TIN TỨC


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Sinh viên Quản trị thời đại 4.0 cần phải biết sử dụng công nghệ"

Tại buổi tọa đàm số 1 trong khuôn khổ Job Fair 2018: The Ride to Multinational Companies do Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đăng cai ngày 3/5/2018 tại Fortunal Hotel Hanoi, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan đã khẳng định:”…Sinh viên Quản trị thời đại 4.0 cũng cần phải biết sử dụng công nghệ.”

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng rõ rệt đến từng ngóc ngách của đời sống xã hội và thay đổi nhịp sống toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, theo nhận định của giới chuyên gia: Kỹ năng về công nghệ đã vươn lên với một vị thế nhất định trong chuẩn mực đánh giá ứng viên. Điều này không có nghĩa rằng một sinh viên khối ngành Quản lý phải biết về công nghệ và lập trình, tuy nhiên những kỹ năng sử dụng công nghệ để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh sẽ là điểm cộng rất lớn nếu bạn muốn chinh phục nhà tuyển dụng cũng như nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến tìm việc làm, ứng phó với sự biến đổi không ngừng của đời sống xã hội và sự cạnh tranh, đào thải khắc nghiệt của thị trường lao động.

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “…Tác phong làm việc, thái độ chuyên nghiệp, kỹ năng tư duy phản biện và khả năng ngôn ngữ trong xã hội công nghiệp hiện đại đã trở thành những điều kiện không thể thiếu để đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng và mang lại thu nhập cao cho người lao động.”

                

Nắm bắt được sự thay đổi này của thị trường việc làm, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN tự hào là một trong những đơn vị đầu tiên ở phía Bắc đưa Kỹ năng bổ trợ thành môn học điều kiện bắt buộc trong chương trình đào tạo Đại học chính quy. Bên cạnh giáo trình đào tạo Đại học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài tiên tiến, các bạn sinh viên Khoa Quốc tế, ĐHQGHN còn được đào tạo các kỹ năng phát triển bản thân, kỹ năng tư duy logic, phản biện, thuyết trình, kỹ năng việc làm, kỹ năng nghiên cứu qua các bài giảng chi tiết của 3 Module Kỹ năng bổ trợ. Sinh viên Khoa Quốc tế sau tốt nghiệp không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, đáp ứng kịp thời hàm lượng tri thức mà xã hội yêu cầu mà còn có nền tảng kỹ năng mềm nhất định để dễ dàng thành công hơn trong cuộc chiến tìm việc làm, ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng cũng như tích lũy được các kỹ năng cần thiết để nhanh chóng thăng tiến trên con đường sự nghiệp sau này.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, việc đào tạo sinh viên khối ngành quản trị, đặc biệt là sinh viên ngành Kế toán, phân tích và kiểm toán sử dụng công nghệ phục vụ cho lĩnh vực chuyên môn cũng được nhà trường quan tâm, chú trọng. Không chỉ là những bài học sách vở hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo trình cập nhật từ các nước tiên tiến có nền giáo dục hàng đầu thế giới, sinh viên theo học ngành Kế toán, phân tích và kiểm toán còn được học cách sử dụng một số ứng dụng, phần mềm phục vụ cho công tác chuyên môn ở hai môn Hệ thống thông tin kế toán và Kế toán máy từ năm 3 Đại học trở đi. Một số ứng dụng để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, xây dựng sơ đồ tư duy hay tra cứu tài liệu làm bài luận hiệu quả như Mendeley, Productivity program hay Brainstorm and Mind mapping tool cũng được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên một cách chi tiết, cung cấp phương tiện thuận lợi giúp sinh viên dễ dàng học tập, tiếp cận với nguồn tài liệu quý giá trên thế giới một cách khoa học và có hệ thống, từ đó nâng cao chất lượng học tập hiệu quả.

              

Khẳng định chương trình học Kế toán, phân tích và Kiểm toán không hề khô khan, theo chia sẻ của một sinh viên năm 3 đang theo học ngành này tại Khoa Quốc tế, bên cạnh việc học các môn học tính toán chuyên sâu, các bạn đã được thử sức với việc lập kế hoạch chi tiết cho hoạt động kinh doanh của một công ty do chính mình sáng lập khi học môn Management Accounting (Kế toán quản trị), từ khâu lên ý tưởng sản xuất, bán hàng đến lập kế hoạch ngân sách, chi tiêu đều được cân nhắc và tính toán vô cùng kỹ lưỡng trên máy tính. Hật mầm của việc dấn thân khởi nghiệp từ đây cũng có thể được gây dựng bởi sinh viên tuy học ngành Kế - Kiểm nhưng lại hoàn toàn có đủ kiến thức cơ bản để có thể bắt đầu quá trình lên ý tưởng thành lập doanh nghiệp của chính mình.