Chương trình VNUIS Live Talk với chủ đề số 4: “CHINH PHỤC NGÀNH KẾ - KIỂM TẠI ĐẠI HỌC QUỐC TẾ” với sự tham gia của các chuyên gia và các thầy cô Khoa Quốc tế: Bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng nhân sự cấp cao - Deloitte Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Xã hội, Kinh tế & Quản lý và ThS. Đào Thị Thanh Hoa, Trưởng Bộ phận Tuyển sinh đã cung cấp nhiều bí kíp “để đời” giúp các bạn học sinh THPT sẵn sàng hành trang chinh phục ngành Kế toán, Kiểm toán và Tài chính ngay từ khi mới bước chân vào cánh cửa đại học, hay trả lời câu hỏi liệu rằng mình có phù hợp với ngành này hay không. Chúng tôi xin được giới thiệu toàn văn các nội dung câu hỏi và trả lời trong chương trình.
“Kế toán và kiểm toán khác nhau như thế nào? Sinh viên học Kế-Kiểm có thể làm việc trong lĩnh vực gì?”
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh: Cô sẽ bắt đầu với ví dụ trực quan, giả sử gia đình em giống như một công ty, để kiểm soát được việc chi tiêu trong gia đình nên quyết định mẹ sẽ là người ghi lại những khoản thu, chi trong gia đình để xem một năm gia đình tiết kiệm được bao nhiêu. Hết một năm, mẹ sẽ đưa cho bố một bản báo cáo nhưng bố lại thấy nhiều số không hiểu được, nên gửi cho bác Thanh ngoài gia đình và bác Thanh nói lại với bố là mẹ đã chi tiêu đúng và chính xác rồi. Như vậy trong ví dụ này, mẹ sẽ làm công việc của người kế toán, bác Thanh sẽ làm công việc của người kiểm toán.
Tương tự như vậy với các doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng có những khoản thu chi. Họ hoạt động với mục đích tạo ra lợi nhuận nên hết một năm làm việc họ cũng cần tính toán xem tiền lãi là bao nhiêu, chính vì vậy cuối năm doanh nghiệp sẽ có báo tài chính nộp cho các cơ quan có liên quan như cơ quan thuế, ngân hàng hay các nhà đầu tư. Dựa vào đó mà các nhà đầu tư ra quyết định có đầu tư hay không. Ví dụ công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán thì họ sẽ ra quyết định mua hay bán cổ phiếu trong thời gian tới. Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng có thể không có nhiều kiến thức về các con số này giống như bố ở ví dụ trên thì để xác định tính chính xác họ sẽ tìm đến công ty về kiểm toán để giúp thẩm định lại. Sau khi các kiểm toán viên làm việc xong sẽ ra một bản báo cáo xác nhận báo cáo tài chính trên có hợp lý, trung thực,đáng tin cậy không và đó sẽ là căn cứ cuối cùng để nhà đầu tư ra quyết định.
Kiến thức Kế-Kiểm giúp các em có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, kho bạc hải quan,.... Đặc biệt hiện nay thì các bạn có thể làm việc ở các công ty kiểm toán lớn như BIG4 là một ví dụ.
Trong suốt nhiều năm, TOP 4 tập đoàn Kiểm toán đa quốc gia đều lọt vào TOP 10 các công ty, tập đoàn được sinh viên học Kế toán-Kiểm toán khao khát chinh phục nhất. Tại vị trí là một quản lý cấp cao tại Deloitte một trong 4 ông lớn với nhiều năm kinh nghiệm, bà Hà có thể chia sẻ những điều mà Deloitte tìm kiếm ở một nhân sự trẻ được không ạ?
Bà Vũ Thị Thu Hà: Deloitte được nhiều em học sinh nói đấy là mơ ước của em ra trường. Thực tế thì mỗi năm công ty có 2 đợt tuyển nhân sự, chủ yếu là các bạn sinh viên mới ra trường, các bạn đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau tuy nhiên các bạn học chuyên ngành Kế - Kiểm sẽ là ưu tiên hàng đầu của Deloitte bởi vì các em đã được đào tạo cơ sở nền rất là tốt nên khi vào Deloitte chúng tôi sẽ đào tạo thêm các kỹ năng để đi phục vụ khách hàng.
Tôi đã cùng các bạn sinh viên trải qua rất nhiều đợt phỏng vấn, thông thường mọi người thường quen với mô hình ASK (Attitude-Skill-Knowledge). Mọi người đều hiểu như vậy tuy nhiên lại chưa hiểu sâu, ví dụ như chính xác thì thái độ như thế nào mới đáp ứng kỳ vọng mà người tuyển nhân sự cần.
