Bạn đã bao giờ để ý rằng có rất nhiều quảng cáo xung quanh mình mỗi ngày và thậm chí bạn đang coi đó như một nguồn thông tin hữu ích để quyết định việc mua sắm của bản thân? Điều này chính là một phần của hoạt động Marketing. Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ đã giúp lĩnh vực Marketing dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nhóm khách hàng của mình và cũng khiến nó trở thành một trong những hoạt động quan trọng và năng động nhất của một doanh nghiệp. Điều đó cũng giúp các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực Marketing có nhiều cơ hội trải nghiệm để khám phá, phát triển bản thân.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những nội dung cần biết về Marketing để có cái nhìn tổng quát nhất về ngành này trước khi lựa chọn nó cho sự nghiệp tương lai của mình.
Marketing là gì? Học viện Marketing Chartered định nghĩa Marketing là "Quy trình quản lý chịu trách nhiệm xác định, dự đoán và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tạo ra lợi thế cạnh tranh". Trong quá trình này, các nhà tiếp thị có thể hướng sản phẩm đến các doanh nghiệp khác (marketing B2B) hoặc trực tiếp hướng đến người tiêu dùng (marketing B2C).
Chuyên ngành này tập trung vào nghiên cứu thị trường, hành vi của người tiêu dùng và phân tích quản lý thương mại của các công ty, từ đó đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm, phương thức phân phối, bán hàng và quảng cáo để thu hút và giữ chân khách hàng với hy vọng khơi dậy lòng trung thành đối với thương hiệu bằng cách thỏa mãn mong muốn và nhu cầu của họ.
Theo định nghĩa dành cho các nhà quản lý, marketing được ví như "nghệ thuật bán hàng". Peter Drucker, nhà lý thuyết quản lý hàng đầu cho rằng: "Những mục đích và ý nghĩa của ngành marketing là làm sao để biết và hiểu rõ khách hàng thật tốt sao cho sản phẩm hoặc dịch vụ chúng ta cung cấp thích hợp nhất với người đó, và tự nó sẽ bán được nó".
Hiện nay, Marketing được chia làm 4 mảng lớn:
Brand team: Đây là mảng đầu tiên mở đường cho quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Brand team sẽ lên các kế hoạch định hướng phát triển và quản trị thương hiệu, sau đó sẽ thông qua các chiến dịch truyền thông để giao tiếp với khách hàng từ đó thay đổi nhận thức về sản phẩm, thói quen và hành vi của họ.
Research Agency: là mảng chuyên nghiên cứu thị trường trước và sau khi sản phẩm được tung ra. Các nhân viên trong mảng này sẽ thu thập dữ liệu, thông tin cần thiết rồi tiến hành xử lý và phân tích chúng để đưa ra những chiến lược, định hướng cho các chiến dịch Marketing sau này.
Creative Agency: Sau khi Brand team đưa ra kế hoạch cho sản phẩm mới thông qua các nghiên cứu của bộ phận nghiên cứu thị trường thì người làm Creative Agency sẽ biến những chiến lược, kế hoạch đó thành sản phẩm thực tế nhằm tăng khả năng nhận diện sản phẩm.
Trade Marketing: Đây là hoạt động cuối cùng nhằm kích thích sức mua của khách hàng tại điểm bán. Các chương trình khuyến mại, chiến lược kích cầu hay phân phối sản phẩm đều được vận dụng trong mảng này để đem lại doanh thu cao nhất cho các công ty.
Bên cạnh đó, Digital Marketing - tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số cũng là một khía cạnh đang phát triển rất sôi động cả trên thế giới cũng như ở thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Bắt kịp với những phát triển của công nghệ số, các doanh nghiệp, tổ chức đang áp dụng tiếp thị online như một cách để tăng tương tác với khách hàng khi Internet và mạng xã hội đã trở thành một thị trường tiếp thị đầy tiềm năng.
Theo chương trình đào tạo Cử nhân ngành Marketing tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, sinh viên sẽ được đi sâu vào nghiên cứu về tiếp thị, tiếp thị kỹ thuật số, hành vi người tiêu dùng, quản lý phân phối và cung ứng, quản trị bán hàng, marketing thương mại, quảng bá sản phẩm, truyền thông marketing tích hợp, chiến lược marketing toàn cầu, lập kế hoạch và chiến lược marketing cạnh tranh… Cùng với đó, sinh viên cũng được học các môn về trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, kho dữ liệu và phân tích kinh doanh, quản trị hoạt động, quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh, luật kinh tế hay quản trị nguồn nhân lực và khởi nghiệp. Đặc biệt, các môn học đều được đào tạo bằng tiếng Anh - kỹ năng không thể thiếu đối với những ai muốn trở thành một Marketer chuyên nghiệp muốn bắt nhịp và cập nhật nhanh các xu hướng Marketing mới nhất trên thế giới.
Học ngành Marketing có dễ xin việc không? Câu trả lời là có. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, nhu cầu nhân lực ngành Marketing dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tới và nhanh hơn so với mức trung bình các ngành nghề.
