing. Với sinh viên theo học các chương trình này, các em chắc chắn đã có một học kỳ được sang học tập tại Hoa Kỳ hoặc Malaysia đồng thời cũng có những trải nghiệm của du học sinh và được thực tập thực tế tại các doanh nghiệp nước ngoài. Đại dịch Covid chắc chắn có thể được giải quyết nên tôi tin rằng việc các em tới kỳ thứ 5 có thể chuyển tiếp sang học tập tại nước ngoài là rất khả thi. Ngoài ra, nếu các em có kết quả học tập tốt cũng có thể apply các loại học bổng của trường đối tác nước ngoài, đó là những cơ hội rất là lớn đối với các em.
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Đối với tôi, tôi lại nhìn theo một hướng khác, ngoài việc sinh viên muốn quay về ĐHQGHN học thì có thể sau khi học tại ĐHQGHN các em sẽ không muốn trở lại trường gốc nữa. Các em sinh viên hầu hết là những em tốt nghiệp THPT 18 tuổi, thế giới quan của các em hội tụ hết ở trong cổng trường và định hướng ngành nghề của các em hầu như là có người thân, bố mẹ giúp đỡ. Và khi các em đi du học tại nước ngoài trở về học môi trường trong nước các em sẽ có sự đối sánh, mà đối sánh sẽ có những điểm ưu, điểm nhược. Có những em nhận ra được các em đi vòng quanh thế giới thì ĐHQGHN hay Khoa Quốc tế lại là môi trường phù hợp với em. Điểm thứ 2 nữa là, ưu điểm của chương trình liên kết quốc tế là các bạn học ở nước ngoài sẽ có ưu thế về tiếng Anh rồi, trong khi chương trình liên kết quốc tế yêu cầu chuẩn đầu vào là tiếng Anh trình độ B2, thì các em nghiễm nhiên đạt được yêu cầu đó và chỉ cần tiếp cận chuyên môn chuyên ngành. Và các em cũng dễ dàng chấp nhận môi trường đại học hơn khi đã theo học một thời gian tại nước ngoài.
Khi các bạn trở về Việt Nam thì ĐHQGHN hay Khoa Quốc tế có chương trình học bổng nào mà các bạn có thể tìm hiểu hay không ạ?
GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo: Học bổng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bạn sinh viên. Khi các em đi du học có 2 nguồn là học bổng các em đã xin được ở đâu đó rồi hai là tự túc. Khi các em đã xin được học bổng 4 năm thì khi cần phải chuyển tiếp về ĐHQGHN thì các em có thể liên hệ với tổ chức cấp học bổng để trao đổi về việc do tình hình như thế này và em sẽ chuyển về học 1 phần hoặc toàn phần tại ĐHQGHN thì tổ chức đó sẽ xem xét có tiếp tục tài trợ cho em nữa hay không. Trường hợp thứ 2 là các em đi theo diện tự túc thì phải căn cứ theo kết quả học tập tại trường sở tại của các em, chúng ta phải có sự công bằng giữa các sinh viên học tại ĐHQGHN và các sinh viên du học vì nguồn học bổng là hữu hạn, các em phải cạnh tranh một cách bình đẳng. Nếu các em đáp ứng được các yêu cầu đề ra thì nhà trường sẽ cấp học bổng cho các em. Về quỹ học bổng của ĐHQGHN thì quỹ lên tới hàng chục tỷ đồng, riêng với sinh viên năm nhất các em sẽ có học bổng dài hạn áp dụng cho toàn khóa, còn sinh viên các năm khác sẽ được các loại học bổng thường niên dựa theo kết quả học tập và rèn luyện từng học kỳ. ĐHQGHN đã thông tin rất cụ thể về chính sách học bổng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như là cách làm hồ sơ. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách công bằng, mức sống tại Hà Nội cũng cao những có thể không cao bằng các nước phát triển và khi các em đã đủ khả năng theo học tại nước ngoài thì hoàn toàn có thể theo học với mức học phí tại ĐHQGHN. Chúng ta hướng tới tìm kiếm một môi trường mới, những giảng viên mới và chính các em cũng là những nhân tố mang lại sự đa dạng cho bức tranh đào tạo của đơn vị tiếp nhận, mang đến những thay đổi tích cực.
TS. Nguyễn Trung Hiển: Ở Khoa Quốc tế chúng tôi cũng có những hệ thống học bổng dài hạn và cũng có những hệ thống học bổng ngắn hạn đó là đánh giá sinh viên dựa theo kết quả học tập và rèn luyện của các em. Quỹ học bổng của chúng tôi cũng rất lớn và định kỳ chúng tôi sẽ dựa theo kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên để cấp học bổng cho những bạn có kết quả xuất sắc. Vì vậy, dù là sinh viên trong nước hay sinh viên du học thì đều có cơ hội cạnh tranh bình đẳng như nhau. Ngoài ra, với tư cách là sinh viên của ĐHQGHN các bạn có thể apply hơn 30 loại học bổng ngoài ngân sách của ĐHQGHN triển khai thường kỳ. Tôi cũng rất vui là sinh viên có nhiều cơ hội nhận được học bổng đa dạng từ nhiều đơn vị khác nhau ngoài Khoa Quốc tế.
Em có IELTS vừa thi tháng 4 năm 2020, làm sao em đăng ký học bổng tại Khoa Quốc tế ạ?
TS. Nguyễn Trung Hiển: Trong mục tiêu đào bồi nhân tài, Khoa Quốc tế đang ngày càng hoàn thiện hơn chính sách học bổng và nâng quỹ học bổng của Khoa Quốc tế lên. Năm 2020, Khoa đã nâng quỹ học bổng dài hạn lên gấp 3 lần so với những năm trước với 30 suất học bổng toàn phần cho đối tượng tuyển thẳng bao gồm các học sinh đạt được giải thưởng trong các kỳ thi cấp quốc gia, các em thuộc đối tượng trường chuyên hoặc các trường THPT đạt giải olympia, các em có chứng chỉ tiếng anh IELTS, SAT hay ACT. Với trường hợp của em Huy về cơ bản em có cơ hội nhận được học bổng toàn phần của Khoa Quốc tế với trị giá lên tới hơn 260 triệu đồng. Ngoài ra Khoa Quốc tế cũng có hệ thống học bổng dài hạn cho những em thủ khoa đầu vào hay thủ khoa các chương trình đào tạo. Chi tiết hơn, các em học sinh và các bậc phụ huynh có thể truy cập vào website, fanpage hoặc gọi vào số hotline của Khoa Quốc tế để nhận được hướng dẫn cụ thể nhất.
>>> Xem chương trình Live Talk tại ĐÂY: