TIN TỨC


Thành công sau 4 năm học đại học - Bí mật đến từ Khoa Quốc tế

Chọn được ngành học phù hợp, ngôi trường tốt, chịu khó rèn luyện thì chắc chắn tương lai sự nghiệp sẽ xán lạn.

4 năm đại học không phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng không hề ngắn. Nếu chọn đúng ngành, đúng trường, phù hợp với khả năng, năng lực của mình, chịu khó học tập, rèn luyện thì nhân cách tốt và tri thức giỏi của người học từ đó sẽ được định hình, tương lai sự nghiệp của các bạn trẻ cũng sẽ xán lạn. 

Tư duy toàn cầu - hành động địa phương

Ngày nay, trong một thế giới hội nhập, việc chọn học các chương trình đào tạo ở nhiều nước trên thế giới là việc dễ dàng. Du học mang lại nhiều lợi ích cho người học, như được học tập trong một môi trường hiện đại, năng động, đầy thử thách; được trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến cùng tư duy toàn cầu; mở rộng tầm nhìn và nâng cao năng lực ngoại ngữ; được tôi luyện để trở thành con người độc lập.

Nhưng việc du học cũng có những mặt trái của nó. Các em học sinh lần đầu sống xa nhà, bố mẹ không quản lý nên dễ bị sa ngã, ham chơi không chịu học, hoặc mải mê kiếm tiền mà xa rời giảng đường. Không những thế, mức chi phí để đi du học không hề nhỏ, thậm chí tính đếm bằng một căn chung cư ở các thành phố lớn. Thêm vào đó là các du học sinh tốt nghiệp về nước sẽ phải mất một thời gian để hoà nhập với thị trường và môi trường lao động tại Việt Nam vì những điều họ được dạy có thể không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp trong nước. 



Sinh viên Khoa Quốc tế thực hiện các dự án thiện nguyện của môn học trong chương trình đào tạo.  

Vậy với những phụ huynh có mong muốn cho con được theo học những chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và học bằng tiếng Anh phải làm thế nào? Chị Hoàng Minh Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), đã quyết định đăng ký cho con học tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, bởi, theo chị, Khoa Quốc tế có các chương trình đào tạo xây dựng theo chuẩn đại học nước ngoài. Ngoài ra, đây còn là các chương trình chính quy, đã được kiểm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận. Không những thế học phí tại đây lại rẻ hơn gấp nhiều lần so với chi phí học tại nước ngoài.

Một điểm khác tại Khoa Quốc tế mà chị Hoà thấy “ưng” là sinh viên Khoa Quốc tế rất tự tin, năng động, không khác gì phong cách của du học sinh. Theo chị học tập tại đây sẽ tạo ra những con người  sống và suy nghĩ độc lập, quyết đoán và có ý chí. 

Môi trường đào tạo ra một thế hệ năng động, tự tin

Hiện nay ở Việt Nam đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Cái thiếu của Việt Nam hiện nay không phải là nhân lực phổ thông, mà là nhân lực chất lượng cao. Làm sao để có thể đào tạo ra được nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng tốt, giỏi ngoại ngữ, năng động, dễ dàng thích ứng với công việc và môi trường lao động cả trong và ngoài nước? Đây thực sự là vấn đề, thách thức lớn cho tất cả các cơ sở đào tạo trong nước.

Chị Lệ Thu (Lạng Sơn) và con gái quyết định cho con học tại Khoa Quốc tế  bởi chị nhận thấy trong các chương trình đào tạo của Khoa, ngoài khối kiến thức chuyên môn khá tốt còn có các môn học bổ trợ để rèn kỹ năng mềm cho sinh viên. Theo chị kiến thức tốt mà kỹ năng kém thì chắc chắn sẽ không thể làm việc được. Ngoài ra, chị cũng nhận thấy môi trường đào tạo của Khoa Quốc tế có nhiều ưu điểm, các sinh viên được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển bản thân và nhân cách, rèn giũa các em trở thành những con người năng động, tự tin và có ý chí phấn đấu.

 
Phương Mai tham gia chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên tại Đài Loan năm 2017.

Bạn Bế Ngọc Phương Mai, con gái chị Thu, hiện đã là sinh viên năm cuối của chương trình Kinh doanh quốc tế. Phương Mai từ một cô học sinh nhút nhát đã trở thành một  sinh viên vô cùng năng động, tự tin. Em tích cực tham gia các câu lạc bộ hỗ trợ học tập của Khoa Quốc tế ngay từ năm thứ 1; tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên và nhóm của em giành giải Nhất tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ X; tham gia chương trình giao lưu văn hoá tại Đại học Providence, Đài Loan và đã có nhiều trải nghiệm thú vị trong khoảng thời gian 2 tuần tại đây.

“Em đã được học kiến thức từ những thầy, cô giỏi, nhiệt tình và luôn sẵn lòng hỗ trợ sinh viên; được tham gia các chương trình, hoạt động đa dạng để rèn kỹ năng mềm; được hỗ trợ để phát triển các năng lực và tiềm năng của bản thân. Mối quan hệ giữa thầy, cô và sinh viên trong Khoa rất gần gũi, dân chủ, sinh viên được tự do thể hiện quan điểm cá nhân của mình, các bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau”, Phương Mai chia sẻ. 

Học phí cao như thế có đáng đầu tư hay không?

Một trong những vấn đề phụ huynh dành sự quan tâm lớn là học phí. Tất nhiên, phụ huynh luôn sẵn sàng đầu tư cho con và tương lai của con, nhưng khoản đầu tư này khi bỏ ra liệu có thu được kết quả như mong muốn hay không.

Có rất nhiều phụ huynh khi đến tư vấn thường đặt câu hỏi sao học phí trường công mà đắt thế, gấp đôi các trường đại học công lập khác? Đúng là học phí của Khoa Quốc tế, tính trung bình theo tháng, có cao hơn so với các trường công lập khác. Nhưng khi nghe giải thích đây là mức học phí cố định, không thay đổi từ khi học năm thứ 1 đến năm cuối và không có các khoản thu khác ngoài học phí, thì các bậc phụ huynh đều có vẻ hài lòng. 


Nguyễn Trọng Quyền – cựu sinh viên chương trình Kinh doanh quốc tế - hiện là nhân viên của Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG.

Chị Phạm Thuỷ, phụ huynh có con tốt nghiệp Khoa Quốc tế, cho biết, ban đầu chị cũng hơi lăn tăn khi mức học phí có hơi cao. Nhưng khi tìm hiểu thông tin về Khoa, chị đã hiểu vì sao mức học phí có khác. Theo chị, để sinh viên có thể học tập với thầy giỏi, Khoa sẽ phải mời những chuyên gia đầu ngành, giảng viên nước ngoài, hay giảng viên tu nghiệp nhiều năm ở các trường đại học lớn trên thế giới. Và để mời được người tài, người giỏi đến làm việc thì chi phí đương nhiên cần phải nhiều. Con chị Thuỷ đã làm việc cho Công ty kiểm toán quốc tế EY ngay sau khi hoàn thành môn học cuối cùng và chưa hề có bằng tốt nghiệp. Chị Thuỷ chia sẻ đầu tư cho con tại Khoa Quốc tế thật sự có lãi, sau 4 năm những gì con và gia đình chị thu được lớn hơn khoản đầu tư ban đầu rất nhiều.

Có tìm được việc làm tốt hay không – vấn đề quan tâm hàng đầu

Liệu sau khi tốt nghiệp con tôi có thể tìm được việc làm không khi ngày nay rất nhiều các cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp? Đây là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh trong quá trình đi tìm trường và ngành học cho con. Nhưng với những ai có con đã tốt nghiệp Khoa Quốc tế, họ sẽ chỉ quan tâm con mình làm việc với công ty, tập đoàn nào, mức lương có thoả đáng hay không và cơ hội phát triển của các con đến đâu. Rất nhiều sinh viên chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng đã đầu quân cho các ngân hàng, các công ty kiểm toán nước ngoài, các cơ quan, doanh nghiệp hàng đầu trong nước. 