Khi nói về triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam, ông Hermanrwan Kartajaya, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới nhận xét: “Nhân sự ngành Marketing ở Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới cùng với sự gia tăng của đầu tư nước ngoài”. Vì vậy mà có thể khẳng định đây là ngành học có nhu cầu nhân lực rất cao, triển vọng nghề nghiệp trong tương lai cũng vô cùng hấp dẫn.
Việc làm cho các sinh viên ngành Marketing không bị giới hạn ở bất kỳ tổ chức hay ngành công nghiệp nào mà trải dài trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế từ ngành Khách sạn, xây dựng, bán lẻ tới thực phẩm, kiến trúc hay giáo dục… Các bạn tốt nghiệp ngành này có thể làm chuyên viên nghiên cứu và phân tích thị trường, nhà tiếp thị truyền thông xã hội, nhà quản lý sản phẩm, chuyên gia hoạch định chiến lược marketing, chuyên gia quảng cáo, giám đốc PR marketing, quản lý tổ chức sự kiện, quản lý thương hiệu. Ngoài ra, sinh viên có thể làm các công việc về mảng sales như: đại diện quảng cáo bán hàng, chuyên viên bán hàng, nhân viên, trưởng phòng, giám đốc kinh doanh, chuyên viên giám sát kinh doanh, quản lý tiêu thụ sản phẩm…
Theo US News & World Report, những sinh viên mới ra trường có nền tảng giáo dục về tiếp thị kiếm được mức lương trung bình khoảng 40.000 USD mỗi năm. Các nhân viên ở tầm trung kiếm được là 78.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, chính xác số tiền bạn có thể kiếm được phụ thuộc rất nhiều vào công việc bạn làm, năng lực triển khai cũng như mức độ cống hiến cho doanh nghiệp. Các chuyên gia quan hệ công chúng có mức lương trung bình hàng năm là 54.000 USD. Các nhà phân tích nghiên cứu thị trường mang về mức lương trung bình là 60.000 USD mỗi năm. Các nhà quản lý bán hàng thu nhập trung bình là 105.000 USD, trong khi các nhà quản lý quảng cáo, khuyến mãi và tiếp thị kiếm được 116.000 USD hàng năm.
Trang Usnews đã đề cập đến những đặc điểm tính cách có thể phù hợp với chuyên ngành Marketing: “Chuyên ngành này yêu cầu những gì thuộc về kỹ năng như tư duy phản biện, sáng tạo, kỹ năng phân tích và kiến thức về xu hướng truyền thông. Ngành này phù hợp với những bạn muốn tìm hiểu sâu hơn kiến thức tiếp thị, muốn làm việc với các thương hiệu và sản phẩm. Những người có hứng thú với tâm lý học có thể phù hợp với marketing, vì nhiều bài học trong chương trình về hành vi của người tiêu dùng dựa trên các nguyên tắc tâm lý học. Đối với những sinh viên có đầu óc khoa học cũng có thể suy nghĩ tới ngành học này theo các vị trí công việc liên quan tới kỹ thuật tiếp thị và phân tích thị trường. Bên cạnh đó, kỹ năng tổ chức và giao tiếp, kỹ năng sáng tạo và phân tích là cần thiết, hữu ích cho hầu hết các mảng của marketing, những bạn có những khả năng này sẽ dễ dàng phát triển trong ngành marketing”
Trước nhu cầu nhân lực Marketing, nhiều trường đại học cũng đưa ngành này vào hệ thống giảng dạy của mình. Đầu tiên phải kể đến Khoa Quốc tế - ĐHQGHN. Từ năm học 2020 - 2021, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN hợp tác cùng Đại học HELP (Malaysia) triển khai chương trình đào tạo song bằng ngành Marketing với mục tiêu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Sinh viên học ngành này khi ra trường sẽ nhận được 2 tấm bằng cử nhân do ĐHQGHN và ĐH HELP cấp. Trong quá trình học, các sinh viên đều có 1 kỳ chuyển tới ĐH HELP để học tập, kết nối và trau dồi khả năng với mức học phí không đổi.
Chương trình đào tạo này tại Khoa Quốc tế có mã ngành QHQ06, các tổ hợp xét tuyển điểm thi THPTQG: A00, A01. D01 và D96. Ngoài ra ngành này cũng áp dụng các phương thức xét tuyển bằng điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 trở lên hoặc tương đương, điểm A-Level/SAT hoặc tuyển thẳng.
Ngoài ra, các bạn vừa đam mê Marketing vừa yêu thích lĩnh vực quản lý có thể tham khảo chương trình Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp) do Khoa Quốc tế liên kết với ĐH Keuka – Hoa Kỳ. Chương trình áp dụng hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPTQG, điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS/TOEFL hoặc xét tuyển bằng học bạ. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về chương trình này tại ĐÂY.
Các thông tin sẽ được thông báo trên các kênh truyền thông của Khoa sau khi có các thông báo chính thức mới nhất.
Các bạn có thể tham khảo điểm chuẩn vào Khoa Quốc tế những năm trước tại ĐÂY.
Xem thêm:
>>> Ngành nào tại Khoa Quốc tế sẽ phù hợp với bạn
>>> Sự khác biệt giữa ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính với ngành Công nghệ thông tin