Lời khuyên của tôi là thái độ nằm ở sự chuẩn bị kỹ càng của các em cho nghề nghiệp này. Sự chuẩn bị kĩ thể hiện ở chỗ các em có thực sự hiểu ngành nghề này hay không, các em có khát khao theo đuổi nghề nghiệp này hay không và em phải thể hiện được điều đó cho nhà tuyển dụng thấy.
Tôi lấy ví dụ: Với các em học sinh, khi chứng kiến các anh chị làm về Kế-Kiểm thì thấy rất thích. Nhưng khi em thích thì phải đi đôi với hành động, chỉ dừng lại ở thái độ yêu thích ngành nghề thì vẫn chưa đủ. Em hãy thể hiện khao khát được làm Kế toán, Kiểm toán, được làm cho Big4, cho Deloitte bằng cách lập tức tìm hiểu luôn “Các chương trình kế toán, kiểm toán sẽ dạy những gì?; Mình cần học những gì để đi theo ngành này? Hay học ở đâu, môi trường như thế nào là tốt?...”
Khi em xác định những lộ trình như vậy và làm theo thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ thấy được em có mong ước làm việc trong ngành Kế toán, Kiểm toán, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phù hợp cho vị trí này. Đồng thời, khi có sự chuẩn bị tốt thì trên lộ trình em đi sẽ có thể cùng lúc tích hợp được cả kỹ năng và kiến thức. Như vậy sẽ đủ khả năng tham gia ngành Kế toán, Kiểm toán cũng như tham gia vào công ty của các ông lớn.
Với những chia sẻ của bà Hà về yêu cầu của nhà tuyển dụng thì liệu chương trình Kế toán, Kiểm toán của Khoa Quốc tế có đáp ứng được nhu cầu đó không?
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh: Khoa Quốc tế có ngành Kế toán, Phân tích và Kiểm toán (KTPT&KT) bao hàm được nội tại của ngành Kế-Kiểm. Quá trình phát triển chương trình này tại Khoa Quốc tế có sự đóng góp của các giảng viên ưu tú cũng như các đối tác doanh nghiệp để xây dựng được khung chương trình được đánh ra cao, sát với thực tế. Ngoài ra, chương trình học này còn có các mảng kiến thức về Quản lý giám sát, Kế toán, Kiểm toán bộ hay Tài chính. Khoa Quốc tế rất tự tin với chương trình đào tạo của mình, không chỉ đáp ứng hệ thống lý luận mà còn phù hợp với các trường hợp thực tiễn để sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng nhu cầu công việc.
Đồng thời Khoa cũng đưa thêm kiến thức nền về kinh doanh, kiến thức chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán và các kiến thức mới hiện nay như phân tích dữ liệu cũng đã được đưa vào chương trình đào tạo. Toàn bộ chương trình đào tạo tại Khoa Quốc tế đều lấy người học làm trung tâm, vì thế ngoài các giờ học, còn có các hoạt động như mời các diễn giả hay tổ chức những buổi thực tế để các em sinh viên tham quan các doanh nghiệp.
Theo học tại Khoa các em cũng có cơ hội học bằng kép tại trường Đại học Ngoại ngữ hoặc Khoa Luật, cũng như rất nhiều cơ hội học tập chuyển tiếp với rất nhiều trường đối tác của Khoa Quốc tế. Chương trình KTPT&KT của Khoa Quốc tế được đào tạo 4 năm hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên ra trường sẽ có nhiều có lợi thế trong thị trường lao động cũng như các công ty có yếu tố nước ngoài.
ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Về khía cạnh thái độ mà chị Hà vừa nhắc đến, tôi xin được bổ sung là tại Khoa Quốc tế ngoài các kiến thức từ chương trình học chính thức với thầy cô thì còn có các hoạt động ngoại khóa, hoạt động sinh viên bổ trợ các kỹ năng mềm cần thiết cho các bạn. Ví dụ như Khoa Quốc tế đã và luôn sẵn sàng “đỡ đầu” cho các bạn sinh viên thành lập câu lạc bộ dành cho các bạn yêu thích nghề Kế toán, Kiểm toán (FASIS).
Tại câu lạc bộ, chúng tôi sẽ nắm được sinh viên đang có những câu hỏi, hay đang gặp vấn đề gì, và các em có thể đề xuất với các thầy cô tổ chức các chương trình, workshop để giải quyết băn khoăn đó, ví dụ như các em muốn gặp các khách mời từ doanh nghiệp hay những buổi đi thực tế chẳng hạn.