Vậy phải chọn ngành học thế nào để khi tốt nghiệp sinh viên được quyền đi chọn việc chứ không phải việc đi chọn sinh viên? Anh Đức Phường (Linh Đàm, Hà Nội) có 2 cô cháu gái tốt nghiệp Khoa Quốc tế và hiện đi làm với mức thu nhập tính hàng nghìn USD. Theo anh Phường, sinh viên Khoa Quốc tế được đào tạo rất khác với sinh viên các trường Việt Nam. Các em được trang bị khá tốt kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên sâu, được trang bị các kỹ năng cần thiết, rất năng động và sáng tạo.



Sinh viên Khoa Quốc tế tự tin trong mọi cuộc tranh luận, trao đổi với bạn bè quốc tế.

Ông Trần Bá Quảng, Công Ty Kiểm toán và tư vấn Chuẩn Việt (VIETVALUES), nhận định sinh viên Khoa Quốc tế được trang bị các kỹ năng giao tiếp cần thiết, khá chủ động trong việc xử lý các tình huống. Do vậy, các bạn có thể tự tin làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, hoà nhập nhanh và khá tốt.

Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn được một ngôi trường phù hợp có ý nghĩa lớn, quyết định tương lai của các bạn học sinh. Các bạn trẻ có yêu trường, thích học hay không cũng phụ thuộc vào chính quyết định này.

Khoa Quốc tế chúc các vị phụ huynh và các em học sinh sẽ có được lựa chọn đúng đắn ở thời điểm đầy quan trọng này! Mong rằng chúng tôi có thể đồng hành cùng các bậc phụ huynh và các bạn trẻ Việt Nam trên con đường gây dựng sự nghiệp cho tương lai của chính bản thân các bạn. 

Thuỳ Lâm 

Trong gần 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN luôn coi trọng việc đào tạo những cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, được trang bị những kỹ năng mềm và quan trọng hơn cả, đáp ứng được ngay với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Có thể tự hào khẳng định, thế hệ học viên, sinh viên tốt nghiệp đã gặt hái được những thành công nhất định trong các lĩnh vực công tác khác nhau, trên các cương vị công việc khác nhau. Học viên, sinh viên Khoa làm việc trong các cơ quan, đơn vị khác nhau, như Bộ Kế hoạch - đầu tư, Thanh tra Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Bộ Công an, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, các ngân hàng, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp nước ngoài… Thành công của học viên, sinh viên đã khẳng định mô hình phát triển của Khoa là đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của ĐHQGHN và phù hợp với nhu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực bậc trung và cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.

 

Trong năm học 2019 - 2020, Khoa Quốc tế sẽ tuyển sinh các chương trình đào tạo cử nhân sau:
Các chương trình do ĐHQGHN cấp bằng:
Cử nhân Kinh doanh quốc tế (260 chỉ tiêu) 
Cử nhân Kế toán, Phân tích và Kiểm toán (170 chỉ tiêu)
Cử nhân Hệ thống thông tin quản lý (70 chỉ tiêu) 
Cử nhân Tin học và Kỹ thuật máy tính (50 chỉ tiêu) 
Cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh (30 chỉ tiêu)

 Các chương trình do đại học nước ngoài cấp bằng:
Cử nhân Quản lý (Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ cấp bằng – 80 chỉ tiêu)
Cử nhân Kế toán và Tài chính (Trường Đại học East London, Vương quốc Anh cấp bằng – 80 chỉ tiêu)
Cử nhân Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch (Trường Đại học Troy, Hoa Kỳ cấp bằng – 80 chỉ tiêu)