Một cách tổng quát thì Khoa Quốc tế chính là cầu nối để các bạn sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp sớm hơn, được hiểu rõ hơn về yêu cầu của doanh nghiệp để tự soi chiếu lại bản thân. Và đặc biệt hầu hết sau các buổi thực tế về thì mục tiêu các bạn đều thay đổi thay vì mục tiêu trước đây chỉ là ra trường và đi làm thì bây giờ sẽ cụ thể hơn đó là vào được Big 4. Có thể nói chính những hoạt động như vậy giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn, nổi bật hơn so với các ứng viên khác trước các nhà tuyển dụng.
Bà Vũ Thị Thu Hà: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị Hoa. Deloitte Việt Nam cũng rất là vui mừng và may mắn khi được đồng hành cùng với Khoa Quốc tế tổ chức rất nhiều buổi Office tour (buổi thăm quan văn phòng). Những năm gần đây các bạn sinh viên tham gia ngày càng có xu hướng sớm dần lên tức là có rất nhiều các bạn sinh viên năm nhất, năm hai cũng đã tham gia những buổi thăm quan này rồi. Với các bạn đó tôi đánh giá rất cao vì các bạn đã thể hiện được thái độ chuẩn bị tốt, khao khát tìm hiểu về công việc tương lai của mình. Điều đó thật sự rất tốt!
Deloitte cũng sẽ tiếp tục đồng hành với Khoa Quốc tế tổ chức nhiều buổi office tour để khơi gợi đam mê của các bạn với ngành nghề này. Ở Deloitte còn có chương trình thực tập dành cho các bạn sinh viên năm 2. Theo đó các bạn sinh viên năm 2 tại Khoa Quốc tế sẽ đến làm việc tại Deloitte trong khoảng thời gian 2-3 tháng được chúng tôi đào tạo và cũng được đi gặp khách hàng luôn. Từ đó có những nền tảng vững chắc để đến khi ra trường tiếp xúc với công việc thành thạo hơn.
Liệu đào tạo Kế toán- Kiểm toán hoàn toàn bằng tiếng Anh có phải là lợi thế của sinh viên sau khi ra trường không?
Bà Vũ Thị Thu Hà: Nhìn về tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ hội nhập sâu với thế giới và sẽ có rất nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ có lộ trình chuyển dịch sang IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế). Như vậy rõ ràng với các bạn có tiếng Anh chuyên ngành tốt, hiểu sâu thuật ngữ về Kế-Kiểm quốc tế để phục vụ khách hàng thì đấy là lợi thế rất lớn.
Deloitte là công ty kiểm toán quốc tế có hơn 175 năm hoạt động, Deloitte Việt Nam là thành viên của Deloitte Asia Pacific, gần như không có ranh giới nhân viên giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Bạn có thể sẽ làm việc trong một đội mà các thành viên đến từ các nước khác nhau, vì vậy nếu như không có tiếng Anh các bạn rất khó có thể giao tiếp, làm việc.
Chúng tôi cũng có các chương trình trao đổi nhân viên, các bạn nhân viên ở Việt Nam có thể đi làm tại văn phòng của Mỹ hoặc Singapore hay Thái Lan. Khi đó thì khách hàng sẽ là những người nước ngoài và nếu không có tiếng Anh thì ta sẽ không thể hoàn thành được công việc.
Xin thầy cô giới thiệu về phương thức tuyển sinh 2020 vào ngành KTPTKT Khoa Quốc tế, điểm trúng tuyển và chỉ tiêu năm ngoái là bao nhiêu ạ?
ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Năm nay Khoa vẫn có nhưng hình thức xét tuyển là xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng điểm thi THPTQG, xét tuyển bằng điểm tiếng Anh qua các chứng chỉ IELT, TOEFL quy đổi kết hợp với 2 môn Toán, Văn hoặc bằng điểm IELTS & SAT. Trong đó 90% là xét tuyển bằng hình thức THPTQG với các khối A00, A01, D01 và D90. Với khối A00 môn Toán là môn chính, các khối còn lại môn tiếng Anh là môn chính. Môn chính có nghĩa là môn sẽ được nhân đôi số điểm. Như vậy các bạn học sinh lưu ý lựa chọn khối xét tuyển có lợi nhất với bản thân. Ngoài ra bắt đầu từ năm nay Khoa Quốc tế cũng có thêm một điều kiện muốn nâng cao chất lượng của sinh viên hơn nữa nên yêu cầu tiếng Anh đầu vào của các bạn cần đạt tối thiểu 4 điểm. Từ đó giúp các bạn xác định sớm hơn mục tiêu của mình.
Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm nay là 180 chỉ tiêu và điểm xét tuyển mọi năm thường không vượt quá 18,5/30. Đây không phải mức điểm quá cao nhưng với đặc thù học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì không phải ai cũng đủ tự tin để theo học mặc dù điểm thi của các bạn rất cao nhưng lại rất ngại học 4 năm bằng tiếng Anh so cùng với việc phần đông các bạn lựa chọn cứ học bình thường rồi học thêm một chút tiếng Anh sẽ có nhiều thời gian hơn. Các bạn phải thật sự là người có dũng khí để chọn học đại học bằng tiếng Anh khi mà bước đầu sẽ vất vả và gian nan hơn. Vì thế số lượng các bạn đăng kí vào Khoa Quốc tế không hề cao. Nhưng chúng ta nên cân nhắc lựa chọn môi trường đào tạo nào phù hợp để sau này ra trường có thể hoàn toàn tự tin trước nhà tuyển dụng.
Học phí tại Khoa Quốc tế cao không? Cơ hội nhận học bổng ở Khoa như thế nào?
ThS. Đào Thị Thanh Hoa: Chương trình tại Khoa Quốc tế là các chương trình phải được đầu tư từ khâu xây dựng, giáo trình đến chất lượng của giảng viên phải là các giảng viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Đại đa số giảng viên tại Khoa Quốc tế đều tốt nghiệp từ các trường nước ngoài trở về nước và tham gia giảng dạy ở Khoa. Tỉ lệ giảng viên bậc tiến sĩ rất cao, ngoài ra Khoa còn có 20-30% giảng viên nước ngoài. Vì vậy mà sự đầu tư là không hề nhỏ, cũng bởi vậy học phí không thể nào thấp như các chương trình học bằng tiếng Việt được.
Tuy nhiên để cho có tương quan so sánh thì các bạn có thể thấy rất nhiều các trường đại học có tuyển sinh chương trình Chất lượng cao với thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh chỉ vào khoảng 25-30%, còn lại bằng tiếng Việt với mức học phí là 30-35 triệu đồng/ 1 năm. Trong khi đó ở Khoa Quốc tế được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng mức học phí cũng chỉ dưới mức 50 triệu/ 1 năm. Học phí Khoa Quốc tế không thấp nhưng là một mức phí hợp lý để các bạn có môi trường học tập, đào tạo tốt, là bước đà để các bạn có các công việc toàn cầu chứ không chỉ giới hạn ở ước mơ ra trường có việc làm với một mức lương ổn định ở Việt Nam.
Về học bổng, trong ĐHQGHN có câu nói “Khoa Quốc tế là xứ sở của học bổng”. Các bạn học sinh có rất nhiều cơ hội học bổng. Ngay từ đầu vào các bạn đã được xét học bổng gọi là Học bổng tuyển thẳng giá trị 100% học phí bao gồm cả tiếng Anh dự bị (nếu có), giá trị tương đương 260 triệu. Có loại học bổng dài hạn khác từ miễn 100% đến mức thấp hơn. Các bạn sinh viên có hoạt động nổi bật sẽ được tính điểm rèn luyện bên cạnh điểm học tập để bên cạnh điểm học tập xét học bổng. Từ đầu năm đến nay Khoa Quốc tế thống kê số tiền trao học bổng đã vào khoảng 15-16 tỷ đồng. Đây thực sự là con số rất lớn. Nhưng Khoa thật sự quyết tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động này để tiếp sức cho các bạn sinh viên được trải nghiệm điều kiện tối ưu ở Việt Nam, bắt kịp nền giáo dục nước ngoài và phát triển được hết năng lực của bản thân. Ngoài ra là 1 sinh viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN bạn cũng có quyền đăng ký xét tuyển các học bổng của ĐHQGHN, hay từ các đối tác doanh nghiệp của ĐHQGHN, đồng thời cũng có các học bổng đến từ trường đối tác của Khoa. Và một dạng học bổng nữa là học bổng trao đổi sinh viên. Sinh viên có thể học 1 năm hoặc 1 kỳ tại các trường của Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Pháp,... Sinh viên Khoa Quốc tế từng đặt chân đến nhiều trường ĐH tốt trên thế giới theo hình thức này.
Có một nhận định cho rằng kế toán - kiểm toán hiện nay lượng nhiều nhưng chất lại thiếu, số lượng tốt nghiệp chuyên ngành này rất lớn nhưng các bạn trẻ có đủ kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp thì lại không nhiều. Anh chị nghĩ sao về điều này, đây có phải là một thực trạng nhân sự của lĩnh vực kế toán, kiểm toán hay không?
Bà Vũ Thị Thu Hà: Thật ra cái nhận định nhân lực vừa thừa vừa thiếu tôi thấy chỉ một phần thôi. Một trong những yếu tố là chất lượng không cao hay chất lượng tốt phụ thuộc vào các em chuẩn bị như thế nào. Tôi đã từng phỏng vấn rất nhiều em sinh viên và các em thực sự tốt. Vậy cái “tốt” đó đến từ đâu? Tôi hỏi em đã chuẩn bị như thế nào? Sao em biết tới Kế toán, Phân tích hay Kiểm toán? Vì sao em thích ngành này?
Nếu như em có thể ngay lập tức có thể nói ra những lộ trình và những hoạt động bạn đã làm như nghiên cứu về chuyên ngành kế toán kiểm toán…Hay ngay từ năm thứ nhất em đã tham gia vào các hội chợ việc làm, company tour để em tìm hiểu ngành này như thế nào hay em cũng đã tìm hiểu để biết Deloitte của yêu cầu những gì về mặt tiếng Anh, kỹ năng và chuyên ngành và Từ đó quyết định tham gia các câu lạc bộ, các cuộc thi, các hoạt động sinh viên,.... Thì đối với tôi đó là chất lượng tốt vì rõ ràng các bạn đã có sự chuẩn bị tốt và sự nghiêm túc với nghề nghiệp. Tuy nhiên cũng có những bạn dù là năm 4 rồi nhưng khi tôi hỏi lại rất mơ hồ về ngành nghề và tương lai của mình. Thái độ nghiêm túc thực sự quan trọng, không chỉ ngành kế toán mà còn ở những ngành khác. Khi bạn có thái độ nghiêm túc, bạn sẽ có ý thức chuẩn bị và từ đó đạt được cái chất lượng như nhà tuyển dụng yêu cầu. Do vậy nên nói vừa thừa vừa thiếu cũng đúng nhưng tôi tin là với những bạn trẻ hiện nay và với sự quan sát của tôi thấy có càng nhiều hơn những bạn năm nhất, năm hai tới thăm văn phòng của tôi, thi tuyển để có cơ hội vào công ty. Nên tôi tin rằng thế hệ trẻ ngày nay sẽ có sự chuẩn bị tốt. Điều đó cũng cân bằng được chất lượng đầu ra của các doanh nghiệp kế kiểm.
Để theo học ngành kế toán kiểm toán thì cần những tố chất gì, có nhất thiết phải giỏi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa không?
TS Nguyễn Thị Kim Oanh: Ngành kế toán kiểm toán thì theo tính nhất nghề nghiệp các em cần có tố chất về tư duy logic. Thứ hai là công việc cũng yêu cầu sự cẩn thận, ngăn nắp và yêu thích con số. Nói yêu thích con số thì có thể ví dụ như nhìn vào những con số A bạn nghĩ đến con số B rồi nghĩ con số B sẽ tác động như thế nào đến những con số khác. Đó là logic. Còn về cẩn thận ngăn nắp thì cũng rất cần, vì mình sẽ phải làm việc với con số mà từ số 57 viết thành số 75 là đã có sự khác nhau rồi. Sau này các em làm kế toán cũng sẽ biết có rất nhiều chứng từ chờ mình xử lý, trong đó có loại chứng từ của chính mình phải tự quản lý cho mình, hoặc loại chứng từ của doanh nghiệp nếu mình đi kiểm toán – nếu mà sau khi làm xong mỗi tờ bay một nơi thì rất là gay go. Thật sự không phải ai sinh ra cũng đã có sẵn tính ngăn nắp, đức tính này cũng còn do rèn luyện mà nên nữa, nhưng ít ra khi mình chuẩn bị bước vào ngành mình nên biết rằng đó là điều kiện cần để chú trọng rèn luyện. Còn điều kiện đủ thì rất nhiều, bạn sẽ được học ở đại học như kỹ năng làm việc cá nhân, làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý stress...Những điều đó có thể được rèn luyện ở trường cấp 3 hay trường đại học.
Bà Vũ Thị Thu Hà: Một điều đối với ngành kế toán kiểm toán mà tôi thấy quan trọng đó là kỹ năng giao tiếp. Đi làm kiểm toán khác với kế toán là bạn phải làm việc với khách hàng, giao tiếp với khách hàng và thuyết phục họ để kiểm tra chứng từ rồi trao đổi về các mức toán điều chỉnh. Nên rõ ràng là kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, thuyết phục khách hàng là hết sức quan trọng khi bạn chuẩn bị vào ngành kế kiểm.
TS. Đào Thị Thanh Hoa: Ngành nào cũng có những điểm đặc trưng, các bạn nên tách bạch ra, có những cái sinh ra đã có nhưng cũng có những cái do rèn luyện ví dụ như kỹ năng, mọi thứ về giao tiếp, thuyết trình, quản lý stress...Nhưng về điều đó các bạn yên tâm là ở Khoa Quốc tế có rất nhiều dịch vụ cho sinh viên sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các bạn. Vì chúng tôi chú trọng tới cả yếu tố “habit” ngoài “ASK” cho sinh viên nữa. Các mảng hoạt động Khoa Quốc tế rất tâm huyết tạo ra vì hiểu được những trăn trở của sinh viên, tạo ra môi trường để các bạn phát triển kỹ năng trên nhiều khía cạnh từ kỹ năng làm việc, kỹ năng học tập đến kỹ năng sống. Khoa Quốc tế không mong gì hơn là muốn các bạn phát triển tốt nhất và học tập để thành công trong cuộc sống. Ngoài ra cô Oanh nhắc tới quản lý stress thì Khoa cũng quan tâm từ rất sớm. Chúng tôi có dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí cho sinh viên và nhận ra rằng sinh viên có rất nhiều vấn đề, trong xã hội hiện đại các bạn ấy có nhiều áp lực và tôi không biết rằng nếu không có sự hỗ trợ khách quan từ đội ngũ chuyên nghiệp thì các bạn sẽ xoay sở như thế nào.
Nếu em thi môn ngoại ngữ thì em nên chọn môn nào để xét tuyển?
TS. Đào Thị Thanh Hoa: Trong năm nay, Khoa Quốc tế chỉ xét tuyển môn tiếng Anh nên nếu bạn muốn học tập tại Khoa Quốc tế thì bạn bắt buộc phải chọn tiếng Anh.
Cô có thể chia sẻ cho chúng em một số kinh nghiệm ngành kế toán kiểm toán khi đi xin việc dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng được không ạ?
Bà Vũ Thị Thu Hà: Rất cảm ơn bạn vì câu hỏi, có thể thấy rằng các bạn học sinh cấp 3 hiện nay cũng quan tâm tới việc làm thế nào để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Như tôi đã chia sẻ, nếu như bạn muốn thành công thì em phải có sự chuẩn bị từ rất sớm. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng về ngành. Trước đó chị Oanh cũng chia sẻ về những môn sẽ được đào tạo trong chương trình kế toán, kiểm toán rồi, hay các kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian hay quản lý stress. Một ví dụ rất cụ thể đó là khi bạn làm trong ngành kiểm toán, bạn phải sống với deadline. Bạn luôn phải quan tâm tới hạn chót nộp báo cáo, nếu không đúng hạn thì bạn đã không hoàn thành công việc. Vì vậy, kỹ năng quản lý thời gian vô cùng quan trọng với 1 kiểm toán viên. Bây giờ các bạn có thể rèn luyện cho mình rồi, hãy đặt ra là trong một khoảng thời gian mình phải hoàn thành một công việc nào đó, trong 24h mình phải quản lý làm sao để mình có đủ thời gian ăn ngủ vừa có thời gian chăm sóc sức khỏe hay ôn luyện để đạt kết quả cao. Nếu các bạn có sự tự ôn luyện và nghiêm khắc với chính bản thân mình thì đó là các bạn đã rèn luyện rất tốt.
Thói quen sẽ hình thành sau 21 ngày, bạn hãy tin tôi rằng việc thực hiện phân chia thời gian trong ngày đó khi làm liên tục trong 21 ngày, nó sẽ trở thành thói quen của bạn. Lúc đấy sẽ không còn câu chuyện các bạn ngủ nướng, các bạn online chat với bạn bè vì mình đã tự kiểm soát bản thân của mình rồi. Đó là cách thức để bạn rèn luyện cách phân bổ thời gian hợp lý. Hay nói tới kỹ năng giao tiếp, đừng nghĩ rằng đến khi em chuẩn bị ra trường em mới đi chuẩn bị. Ngay từ bây giờ chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện cho mình, nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, bố mẹ, nói chuyện ít hơn với điện thoại, tiếp xúc với những đối tượng khác. Thay vì cầm điện thoại, xem phim hãy đọc báo lá cải, hãy cầm sách lên và đọc để nạp cho mình nhiều kiến thức xã hội, kiến thức kinh tế. Đấy là cách để rèn luyện kỹ năng giao tiếp vì khi mình có kiến thức thì mình sẽ nói chuyện thuyết phục hơn. Nếu bây giờ các bạn đã trang bị cho mình những thứ đó rồi thì yên tâm đi, 4 năm nữa các bạn ra trường ngồi trước nhà tuyển dụng các bạn hoàn toàn có thể tự tin nói rằng em là một người phù hợp với ngành nghề này, em là một ứng viên mà anh chị có thể tin tưởng tuyển chọn. Tôi là một người tuyển dụng, tôi sẽ rất vui khi được nói chuyện với một bạn có sự chuẩn bị rất kỹ càng như vậy.
Thầy cô có thể cho em biết kiểm toán, kế toán công và kế toán doanh nghiệp khác nhau như thế nào không ạ?
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh: Trước hết khi các em nghe thấy tên kế toán doanh nghiệp là ở nhiều loại hình ở các khu vực khác nhau. Khi nhắc đến doanh nghiệp thì có công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty 1 thành viên, doanh nghiệp tư nhân. Khi mình làm kế toán ở doanh nghiệp đó người ta gọi là kế toán doanh nghiệp.
Còn kế toán công thì liên quan đến hệ thống cơ quan nhà nước, cơ quan thuế, kho bạc, hải quan. Khi làm kế toán ở những cơ quan này thì gọi là kế toán công.
Còn kiểm toán thì dù là tư nhân hay khu vực công thì đều có kiểm toán. Ở doanh nghiệp gọi là kiểm toán độc lập. Khi mình có báo cáo tài chính thì sẽ mời những tư vấn của các công ty kiểm toán đến kiểm toán báo cáo với tư cách là kiểm toán độc lập. Tại sao lại là kiểm toán độc lập? Vì họ sử dụng tiền của doanh nghiệp huy động từ nhà đầu tư hay ngân hàng nên buộc phải kiểm toán độc lập. Còn với các khu vực công sử dụng ngân sách nhà nước thì họ cũng có được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán nhà nước nhằm kiểm toán việc sử dụng ngân sách tại các cơ quan công do nhà nước phân bổ ngân sách hàng năm.
Nếu tiếng Anh của em không được tốt, nhất là kỹ năng nghe nói thì có học được chương trình Kế toán, Phân tích và Kiểm toán tại Khoa Quốc tế không ạ?
TS. Đào Thị Thanh Hoa: Đây là câu hỏi chung chúng tôi rất hay gặp từ các bạn học sinh THPT. Chúng tôi rất hiểu rằng điểm yếu của các bạn học tiếng Anh THPT là các bạn chỉ biết các cấu trúc, ngữ pháp do thiếu điều kiện thực hành nên kỹ năng nghe nói của mình kém. Các bạn ạ, đa số các bạn vào Khoa Quốc tế mới đầu cũng như vậy hết. Các bạn lệch các kỹ năng, hay có những bạn xuất phát điểm thấp vì học khối A thì tôi xin nói là các bạn yên tâm, Khoa có chương trình tiếng Anh dự bị giúp các bạn đáp ứng được điều kiện tiếng Anh. Chương trình có 5 cấp độ và các bạn sẽ có bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào tất cả các kỹ năng để xét vào lớp phù hợp với giáo trình dành cho cấp độ đó. Với những bạn học Kế toán, Phân tích và Kiểm toán thì năm đầu các bạn sẽ học tiếng Anh cùng những môn cơ sở như triết học hay kinh tế chính trị. Bên cạnh đó, các bạn cần đạt điểm tiếng Anh ở mức tối thiểu khi xét tuyển vào Khoa Quốc tế, năm nay đặt ra là mức 4 điểm, các bạn cần đạt ngưỡng điểm này để có thể theo học tại Khoa.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, ngành kế toán và kiểm toán có những cơ hội và thách thức gì ạ. Cô có thể giới thiệu những xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán kiểm toán được không ạ?
Bà Vũ Thị Thu Hà: Với sự phát triển rất nóng của công nghệ và những tác động của công nghệ đến ngành kế kiểm thì phải nói là có. Một ví dụ là trước đây đối với Deloitte thì phần mềm kiểm toán được sử dụng là phần mềm offline, các bạn kiểm toán viên sau khi làm việc sẽ về cập nhật lên phần mềm đó. Nhưng hiện nay, phần mềm kiểm toán là online, ở bất kỳ đâu các bạn cũng có thể cập nhật công việc và quản lý có thể kiểm soát được công việc của bạn. Ngoài ra tất cả dữ liệu đều được lưu trữ trên đám mây, nói vui là khi cần thiết chỉ cần kéo đám mây xuống là sẽ có dữ liệu.
Có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ vào lĩnh vực sản xuất và quản lý của học. Nguồn dữ liệu lớn (big data) cũng giúp ích rất nhiều. Điều đó nói lên gì ạ, bây giờ ngoài tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thông dụng rồi, thì các bạn sinh viên cần học thêm về ngôn ngữ IT nữa. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh thì rõ ràng kiểm toán cũng phải đi theo xu hướng đó. Chính vì thế, các bạn sinh viên cần phải biết rõ hơn khả năng hiểu ngôn ngữ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Song song với học chuyên ngành các bạn có thêm kiến thức IT thì đó sẽ là lợi thế lớn. Cơ hội rất nhiều, khi đó các bạn mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng, các bạn cảm thấy mình làm việc ý nghĩa hơn thay vì chỉ ngồi check chứng từ thôi. Rõ ràng rằng cơ hội luôn đi kèm với thách thức, nó đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng.
Hiện nay em học lớp 12 và đang chọn ban D để thi ạ, em phân vân giữa ngành kế toán kiểm toán và tài chính ngân hàng, 2 ngành đó ở đại học ngành nào tốt hơn ạ. Nếu em học ngành tài chính ngân hàng thì sau khi ra trường có thể dùng bằng đó để đi làm kế toán không ạ?
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh: Trước hết nếu các bạn có định hướng học lĩnh vực này thì mình nên có định hướng rõ ràng, các em phân vân giữa kế kiểm với tài chính ngân hàng thì các em nên xác định lại mục tiêu. Thêm nữa, về vế học tài chính ngân hàng có làm được kế toán không thì nếu trong chương trình đã có môn kế toán cộng với các em học thêm môn khác thì cô nghĩ hoàn toàn có thể được. Chỉ cần em có kiến thức, học thêm về lĩnh vực kế toán thì em sẽ làm việc được thôi. Trong thời đại này nên linh hoạt, không nên mặc định mình học các này thì không thể làm được cái kia. Tuy nhiên, Khi mình chuẩn bị kỹ càng hơn, thì mình sẽ thấy cái đích của mình rõ hơn và đi đến đó một cách nhanh hơn người khác hay nhanh hơn chính sự phân vân của bản thân mình.
Bà Vũ Thị Thu Hà: Tôi cũng đã gặp các em nói rằng em học về ngành khác thì em có thể làm về kế kiểm hay không, có thể làm ở Deloitte hay không. Lúc đó tôi nói rằng, vậy rốt cuộc em nghĩ em có làm được hay không? Quan trọng là em có muốn hay không thôi. Tôi cũng muốn chia sẻ rằng tôi còn có những bạn nhân viên học những ngành không liên quan nhưng các bạn đã trở thành những kiểm toán viên rất tốt. Chuyên ngành học của các bạn cho mình cái cơ sở, nền tảng vững chắc, khi các bạn học ngành kế toán kiểm toán thì nền của các bạn chắc hơn thôi, nếu các bạn học tài chính ngân hàng thì các bạn vẫn có thể làm kế kiểm chỉ là cần phải bổ sung kiến thức chuyên ngành đó để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong kiểm toán cũng có những khách hàng là các ngân hàng, lúc đó chính những kiến thức về tài chính ngân hàng là điểm mạnh cộng thêm kiến thức kiểm toán nữa thì rất tốt. Nên các bạn cứ tự tin, xác định rõ ràng ngành mình mong muốn theo đuổi.
TS. Đào Thị Thanh Hoa: Tôi nghĩ rằng nói đi cũng phải nói lại, hướng nghiệp không phải dễ, không phải bạn nào cũng có người nhà gia đình đã từng làm kế kiểm để cho các bạn thông tin và cũng không thể nói ngành này hoàn toàn phù hợp với mình. Rất khó để các bạn hình dung em hợp với ngành này, em muốn làm ngành này, thậm chí bạn muốn nhưng phụ huynh lại không muốn dẫn đến cảm giác không tự tin. Thực ra mà nói, có rất nhiều con đường khác nhau và các bạn phải biết mình thiếu kiến thức gì để bổ trợ dù điều này sẽ vất vả hơn một chút. Ngược lại nếu bạn học ngành kế toán kiểm toán thì bạn cũng đi được rất nhiều hướng, kiến thức về kế toán là trụ cột cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Tôi cũng tiếp xúc với nhiều bạn ban đầu làm kế toán rồi chuyển sang kiểm toán xong lại sang tài chính với đầu tư, các bạn vẫn rất hạnh phúc với nghề nghiệp của mình, lúc nào cũng có những điều mới mẻ để trải nghiệm. Vì vậy, nếu bạn đã thích tới 60-70% rồi thì cứ làm đi.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh: Nếu hỏi tôi học kế toán kiểm toán ra có thể làm gì thì tôi khẳng định rằng con đường dành cho bạn rất đa dạng. Bạn cứ enjoy con đường mình đi thôi, mỗi con đường mình đi sẽ có những đích đến nhất định.
Chương trình livestream VNU-IS Live Talk 2020 của Khoa Quốc tế như thường lệ đã lên sóng vào 20h thứ 6 hàng tuần. Đừng bỏ lỡ các số hấp dẫn đã phát sóng của chương trình:
Livestream số 3: Vượt qua thử thách tiếng Anh thi THPTQG và học đại học quốc tế
Livestream số 2: Học Phân tích dữ liệu kinh doanh – Khai mỏ vàng dữ liệu
Livestream số 1: Săn học bổng toàn phần đại học quốc tế trị giá 260 triệu đồng